“Kẻ ngoại đạo” Sacombank

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 08/04/2018 13:00 PM (GMT+7)
Trong khi cổ phiếu các ngân hàng như Vietinbank, BIDV, MBBank, VPBank, VIB... đều tăng mạnh vài chục nghìn đồng/CP, thì cổ phiếu STB của Sacombank vẫn “lẹt đẹt” quanh vùng giá 15.000 - 16.000 đồng/CP.
Bình luận 0

img

Cổ phiếu STB vẫn "lẹt đẹt" ở vùng giá 15.000 - 16.000 đồng/CP (Ảnh: IT)

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt các mã “cổ phiếu vua” đã tăng vài chục nghìn đồng/CP khiến những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này như “mở cờ trong bụng”, thì với Sacombank, dù có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực nhưng cổ phiếu STB vẫn... không chịu bứt phá, khiến không ít các nhà đầu tư trung thành phải ngậm ngùi.

Kiếm bộn tiền với nhiều mã “cổ phiếu vua”

Nhìn vào lịch sử giao dịch nhóm ngân hàng từ đầu năm đến nay, có thể thấy được đà “bứt phá” ngoạn mục của nhiều mã cổ phiếu. Chẳng hạn, với cổ phiếu VCB của Vietcombank, từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu VCB đã tăng từ mức giá 54.300 đồng/CP lên 73.500 đồng/CP, tương ứng với mức tăng giá 19.200 đồng/CP (tăng 35,3%).

Tương tự, cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017 đóng cửa ở mức giá 23.000 đồng/CP thì nay đã tăng đến 39.400 đồng/cổ phiếu. Tính ra, sau hơn 3 tháng đầu năm 2018, cổ phiếu này đã tăng 16.400 đồng/CP (tăng 71%).

Cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu sau 3 tháng đầu năm 2018 cũng tăng 14.000 đồng/CP, từ mức giá 36.900 đồng/CP lên mức 50.900 đồng/CP như thời điểm hiện tại, tương ứng tỷ lệ tăng 38%.

Trong khi đó, cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV cũng tăng mạnh từ đầu năm 2018 đến nay, từ mức giá 25.500 đồng/CP lên mức giá 44.000 đồng/CP, tương ứng mức tăng giá 18.500 đồng/CP (tăng 72,5%).

Còn cổ phiếu CTG của Vietinbank cũng tăng mạnh, từ mức giá 24.200 đồng/CP lên mức giá 35.700 đồng/CP, tương ứng mức tăng 11.500 đồng/CP sau hơn 3 tháng (tăng 47,5%).

Tuy nhiên, vui mừng nhất trong 3 tháng đầu năm 2018 có lẽ là những cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017 (phiên 29.12.2017), cổ phiếu VPB đóng cửa ở mức giá 41.000 đồng/CP, thì đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu VPB đã lên tới 68.100 đồng/CP. Tính ra, chỉ sau hơn 3 tháng, cổ phiếu VPB đã tăng thêm 27.100 đồng/CP (tăng 66%).

Trong khi đó với Sacombank, từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu STB của ngân hàng này chỉ tăng 3.250 đồng/CP, từ mức giá 12.850 đồng/CP lên mức giá 16.100 đồng/CP. Mặc dù tính về giá trị tuyệt đối thì cổ phiếu STB cũng tăng khoảng 25,2%, nhưng nếu so với các ngân hàng cùng quy mô thì thị giá của STB đang... quá thấp.

“Đội lái” STB kém hay cổ phiếu STB đang bị... “kìm giá”?

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, giá trị cổ phiếu STB luôn là chủ đề “nóng” được bàn tán nhiều. Nhiều nhà đầu tư luôn đặt câu hỏi: Vì sao quy mô của STB khá lớn trong nhóm các ngân hàng thương mại, có nhiều thông tin tốt về xử lý nợ xấu, có dàn lãnh đạo mới (ông Dương Công Minh) được đánh giá khá tốt... nhưng cổ phiếu STB luôn “lẹt đẹt” dù các mã cổ phiếu ngân hàng khác đều bùng nổ thời gian qua cùng với đà tăng của chỉ số VN-Index? Thậm chí, có nhà đầu tư còn cay cú: “Có lẽ... ‘đội lái’ của STB quá kém nên cổ phiếu STB chỉ đạt tới 16.000 đồng rồi quay đầu, lượng cổ phiếu bán tháo trong những ngày STB đạt đỉnh cũng tăng vọt”.

Thực tế, câu chuyện về giá của cổ phiếu STB cũng không được các công ty chứng khoán đánh giá cao. Chẳng hạn, với Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), giá mua STB được khuyến nghị ở mức giá 15.200 - 16.100, giá mục tiêu 18.000 đồng, cắt lỗ 13.700 đồng/CP.

Trong khi đó, trong một báo cáo mới đây của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tiến trình thu hồi nợ xấu của Sacombank có thể đẩy nhanh theo Nghị quyết 42 và hoạt động của ngân hàng có sự cải thiện. Tuy nhiên, có một số rủi ro đáng kể liên quan đến chất lượng tài sản trong quá trình tái cơ cấu của Ngân hàng. Chính vì vậy, VCSC nâng khuyến nghị dành cho Sacombank từ "Bán" lên "Kém khả quan" và điều chỉnh giá mục tiêu là 14.350 đồng/CP, tỷ lệ giảm 12.8%.

Ngoài ra, VCSC cũng dự báo thu nhập lãi 2018 của Sacombank sẽ tăng 13.7% nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 14%. Bên cạnh đó, dự báo thu nhập thuần năm 2018 của STB đạt 1.900 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2017 nhưng chủ yếu do chi phí tín dụng thấp 0,4% và tỷ lệ chi phí/thu nhập giảm xuống 65%.

Tất nhiên, đánh giá của các công ty chứng khoán cũng chỉ là kênh tham khảo cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử giao dịch cổ phiếu STB thời gian qua thì vẫn rất khó để có thể nắm bắt được biến động của mã cổ phiếu này.

“Thiên thời, địa lợi” nhưng giá vẫn... lình xình

Trước đó, thị trường vẫn luôn lo ngại về nợ xấu tại STB. Cụ thể, STB có một lượng lớn tài sản có vấn đề từ trước để lại trong khi khả năng thanh khoản của những tài sản này được cho là không cao do quy mô tài sản lớn và tình trạng pháp lý còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, báo cáo của STB về xử lý nợ xấu trong năm 2017 đã cho thấy Sacombank đang làm được nhiều hơn kỳ vọng của nhà đầu tư trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Cụ thể, ngoài xử lý gần 20.000 tỷ đồng nợ xấu, tổng tài sản của Sacombank hiện tại đã đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng đạt hơn 219.000 tỷ đồng, tăng 12,6%. Đặc biệt tỷ suất sinh lời của ngân hàng dần được cải thiện với tổng thu nhập năm 2017 đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng. Thu dịch vụ năm 2017 đạt 2.395 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 29,6% so với năm trước.

Và cho đến nay, Sacombank vẫn là một trong những ngân hàng cổ phần có mạng lưới rộng nhất với 553 chi nhánh, phòng giao dịch.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng này vẫn chỉ xếp trong “top 5” tính từ dưới lên trong nhóm 15 mã “cổ phiếu vua” trên sàn chứng khoán

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem