Ngành chăn nuôi - thú y đã có những bước phát triển vượt bậc như thế nào?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 26/09/2020 07:34 AM (GMT+7)
Tại Hội thảo Khoa học và Công nghệ chăn nuôi - thú y, định hướng phát triển bền vững năm 2020 tổ chức ngày 25/9 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, ngành chăn nuôi - thú y cần phải thay đổi hướng đi trong tình hình mới.
Bình luận 0

Phát biểu tại Hội thảo Khoa học và Công nghệ chăn nuôi - thú y, định hướng phát triển bền vững năm 2020 tổ chức ngày 25/9, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là những bệnh mới nổi như dịch tả lợn châu Phi, ô nhiễm môi trường đòi hỏi ngành chăn nuôi thú y phải thay đổi hướng đi.

Kết quả nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đến nay ra sao? - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Với hơn 300 đại biểu, Hội thảo Khoa học và Công nghệ chăn nuôi - thú y, định hướng phát triển bền vững năm 2020 nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ giai đoạn 2017-2020 của lĩnh vực chăn nuôi – thú y; định hướng nghiên cứu lĩnh vực chăn nuôi thú y trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, biến đổi khí hậu, phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo định hướng phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025.

"Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập xuất hiện những thách thức và nguy cơ rõ rệt đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, thú y Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự khủng hoảng giá đầu vào, đầu ra, sự cạnh tranh của thịt nhập khẩu, dịch bệnh lây từ động vật sang người, biến đổi khí hậu, vấn đề an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, đòi hỏi ngành chăn nuôi, thú y phát triển theo một hướng mới: chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần, chăn nuôi lớn đảm bảo vệ sinh môi trường và đầu tư công nghệ cao theo chuỗi sẽ có cơ hội để phát triển" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.  

Theo PGS.TS Phạm Kim Đăng, Trưởng khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi - thú y đã có bước phát triển nhảy vọt cả về chất và lượng. Có được điều đó là nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu, ứng dụng. 

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chăn nuôi - thú y là một trong những lĩnh vực truyền thống được chú trọng phát triển ngay từ ngày đầu thành lập Học viện nên đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.

Theo đó, các nhà khoa học của học viện đã chủ trì nhiệm vụ bảo tồn giống gà Hồ, phối hợp với tỉnh Hưng Yên thực hiện công tác bảo tồn giống gà Đông Tảo. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng là cơ sở nuôi các giống vật nuôi nhập ngoại có năng suất cao như bò (BBB, Brahman, Angus, Charolais), lợn (Pietrain của Bỉ, Landrace và Yorksire Đạn Mạch) và giống vịt Star 53.

Kết quả nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đến nay ra sao? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì phiên họp toàn thể.

Đến nay, Học viện là một trong số ít cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam ứng dụng sinh học phân tử, chỉ thị phân tử trong hỗ trợ chọn giống vật nuôi. Từ kết quả nghiên cứu bảo tồn, nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi đã được Bộ NN&PTNT công nhận và được chuyển giao có hiệu quả vào sản xuất.

Năm 2018-2019, Các nhà khoa học chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cao như chọn tạo dòng lợn nái Landrace và Yorkshire kháng vi khuẩn gây tiêu chảy bằng chỉ thị phân tử; Nhóm gà Mía mang gen sinh trưởng nhanh; Nhóm lợn Landrace mang kiểu gen BB của gen RBP4 và lợn Yorkshire mang kiểu gen CC của gen RNF4 có năng suất sinh sản cao... 

Hiện nay, các nhà khoa học chăn nuôi của Học viện hiện đang có các đề tài dự án nghiên cứu sau: Nghiên cứu chọn tạo dòng lợn nái tổng hợp và lợn đực cuối cùng từ nguồn gen nhập nội có năng suất, chất lượng cao phục vụ chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc. Nghiên cứu chọn lọc một số dòng gà Liên Minh có khả năng sinh trưởng cao bằng công nghệ sinh học phân tử. Chế tạo que thử chẩn đoán nhanh có thai ở bò...

Kết quả nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đến nay ra sao? - Ảnh 3.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam tặng hoa cho đại diện các đơn vị tham gia hội thảo.

Về lĩnh vực Thú y: Trong 3 năm từ 2017 – 2019, các nhà khoa học của học viện đã chủ trì nhiều nhiệm vụ từ cấp nhà nước đến địa phương và cơ sở. Trong 3 năm gần đây, việc sử dụng công nghệ cao trong ứng dụng nghiên cứu khoa học ngày càng được sử dụng nhiều và mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài ra việc ứng dụng các công nghệ sinh sản còn góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi, không những tăng về mặt số lượng còn tăng về mặt chất lượng nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Lĩnh vực nghiên cứu vaccine được Học viện đặc biệt quan tâm như nghiên cứu chọn chủng virus và chế tạo vaccine phòng bệnh còi cọc ở lợn (PCV2), phòng bệnh Care trên chó, phòng bệnh Đậu dê...

Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề nổi trội trong chăn nuôi lợn hiện nay, Học viện đang tiến hành một số đề tài độc lập cấp quốc gia và cấp bộ về nghiên cứu dịch tễ, bệnh lý, kit chẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu Phi và nghiên cứu vaccine vô hoạt phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và vaccine nhược độc phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Hoạt động khoa học và công nghệ lĩnh vực chăn nuôi, thú y tiếp tục khẳng định vị thế, đạt được nhiều kết quả tốt, phát huy được năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao của Học viện, những kết quả nghiên cứu gắn với thực tiễn tốt hơn, có thể thương mại hóa nhằm phục vụ nông dân và doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn" - ông Đăng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem