Kéo nhau lên đê làm thuê cửu vạn...

Thứ bảy, ngày 11/08/2012 20:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghe tin một làng ven đô ở Hà Nội bỗng dưng có một chợ người đông đến nghìn người. Đứng ở cổng làng nhìn qua sông Hồng thấy xe cộ tấp nập, còn trong làng dân mất việc kéo lên đê bán sức lao động.
Bình luận 0

- Làng gì mà bi đát hơn cả làng ta vậy?

- Làng thuộc xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm. Vùng này đô thị hóa đã gặm quá nửa ruộng vườn. Còn vài ô ruộng trũng có cấy cũng được 50kg thóc một sào. Dân làng đi buôn, làm dịch vụ đến 85%, 15% còn lại bám lấy chút ruộng vườn sống ở mức nghèo.

- 85% số dân làm thương mại và dịch vụ là giàu hơn làng ta mấy lần còn gì.

- Đúng, từ mấy chục năm nay làng vẫn làm nghề phụ sản xuất keo dán, làm que kem, que diêm. Gần đây có mấy công ty thuê đất làm gỗ dán, gỗ ép. Đất thuê trả 200kg thóc/sào, ưu tiên nông dân làm thợ, tháng 4-5 triệu đồng, hơn hẳn làm khu công nghiệp, lại cơm nhà, tối vẫn vợ chồng một giường, sướng chả kém dân nội thành bên kia sông.

- Bán công bán nông là sướng nhất các ông ạ.

Cụ lão nông lên tiếng hỏi các hội viên CLB Gốc đa:

- Các ông nói đều đúng, nhưng can cớ gì đang sung sướng vì có nhà cửa, làng xóm, có công ăn việc làm, lại kéo nhau lên đê bán sức lao động?

- Nghe nói huyện quyết định đình chỉ mấy cơ sở làm gỗ ép vì vi phạm sử dụng đất và ô nhiễm môi trường. Thế là thất nghiệp. Các chủ xưởng chả sao, họ lại đi nơi khác thuê đất mở xưởng, chỉ có dân “bản địa” lại về quét nhà quét sân. “Con vua thì lại làm vua - Con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

- Chính quyền huyện, xã làm gì, cách Hà Nội có 5 phút Honda mà bó tay?

- Thực ra huyện có quy hoạch làng nghề, nhưng nhiều năm nay mới dừng ở chỗ: Nghe nói.

- Bây giờ có 2 thứ cấm vi phạm: Một là quy định về sử dụng đất, hai là môi trường. Anh nào dính vào là toi ngay.

- Ôi dào! Còn khối nơi dính, nghiêm trọng hơn Đình Xuyên tỷ lần.

- Nhưng chưa bị tuýt còi.

- Có thế đấy. Nói chung anh nào “bị lộ” là xong, anh nào “chưa bị lộ” vẫn sống khỏe.

- Nhưng không an toàn.

- Trước nay vẫn sống thế, làm ăn như thế, có sao đâu.

- Trước khác, bây giờ nó khác. Giờ là lúc phát triển bền vững, ông hiểu chửa?

- Bền vững kiểu gì mà kéo nhau lên đê làm thuê cửu vạn vậy?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem