Kéo dài thời gian làm việc cho công chức làm lãnh đạo: "Bất công cho những người muốn cống hiến thêm"

Thùy Anh Thứ ba, ngày 31/01/2023 06:58 AM (GMT+7)
Nghị định 50/2022 một mặt thì mở rộng cơ hội được làm việc, cống hiến cho công chức có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao, làm lãnh đạo, nhưng mặt khác cũng khiến cho tiền lương hưu của nhóm này có thể giảm sâu khi về hưu.
Bình luận 0

Lương hưu của công chức được kéo dài thời gian làm việc có thể giảm?

Trước đó, Báo Dân Việt có đưa thông tin trong bài viết "Kéo dài thời gian làm việc cho cán bộ, công chức: Ai được nghỉ hưu muộn hơn so với tuổi 60?". Sau khi đọc bài viết này, nhiều lao động đặt câu hỏi vậy, có hay không trường hợp lao động (giữ chức vụ lãnh đạo) khi hết tuổi làm việc, kéo dài thời gian công tác sẽ khiến mức lương hưu giảm?

tăng tuổi nghỉ hưu cho công chức

Công chức làm lãnh đạo kéo dài thời gian làm việc sau tuổi nghỉ hưu có thể khiến lương hưu thấp hơn?. Ảnh: N.T

Về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã khẳng định, hiện nay cách tính lương hưu cho công chức, viên chức được quy định rất cụ thể trong Luật BHXH năm 2014.

Theo đó, tùy thời gian tham gia BHXH của từng lao động mà có cách tính bình quân tiền lương để nhận lương khi về hưu khác nhau. Thông thường với những lao động tham gia BHXH bắt buộc trong cơ quan nhà nước trước năm 1995 thì sẽ tính bình quân tiền lương của 5 năm cuối làm việc, với lao động tham gia sau thì tùy từng thời điểm mà thời gian tính tăng lên.

Với lao động làm việc ở doanh nghiệp thì mức lương hưu sẽ được tính bằng bình quân tiền lương của số năm tham gia đóng BHXH.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban CVĐXH Quốc Hội (nay là Ủy Ban xã hội) cho rằng: Lao động băn khoăn, lo ngại, kéo dài thời gian làm việc, nhưng không làm lãnh đạo khiến mức lương khi về hưu có thể thấp hơn là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đương nhiên việc tính hưởng lương hưu có thể dựa vào thời gian đóng BHXH là 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc nhiều hơn... nhưng một khi tiền lương giảm đi thì căn cứ tính lương hưởng lương hưu khi về già cũng giảm đi.

"Nếu anh muốn ở lại anh phải chấp nhận lương hưu thấp hơn vì không còn phụ cấp lãnh đạo, bình quân tiền lương đóng BHXH ở những năm cuối sẽ thấp hơn. Việc này cân nhắc của lao động, người sử dụng cũng không khuyến khích anh làm việc khi hết tuổi công tác giữ nguyên chức vụ. Vì thế, nếu lương chuyên gia, cố vấn nếu không cao hơn mức lương trước đó thì lao động nên cân nhắc", ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, thực tế, lương cộng phụ cấp lãnh đạo đều được tính đóng BHXH vì thế đây cũng là mức lương được lấy làm căn cứ để chia bình quân, tính nhận lương hưu sau này. Chỉ có các khoản phụ cấp khác (xăng xe, tiền ăn, tiền tăng ca...) là không được tính đóng BHXH. Thường lao động giữ chức danh lãnh đạo làm việc tới hết tuổi lao động lúc này mức lương gần như đã kịch khung. Nếu vậy, chẳng ai dại gì làm nhiều để nhận về mức lương hưu thấp hơn.

"Mặc dù vậy, nhưng có nhiều người vẫn chấp nhận làm thêm dù không còn giữ chức vụ lãnh đạo với nhiều lý do?!...", ông Lợi nói thêm.

Liệu có bất công cho công chức tâm huyết, muốn cống hiến?

Chia sẻ về vấn đề này, một số chuyên gia thì cho rằng, Nghị định 50/2022 mặc dù có nới thời gian làm việc với lao động có trình độ kỹ thuật cao, tận dụng nhân tài nhưng nếu không giải quyết được vấn đề về cách tính lương hưu cho nhóm lao động này thì sẽ không thu hút được họ tiếp tục ở lại cống hiến. Điều này cũng khá bất công cho những người là nhân tài, thực lòng muốn cống hiến cho đất nước, cho đơn vị công tác.

tăng tuổi nghỉ hưu với công chức lãnh đạo

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng nếu không thay đổi cách tính lương hưu với nhóm công chức lãnh đão được tăng tuổi nghỉ hưu thì quả là bất công với lao động. Ảnh: NN

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng câu chuyện kéo dài thời gian làm việc cho lao động có trình độ là không mới. Nhưng nhìn ở góc độ nào đó, nó như câu chuyện "vắt chanh bỏ vỏ".

"Tôi cho rằng tinh thần của Nghị định 50 cũng hơi ngược vì một đằng muốn sử dụng lao động có trình độ kỹ thuật cao nhưng nếu không để họ tại chức thì sử dụng làm gì. Vì khi làm chuyên gia, hay cố vấn thì mức lương khá thấp, đương nhiên điều này tác động tới việc tính lương hưu sau này. Điều này khá bất công với họ vì ở lại thì cống hiến nhiều nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu, nếu không muốn nói ít hơn", bà Hương nói.

Theo bà Hương, nếu muốn kéo dài thời gian làm việc của lao động (muốn lao động cống hiến) thì phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động, còn nếu kéo dài vậy thì không ổn, không phù hợp với thực tiễn. Như vậy, lao động sẽ khó chấp nhận. Khi lao động thấy không chấp nhận được thì rõ ràng văn bản luật không phù hợp với thực tiễn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem