Khắc phục "thẻ vàng": Kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm

Anh Thơ Thứ tư, ngày 16/10/2019 08:00 AM (GMT+7)
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Phó Thủ tướng yêu cầu cần hành động một cách nhanh chóng, quyết liệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương để nỗ lực gỡ “thẻ vàng”.
Bình luận 0

Vi phạm vẫn phức tạp

Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, trong suốt 2 năm qua, Chính phủ, các bộ ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) trong khắc phục tình trạng khai thác thủy sản không theo quy định, không có báo cáo (IUU).

img

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của tàu cá.  Ảnh: T.L

Từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 113 vụ/187 tàu/877 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.

Hệ thống giám sát tàu cá tại Trung ương đặt tại Tổng cục Thủy sản (Trung tâm Thông tin thủy sản) đã được triển khai và vận hành thí điểm từ tháng 5/2019, đảm bảo quy mô giám sát được 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đến nay, đã có 1.733/2.618 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; 4.458/28.923 tàu cá từ 15m đến dưới 24m được lắp đặt giám sát hành trình.

Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến cùng thừa nhận, tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra. Từ đầu năm 2019 đến ngày 10/9/2019 đã xảy ra 113 vụ/187 tàu/877 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Về cấp giấy chứng nhận, xác nhận nguyên liệu thủy sản, tính từ 1/1/2019 đến 30/9/2019 đã cấp được 3.054 giấy chứng nhận thủy sản khai thác với khối lượng đạt 38.859 tấn thủy sản.

Việc cơ sở hạ tầng giám sát tàu cá triển khai chậm dẫn đến hầu hết các tỉnh mới đang triển khai thí điểm lắp đặt giám sát hành trình, điều này dẫn đến chưa đủ căn cứ để triển khai các quy định về xử phạt đối với các vi phạm về thiết bị giám sát hành trình.

Công tác truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu (9 tháng đầu năm các nước đề nghị xác minh 33 trường hợp về các thông tin liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác vào thị trường EU).

“Tình hình trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng”, đặc biệt là khả năng sẽ bị EC áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam sau đoàn thanh tra sắp tới (từ ngày 5-14/11/2019) do yêu cầu của EC là việc kiểm soát, giảm thiểu tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài là một điều kiện tiên quyết cần phải giải quyết trong nhóm các khuyến nghị của EC về khai thác IUU” – ông Tiến nói.

Muôn vàn gian khó

Kỳ này nếu không đáp ứng yêu cầu của EC, không xóa được “thẻ vàng”, thậm chí trượt sang “thẻ đỏ”, là rất nguy hiểm. Hai năm qua, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm đáng kể, lô nào cũng kiểm tra 100%. Vì vậy, đây là thời điểm quan trọng nhất, hoặc là xóa “thẻ vàng”, hoặc là giữ, hoặc là trượt sang “thẻ đỏ”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Báo cáo về việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, đại diện nhiều địa phương thừa nhận, trước thời điểm đoàn của EC sang Việt Nam kiểm tra lần 2, những bất cập, tồn tại vẫn còn rất lớn.

Ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thừa nhận “thực sự rất xấu hổ khi tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa được khắc phục". Nguyên nhân là do, việc lắp thiết bị giám sát hành trình khó khăn. “Dù tỉnh đã tước giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép thuyền trưởng nhiều trường hợp nhưng tình hình vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra” – ông Nhịn nói.

Thậm chí, ông Nhịn còn thông tin, việc kiểm soát tàu cá thông qua thiết bị giám sát vô cùng khó khăn do nhiều tàu cố tình phá sóng, thậm chí gắn thiết bị sang tàu khác để vẫn định vị ở nơi được phép, sau đó lén lút ra khơi khai thác bất hợp pháp.

Từ thực tế đó, ông Nhịn kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công an hỗ trợ địa phương trong xử lý đối tượng móc mối, câu kéo môi giới với đối tượng khai thác bên ngoài. Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng và địa phương ven biển cùng nhau kiểm tra, kiểm soát phương tiện, kiểm soát chặt các cửa sông, cửa biển.

“Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, chấm dứt phương tiện khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài. Tuyên truyền đẩy mạnh thực thi Luật Thủy sản, tiếp tục lắp đặt hết thiết bị giám sát hành trình để giám sát hoạt động đánh bắt của tàu cá” – ông Nhịn nói.

Trước những tồn tại, bất cập trong chống khai thác IUU, Ban chỉ đạo quốc gia đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cùng với UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung tăng cường triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn và giảm thiểu ngay tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31/10/2019.

Bộ NNPTNT khẩn trương triển khai kết nối đồng bộ thông tin giám sát hành trình tàu cá của các địa phương vào hệ thống giám sát tàu cá tại Tổng cục Thủy sản, đảm bảo theo dõi, giám sát, chia sẻ được dữ liệu hành trình của khối tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên khi tham gia khai thác trên biển.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác nắm tình hình, xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm có dấu hiệu môi giới, móc nối của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan theo dõi, đảm bảo việc chấp hành các quyết định xử phạt của người dân.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng:
Quyết liệt, khẩn trương, cầu thị để gỡ “thẻ v
àng”
Chúng ta cần hành động một cách nhanh chóng, quyết liệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác triển khai ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam. Đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ NNPTNT chuẩn bị đón tiếp và làm việc một cách chặt chẽ, hiệu quả với đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam kiểm tra.
Trước hết, phải ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải:
Khó khăn xác nhận nguồn gốc thủy sản
Việc triển khai chống đánh bắt bất hợp pháp, nhất là tàu cá vi phạm, Cà Mau đã thực hiện mấy năm nay, từ khi EC ra “thẻ vàng”, chúng tôi càng hành động quyết liệt hơn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay Cà Mau vẫn có 6 vụ và 11 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó có 3 tàu đi tránh trú bão nhưng không kịp gửi công hàm cho các nước.
Về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi học kinh nghiệm Thái Lan, đặt hàng với Viettel sản xuất thiết bị, đến nay đã lắp đặt cho 912/1.661 tàu có chiều dài từ 15m trở lên.
Tuy nhiên, hiện nay Cà Mau đang gặp khó khăn trong việc chứng nhận xác nhận nguồn gốc thủy sản do một số tàu đi khai thác dài ngày nhưng không vào bờ, trong đó có tàu chưa được gắn thiết bị hành trình, vùng biển Cà Mau lại rộng nên rất khó quản lý.

Chúng tôi đã đồng ý kế hoạch để lực lượng kiểm ngư đi ra biển kiểm tra và yêu cầu vào bờ, kiểm tra thủ tục, đăng kiểm nếu hết hạn.

Khánh Nguyên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem