Julie Đặng: Vị giám khảo quốc tế trót "phải lòng" cà phê
Julie Đặng, một trong những chuyên gia trong ngành cà phê, chủ tịch tổ chức Global Coffee School (GCS), thành viên Hiệp hội cà phê Specialty Châu Âu (SCAE), đồng thời là Giảng viên chuyên nghiệp (Trainer) và là Director của trường đào tạo Barista tại Việt Nam – Việt Nam Barista School, có kinh nghiệm chấm thi hơn 16 giải đấu quốc tế, từ cấp độ Châu Á như Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia và Thái Lan, đến các cuộc thi mang cấp độ và quy mô thế giới. Ms. Julie đồng thời là một nhà tư vấn khởi nghiệp ngành dịch vụ ăn uống Food & Beverage (F&B).
Với bề dày kinh nghiệm của mình, Julie là một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành cà phê. Chúng tôi đã có buổi chia sẻ cùng Julie để hiểu hơn quan điểm và câu chuyện của cô với cà phê. Và chúng tôi phải thừa nhận rằng, nơi Julie là một trái tim tràn đầy tình yêu dành cho cà phê.
Julie làm việc trong ngành cà phê, tính đến nay đã hơn 10 năm. Xuất phát điểm của Julie là một tách cà phê. Và tách cà phê đầu tiên ấy đã thay đổi cuộc đời cô.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi là về tách espresso. Đó là lần đầu tiên tôi uống cà phê. Và nó mang lại cảm giác rất “mềm mại”, tương phản hoàn toàn với màu nâu sẫm của cà phê. Cà phê có một dư vị ngọt ngào khác biệt mà tôi chưa từng nghĩ rằng nó sẽ có vị như thế.”
Tách cà phê đầu tiên ấy đã làm cho Julie yêu thích “thức uống màu nâu” này, và đó là lúc Julie quyết định sẽ là một phần trong ngành cà phê. Cô liên tục học hỏi và trau dồi, phát triển bản thân toàn diện để trở thành một chuyên gia về cà phê. Trong suốt sự nghiệp của mình, Julie đã và đang là giám khảo của nhiều cuộc thi cà phê trên thế giới, đồng thời mở trường đào tạo Barista mà tại đó hàng ngàn học viên đã theo học và hoàn thành khóa học tại trường.
Trường đào tạo Barista hàng đầu tại Việt Nam – Việt Nam Barista School.
“Chúng tôi thành lập Việt Nam Barista School với mục đích là nơi chia sẻ kiến thức với mọi người và quảng bá hình ảnh về hạt cà phê chất lượng. Thông qua việc hiểu cách đánh giá cà phê, bạn có thể tự mình thẩm định chất lượng cà phê. Với sự hiểu biết về quy trình pha chế một tách cà phê, bạn sẽ tự nhận thức được các tiêu chuẩn cần thiết. Và với sự hiểu biết về nguồn gốc của hạt cà phê, bạn sẽ nhận ra giá trị của hạt cà phê đích thực trên tay bạn. Điều này sẽ giúp bạn nhìn thế giới dưới một góc độ hoàn toàn mới.”
Khi được hỏi về lý do mở trường đào tạo Barista đầu tiên tại Việt Nam, Julie chia sẻ với chúng tôi: “Thật ra, lý do rất đơn giản. Tôi thích cà phê. Vì vậy, tôi muốn cho mọi người thấy tại sao tôi lại thích nó. Với đa số mọi người, cà phê là một phần trong hoạt động hàng ngày của họ. Với những người khác, cà phê là một cách để sống, là cuộc đời của họ.”
Việt Nam Barista School – Một góc không gian phòng học.
“Với đa số mọi người, cà phê là một phần trong hoạt động hàng ngày của họ. Với những người khác, cà phê là một cách để sống, là cuộc đời của họ.”
Julie cũng đã kể với chúng tôi rằng cô đã học được rất nhiều điều từ cà phê. Julie thích trải nghiệm tại nhiều quốc gia khác nhau, tìm hiểu về văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia và qua cà phê, bia và thực phẩm, cô hiểu hơn về con người ở khu vực đó. Cô có thể hiểu được phong cách sống, tính cách, tập quán, văn hóa thông qua việc nhìn thấy sự kết nối giữa cà phê với cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đó. Chia sẻ về việc đứng lớp, Julie nói rằng điều này khiến cô cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, như thể tâm trí của cô cất lên tiếng hát.
Chỉ cần trò chuyện như thế này thôi, chúng tôi biết rằng Julie thực sự yêu và đam mê cà phê đến thế nào. Mà có lẽ cũng vì tình yêu, cô ấy không ngừng cống hiến và làm được rất nhiều việc. Điều này khiến Julie đi được rất xa và xuất sắc trong công việc mà cô đã chọn. Bên cạnh việc là người điều hành và là một giảng viên chuyên nghiệp tại Barista School, Julie còn làm cố vấn, giám khảo, chủ tịch hiệp hội… Dù rất bận rộn, và đôi khi cũng rất mệt mỏi, nhưng rõ ràng chúng ta có thể cảm nhận được sức mạnh, niềm đam mê và sự hết mình trong công việc nơi Julie.
Khi nói về vai trò giám khảo cho các giải đấu, Julie rất vui vẻ mà chia sẻ với chúng tôi: “Điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi yêu các cuộc thi rất nhiều. Tôi trở thành giám khảo lần đầu tiên tại Việt Nam, rồi sau đó là các cuộc thi quốc tế. Phần lớn mọi người đều nhớ đến tôi với vai trò Giám khảo Kỹ thuật (Technical Judge) bởi vì họ tin là tôi có đôi tai đủ nhanh nhạy để có thể theo dõi các thí sinh [cười] và tôi thấy rằng trở thành một Giám khảo Kỹ thuật cũng rất thú vị. Tôi thực sự yêu thích công việc của mình. Sau đó, tôi cũng đóng vai trò là một Giám khảo Cảm quan (Sensory Judge). Nó làm tôi phải “đau đầu” với hương vị, cảm giác và những lời diễn giải [cười]. Nhưng tôi cũng rất yêu công việc này.”
Hình ảnh Julie Đặng trong vai trò Giám khảo tại Thailand Aromaster Championship of Roasting, 2019.
Chúng tôi cũng nhờ Julie chia sẻ một chút về cà phê Việt Nam và ngành công nghiệp cà phê tại Việt Nam, cô chia sẻ: “Như bạn cũng biết Việt Nam là một trong những nơi sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, và cũng nổi tiếng với văn hóa uống cà phê Phin truyền thống – một cách pha đặc biệt để cà phê nhỏ giọt, cho nước nóng từ từ chảy qua cà phê dựa vào trọng lực, sẽ cho ra một loại cà phê mạnh và có hương vị tựa như espresso. Nếu muốn, có thể thêm sữa đặc hoặc đường vào đáy ly và đợi cho đến khi cà phê nhỏ giọt đến một lượng mong muốn, sau đó khuấy đều, có thể uống nóng hoặc cho thêm đá. Mà hầu hết mọi người đều thích hương vị của tách cà phê truyền thống. Bạn phải thử cà phê Phin ít nhất một lần trong đời, để có thể cảm nhận sự kết hợp hài hòa từ lớp màu sẫm của cà phê và màu tông màu sáng của sữa, nhận ra hương, vị và mùi của chúng tương hợp với nhau như thế nào.”
Julie cũng nói rằng Việt Nam đang tiếp tục nâng cao chất lượng hạt cà phê. Và giờ đây, không chỉ các nhà sản xuất mới phải tập trung vào chất lượng hạt cà phê, mà các Barista, chủ cửa hàng và khách hàng cũng đề cao chất lượng cà phê. Do đó, thị trường cà phê Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và sinh ra nhiều sản phẩm được ưa chuộng. Không chỉ đa dạng trong loại cà phê, mà còn đa dạng trong các phương pháp pha, mà trong đó cà phê Phin và Espresso là phổ biến nhất ở Việt Nam hiện tại.
Có một việc mà Julie cũng cảm thấy rất thích chính là đứng sau quầy bar và pha cà phê mời mọi người thưởng thức.
Bên cạnh việc hoàn thành các vai trò khác nhau như đã kể bên trên, có một việc mà Julie cũng cảm thấy rất thích chính là đứng sau quầy bar và pha cà phê mời mọi người thưởng thức. Sở thích này của Julie đã cho chúng tôi một cơ hội để đặt câu hỏi: “Vậy Julie muốn nói gì với những người quan tâm đến cà phê và muốn trở thành một Barista giỏi?” Và Julie thực sự đã cho chúng tôi một câu trả lời rất thú vị.
“Bạn phải làm mọi thứ bằng trái tim. Tôi tin rằng đó là cách nhanh nhất để nhìn thấy kết quả. Không đơn thuần kiến thức và kỹ năng sẽ giúp bạn trở thành một Barista giỏi. Mà là đam mê pha cà phê cho người thưởng thức, mong muốn chia sẻ câu chuyện cà phê của mình một cách riêng biệt. Điều đó sẽ mang đến một tách cà phê thỏa lòng, tràn đầy hương vị của niềm vui & sự thú vị.”
Trước khi rời đi, Julie còn nhắn chúng tôi đôi điều: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Cà phê tạo nên kết nối, cho tôi những mối quan hệ đẹp với rất nhiều người. Và tôi muốn cảm ơn tất cả những người bạn Thái của tôi, tất cả các bạn luôn chào đón tôi, cùng tôi chia sẻ tình yêu, đam mê và sự sáng tạo, tin tưởng tôi như những người anh em thực thụ. Tôi cảm ơn tất cả mọi người và tôi đã học hỏi được nhiều điều khi đến Thái Lan. Tôi thực sự trân trọng cơ duyên này.”