Giá vé máy bay đắt khiến khách du lịch quốc tế không đến Việt Nam

Huy Hoàng Thứ ba, ngày 25/04/2023 18:36 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, giá vé máy bay quá đắt đã làm ảnh hưởng đến quyết định khách du lịch quốc tế không muốn đến Việt Nam. Đây là một bất lợi lớn trong việc cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.
Bình luận 0

Liên kết giữa hàng không và du lịch: Cần xác định thị trường trọng điểm

Liên kết giữa Hàng không và du lịch: Cần xác định thị trường trọng điểm - Ảnh 1.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BTC

Ngày 25/4, Hội thảo "Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế" do báo Văn hóa kết hợp cùng Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức nhằm tìm ra giải pháp tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho hay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 80% vào năm 2019). Do vậy, để ngành du lịch đạt được mục tiêu phục vụ 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 thì vai trò phối hợp, hỗ trợ của hàng không là rất quan trọng.

Ông Hà Văn Siêu đề xuất các giải pháp như mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam, nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam; mở rộng, nâng cấp kết cấu hạ tầng ngành hàng không, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng không - du lịch trên cơ sở cùng phát triển và kết nối với các ngành khác, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; phát triển đội ngũ nhân lực ngành hàng không và du lịch; tăng cường áp dụng công nghệ mới, tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá…

Tiếp lời Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, ông Bùi Minh Đăng, Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tăng cường công tác phối hợp với Tổng Cục du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không-du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế.

Hiện tại (tháng 4/2023), 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ với là ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và Châu Phi. Thị trường Trung Quốc, tần suất khai thác của các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc mới đạt khoảng 50% so với giai đoạn trước dịch. Qúy I/2023, sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế đạt 7,1 triệu khách, bằng xấp xỉ 68% so cùng kỳ năm 2019.

Liên kết giữa Hàng không và du lịch: Cần xác định thị trường trọng điểm - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội thảo "Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế". Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Văn Tấn - ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì kiến nghị cần thực hiện ngay giải pháp Hàng không cùng tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế lớn ở trong nước và nước ngoài (VITM, WTM, ITB…)

Thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác gắn bó thường xuyên giữa các bộ phận thị trường chuyên trách của các hãng hàng không với các hãng lữ hành chuyên về thị trường đó,

Đề nghị các đơn vị quản lý nhà nước và kinh doanh tại các cảng hàng không quốc tế Việt Nam sớm có giải pháp hoàn thiện hơn nữa dịch vụ - hạ tầng phục vụ khách ở sân bay, thủ tục xuất nhập cảnh, … văn minh, sạch theo chuẩn quốc tế nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách xuyên suốt hành trình.

Ngoài ra, để có sự hợp tác lâu dài, các đơn vị thuộc lĩnh vực Hàng không và Du lịch (cả quản lý Nhà nước và tư nhân) cần xây dựng một kế hoạch hợp tác chặt chẽ, phối hợp thường xuyên.

Hàng không và Du lịch cần xác định các thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể như phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu; xây dựng kế hoạch quảng bá – tiếp thị phù hợp và phối hợp các kênh bán hàng để tạo ra các sản phẩm cùng chuẩn, xuyên suốt hành trình du lịch của khách từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

Giá vé máy bay đắt ảnh hưởng đến quyết định khách du lịch quốc tế không đến hoặc không trở lại Việt Nam

Liên kết giữa Hàng không và du lịch: Cần xác định thị trường trọng điểm - Ảnh 3.

Du khách đến Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Huy Hoàng

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành kiến nghị nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam. Trong đó, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm những quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch. Các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế vi phạm và xâm hại tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái, bảo đảm lợi ích lâu dài đối với cộng đồng, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group nêu quan điểm, hiện nay ngành du lịch khó cạnh tranh so với các nước trong khu vực, trong đó có nguyên nhân là giá vé máy bay rất cao. Giá vé máy bay cao sẽ làm cho khách du lịch quốc tế ít sự lựa chọn và là yếu tố tác động tới việc khách quyết định không đến hoặc không trở lại Việt Nam.

"Đầu năm 2023, chúng tôi đã có một đoàn khách Ý 30 người đăng ký tham quan Việt Nam trong 16 ngày. Tuy nhiên, giá vé máy bay quá cao và không có đường bay thẳng từ Ý đã khiến khách hàng quyết định không đi. Một đoàn khách khác từ nước Anh cũng đã phải từ bỏ kế hoạch du lịch Việt Nam vì giá vé máy bay quá cao, thay vào đó, họ đã chọn Thái Lan do đường bay thuận tiện và giá vé tốt hơn", ông Phạm Hà cho hay.

Theo ông Phạm Hà, để phát triển ngành Du lịch Việt Nam, việc phát triển hệ thống hàng không là rất quan trọng. Hợp tác giữa các đối tác trong ngành Du lịch như: hàng không, lữ hành, khách sạn và các cơ quan quản lý điểm đến sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành Du lịch nhanh và bền vững hơn. Việc định vị Việt Nam là một điểm đến du lịch bền vững, kinh doanh du lịch tử tế và cung cấp trải nghiệm độc đáo là rất cần thiết.

Liên kết giữa Hàng không và du lịch: Cần xác định thị trường trọng điểm - Ảnh 4.

Du khách nước ngoài chèo thuyền kayak tại vịnh Lan Hạ, (Hải Phòng) Ảnh: P.H

Để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cần cấp thiết tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong công tác quảng bá và xúc tiến một cách hiệu quả. Định vị Việt Nam là một điểm đến di sản văn hoá và thiên nhiên là cần thiết. Trong đó, di sản là khác biệt và khẳng định bản sắc của điểm đến Việt Nam. Việc định vị và cung cấp trải nghiệm độc đáo sẽ giúp du khách đến Việt Nam có trải nghiệm tốt hơn và muốn quay lại nhiều lần.

Còn với bà Nhữ Thị Ngần – Tổng giám đốc doanh nghiệp du lịch Hanoi tourism JSC thì cho hay, sau đại dịch, khả năng chi trả của du khách bị ảnh hưởng khá lớn, nên việc kích cầu bằng các chính sách khuyến mãi của Hàng không là yếu tố đặc biệt quan trọng. Với bối cảnh hiện nay, vé máy bay tăng giá ở cả các tuyến trong nước và quốc tế, là một bất lợi lớn trong việc cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.

Để khắc phục điều này, theo bà Nhữ Thị Ngần, các doanh nghiệp lữ hành mong muốn có được sự quan tâm hỗ trợ của các hãng hàng không, nhằm tăng cường liên kết các bên cùng có có lợi như: Hãng hàng không mở đường bay mới, giúp du khách có thêm lựa chọn về sản phẩm mới, tiết kiệm thời gian đi lại; doanh nghiệp lữ hành quảng bá điểm đến mới với thị trường mục tiêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem