Kênh tài chính hỗ trợ đắc lực nông dân

Thứ sáu, ngày 21/09/2012 10:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là Quỹ Khuyến nông (QKN) đầu tiên trong hệ thống khuyến nông (KN) của cả nước, QKN Hà Nội góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất và đã trở thành kênh tài chính hỗ trợ đắc lực cho nông dân...
Bình luận 0

Tiếp sức cho nông dân

Theo ông Nguyễn Văn Chí- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong những năm qua, nhiều mô hình KN của thành phố đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai mở rộng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là người sản xuất thiếu kinh phí đầu tư. Vì thế, việc thành lập QKN là động lực quan trọng giúp người nông dân được vay vốn ưu đãi, mở rộng sản xuất nông sản hàng hóa.

img
Từ nguồn quỹ khuyến nông, nhiều nông dân Hà Nội đã vươn lên làm giàu.

Được biết, QKN Hà Nội cho vay với mức phí quản lý thấp. Trong giai đoạn 2002-2007, mức phí quản lý quỹ là 0,2%/tháng; từ năm 2008 đến nay, mức phí quản lý quỹ là 0,5%/tháng. Đặc biệt, mức phí quản lý quỹ ổn định, không biến động như lãi suất ngân hàng, thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp (tối đa từ 24-36 tháng một lần cho vay, tùy theo đối tượng sản xuất). Vì vậy, người vay vốn chủ động được kế hoạch đầu tư và hạch toán kinh phí sản xuất.

TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Trong những năm qua, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách cho công tác KN. Chỉ trong năm 2011, Hà Nội đã có mức kinh phí dành cho KN lớn nhất cả nước lên tới 27 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh hiện nay, theo ông Chí, bên cạnh những thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển quỹ, việc quản lý quỹ là nhiệm vụ mới của công tác KN. Vì thế, hoạt động của quỹ gặp không ít khó khăn.

“Hoạt động của QKN là hoạt động tín dụng, nhưng lại gắn liền với chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người được vay vốn. Trong khi đó, cán bộ tham gia công tác quản lý quỹ hầu hết là cán bộ chưa được đào tạo về nghiệp vụ quản lý tín dụng- ngân hàng. Do vậy, công tác triển khai, quản lý, sử dụng quỹ gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ, nhất là khâu quản trị rủi ro trong quá trình quản lý vốn”- ông Chí cho biết.

Mặt khác, theo ông Chí, do vay với mức phí thấp so với lãi suất ngân hàng thương mại, mức phạt nợ quá hạn chỉ bằng 130% mức phí quản lý quỹ, nên một số hộ khi được vay vốn thiếu ý thức đã cố tình không trả nợ đúng hạn để chiếm dụng vốn.

Tăng cường giám sát thực hiện quỹ

Thực tế, đến thời điểm hiện tại, QKN Hà Nội đang được coi là điển hình trong việc “tiếp sức” cho người sản xuất. Theo kế hoạch, trong năm 2012, QKN Hà Nội được UBND TP. Hà Nội cấp bổ sung 20 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn của quỹ lên gần 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Chí cho rằng: “QKN là nguồn vốn ưu đãi của thành phố hỗ trợ cho vay để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, ưu tiên cho vay những vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong 10 năm thành lập QKN (từ 2002 đến nay), TP. Hà Nội cũng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để hoạt động của quỹ đạt hiệu quả cao hơn”.

Giải quyết việc làm cho 7.000 lao động

Từ nguồn vốn ban đầu 5 tỷ đồng được ngân sách TP.Hà Nội cấp năm 2002, QKN Hà Nội được cấp bổ sung hàng năm. Đến năm 2011, quỹ đã có số vốn là 79,52 tỷ đồng. Quỹ đã giải quyết cho 1.830 lượt hộ vay với số vốn quay vòng hơn 206 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng.

(Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)

Đặc điểm của QKN khác với quỹ của ngân hàng chính sách, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, đối tượng được vay vốn. “Hơn nữa, QKN đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể tại các xã, phường để điều tra, khảo sát, lựa chọn hộ vay vốn, đảm bảo đúng đối tượng và đủ điều kiện cho vay vốn theo Quy chế quản lý và sử dụng QKN do thành phố ban hành” - ông Chí nói.

Ông Chí khẳng định: “Ở địa phương, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác giám sát việc sử dụng vốn đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai, quản lý sử dụng vốn của quỹ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem