Khai thác cát quá mức ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ sạt, lở sẽ lan tỏa khắp nơi

Huỳnh Xây (ghi) Thứ tư, ngày 14/04/2021 10:00 AM (GMT+7)
Liên quan đến tình trạng khai thác cát quá mức gây ra nhiều thiệt hại đến kinh tế, đời sống người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian qua, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL.
Bình luận 0

Hiện nay, sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra khắp nơi ở ĐBSCL mà nguyên nhân chính là do thiếu phù sa và thiếu cát. Nguyên nhân đằng sau sự thiếu hụt phù sa và cát là do các đập thủy điện Mekong chặn phù sa và cát và do khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia dọc sông, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam. Ông Thiện giải thích: "Nguồn cát đi từ thượng nguồn sông Mekong về đến ĐBSCL mất vài chục năm mới đến nơi vì cát mỗi năm chỉ di chuyển được vài trăm km trong mùa lũ. Do cát di chuyển ở đáy sông nên khi có đập thủy điện chắn ngang sông thì cát sẽ bị chặn lại 100%".

"Hiện nay, vẫn còn một lượng ít cát về ĐBSCL mỗi mùa lũ là số cát đã di chuyển xuống bên dưới trước khi có các đập thủy điện và nay tiếp tục di chuyển xuống nhưng trong tương lai sẽ không còn cát về ĐBSCL nữa- ông Thiện nói. Ở ĐBSCL, khai thác cát ở một nơi thì toàn bộ dòng sông và đoạn bờ biển 250km ở vùng cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng tới Bạc Liêu bị đói cát. Quá trình bồi đắp ĐBSCL tiến ra biển như trong 6.000 năm vừa qua bị dừng lại và quá trình đảo ngược diễn ra, bờ biển bị thụt lùi.

Nguy cơ sạt, lở sẽ lan tỏa khắp nơi    - Ảnh 1.

Hình ảnh sạt lở từng xảy ra ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Thiện cho rằng, hệ thống sông Cửu Long là một hệ, khi khai thác cát trên dòng chính sông Tiền, sông Hậu tạo ra những hố sâu. Dòng chảy sẽ khỏa lấp và tái phân phối đáy sông làm hạ thấp toàn bộ đáy sông Tiền, sông Hậu. Khi đáy sông của dòng chính sông Tiền, sông Hậu bị sâu thì sẽ rút đáy các sông nhánh ra. Sông nhánh bị sâu thì rút đáy sông con ra. Vì vậy sạt lở lan tỏa khắp nơi ở đồng bằng, kể cả những kênh rạch nhỏ, nơi không có khai thác cát.

Ông Thiện cho rằng, cách quản lý này không ổn. Bởi, theo ông Thiện, khi đánh giá trữ lượng khai thác cát ở một nơi, các tỉnh không có tính đến sạt lở trên toàn bộ hệ thống sông và bờ biển.

Cũng theo ông Thiện, nếu tiếp tục khai thác cát tận thu như vậy, thì có khi sau này phải vẽ lại bản đồ địa lý khi ĐBSCL bị biến dạng, bờ biển sạt lở thụt lùi, bờ sông biến dạng.

Về hướng hạn chế tình trạng khai thác cát ở các địa phương ĐBSCL như thời gian qua, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL nói: "Nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng là nhu cầu có thật và thiết yếu, do đó trong bối cảnh này, bài toán quản lý cát là bài toán khó, không có lời giải. Nếu tiếp tục khai thác cát thì phải đánh đổi, chấp nhận chuyện sạt lở mất đất". Ông Thiện mong muốn, cát cần được xem xét, nó không chỉ là vật liệu xây dựng thông thường mà cần được nhìn nhận thêm vai trò duy trì lãnh thổ để đưa vào bài toán cân nhắc. "Việc quản lý khai thác cát nên theo tinh thần liên kết vùng, xem xét ảnh hưởng trên bình diện toàn đồng bằng, kể cả đoạn bờ biển cát ở vùng cửa sông Cửu Long" - ông Thiện nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem