Kỷ niệm, trải nghiệm cuộc sống du mục ở Mông Cổ

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 2.

Sự chu đáo của thế hệ trẻ tiên phong làm du lịch ở vùng đất sơ khai với cung cách phục vụ khách cũng chưa hề có bề dày kinh nghiệm này, phải nói là đáng cảm kích.

"Mr Jay" đón tôi ở sân bay quốc tế tại thủ đô Ulaanbaator.

Chúng tôi quen gọi vậy, vì tên anh ta phát âm tiếng Mông Cổ khá khó. Đó là một anh chàng 27 tuổi, to cao, bảnh mã. Cơ bắp cuồn cuộn do tập gym khá chăm chỉ, lại thích lái xe phân khối lớn. Cu cậu học được vài câu tiếng Việt sau quá trình phiên dịch tiếng Anh sang tiếng Mông Cổ cho vài nhóm du khách trước chúng tôi. Ước mơ được đi TP HCM và Phú Quốc, có cô bạn thân ở Hà Nội, mơ ước tái ngộ (chắc làm quen sau quá trình phiên dịch). Jay năng động. Luôn nhắc chúng tôi bằng câu tiếng Việt "tỉnh táo", "không trăm phần trăm" khi thấy khách uống rượu sữa hay rượu Voka có hình con chó sói hoặc có hình ông Thành Cát Tư Hãn và dòng chữ Chingis (hai thương hiệu rượu bán phổ biến ở Mông Cổ). Lúc vui chuyện, cu cậu tìm được các đồng tiền có hình con chiến mã thiêng của xứ Thảo Nguyên, tặng cho tất cả các thành viên, với lời chúc khiêm tốn: Giờ đang năm dần (con hổ), vài năm nữa là đến năm con ngựa (ngọ), thần mã sẽ giúp các anh chị thật nhiều niềm vui!

Mỗi người được Jay tặng một tờ tiền Mông Cổ, bỏ vào ví

Có khi, nửa đêm mấy ông bạn của tôi cứ kêu ồi ồi kia kìa. Cứu tôi với, "thối" lắm Jay ơi. Jay phải ở một khu khá xa, lều đó không khép kín, tắm rửa vệ sinh ra ngoài công cộng. Cu cậu tất tả mặc áo rét xông đến. Hóa ra lều quá kín, da thú ở vài ngôi lều cổ nguyên bản (phải cổ mới thích cơ!) bốc mùi khăn khẳn. Phải mở cửa thật lâu, phải mở "nắp" trên nóc qua gậy có móc, thì mùi mới bớt. Nhiệt độ ban đêm ở thảo nguyên xuống rất thấp, tôi đóng kín, rúc đầu vào chăn như con rùa mà ngủ. Đêm, thấy ngột ngạt, thiếu dưỡng khí trầm trọng. Thế mới biết, lều rất kín. Và diện tích của nó cũng nhỏ. Họ đã thiết kế để sao cho lều thật nhẹ, theo mùa cỏ hoang, theo khí trời ấm lạnh, họ buộc phải di chuyển trong vòng quay định mệnh của đời du mục, để đàn đại gia súc, tài sản lớn nhất của họ không bị chết cóng hoặc chết đói. Thế nên, lều phải cơ động, dễ tháo, vật liệu nhẹ, bỏ tất cả lên cỗ xe lạc đà hoặc ngựa kéo mà kĩu kịt ra đi. Chủ nhân và hàng vạn gia súc lớn, cả gia tài, cả ngôi nhà hình nấm ra đi tưởng như cứ "trôi" vô định đời nọ qua đời kia như thế.

Jay bảo, lều Ger đã được trí tuệ, kinh nghiệm rồi cảm xúc của các kỵ binh trứ danh của thế giới cùng gia đình họ hoàn thiện dần. Nó là một di sản tập thể hơn hai nghìn năm tuổi. Nếu chúa Giê Su, hay bà Trưng, bà Triệu của chúng ta, hay các chiến tướng thời Tam Quốc chí của Trung Quốc, từng ghé qua Con đường tơ lụa, dạo chơi xứ Mông Cổ, có thể các ông bà đã  được mời ngủ cái lều mà nay UNESCO công nhận nó với cái tên Ger. Đại ý thế.

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 3.

Cái thích nhất của ngủ lều Ger, là bao giờ cũng được khuyến mại thêm các góc nhìn cực đẹp ra thảo nguyên. Hẳn rồi, ở đô thị thì dựng lều làm gì, đã lều phải bát ngát bốn bề. Thế nên, sáng thức dậy, một màu xanh bất tận đong đầy trong mắt, sương lơ mơ ngái ngủ, giọt nước trời tinh khiết đọng long lanh trên hoa dại li ti như bạch ngọc. Thảo nguyên thoai thoải, dẫn cái nhìn ngược mãi về vô tận. Trừ vài cây cột điện hay thảng hoặc có cái xe lầm lũi đi về phía nào đó rất hoang vu, thì thiên nhiên ngự trị tất tần tật bằng vẻ đẹp của thuở hồng hoang. Như cái thời ông A Đam gặp bà E Va mà kinh Sáng Thế mô tả, ở đó chắc là có cỏ mượt, có các gợn hơi nước quá mù ra mưa. Thế rồi, tưởng như trời đã rim rỉm tối, bỗng ào một cái. Ánh sáng chan hòa, mặt trời hiện ra chói chang, như đèn pha màu vàng với luồng sáng cực mạnh làm kẻ địch ngã nhào vì chóng mặt. Thung lũng lều Ger trắng toát bỗng dưng được nhuộm vàng, các phom lều tròn nửa rát vàng nửa trắng nhờ trong nắng quái chiều hôm…

Người ở thảo nguyên rất khó bị cận thị, vì tầm nhìn của họ là của chim đại bàng núi với ngựa hoang cổ lùn (giống ngựa hoang hiếm hoi còn tồn tại trên địa cầu). Và ở đó, con người ta không coi thiên nhiên như một tôn giáo mới là chuyện lạ. Sáng, chúng tôi đón bình minh. Tối, lụi cụi nhóm lửa BBQ rồi ai có máy nào thì giăng ra mà chụp trăng, sao. Có người cả đời chả ảnh ọt gì, giờ cũng say mê, cố lưu giữ hình ảnh trăng Mông Cổ tròn vành vạnh, bầu trời sao tễ toãi mênh mông. Thiên nhiên yên ắng tuyệt bích, các phom lều ne nép chìm vào bóng tối. Chỉ có chúng tôi ở nơi thưa dân nhất trái đất (2km2 mới có một người, trong khi 45% dân số tụ cả về thủ đô Ulaanbaator rồi, thì hơn 1,5 triệu km2 còn lại đang sống với mật độ siêu thưa - khoảng là 4km2 mới có một người. Tất cả đều bỗng dưng trở thành những kẻ thức đêm co ro để nhàn du ngắm giăng sao).

Có trú ngụ lều Ger cả nhiều ngày ở nhiều khu vực khác nhau mới biết, lều Ger đắc dụng cho người Mông Cổ ra sao trong mùa băng giá. Dù sở hữu báu vật trời ban là 250 ngày nắng trong một năm (ngay cả khi nhiệt độ âm 40 độ, vẫn nắng và trời vẫn trong), nhưng khi cái lạnh căm căm ập đến thì vẫn phải gác lại vẻ đẹp thiên nhiên mà chui vào lều dưỡng sức chứ. Lều như một linh vật biết thở với chất liệu da thú xưa kia và vải tổng hợp đặc biệt hiện nay, rất ấm vào mùa đông. Mùa hè thì khỏi nói, bốn bề gió thốc, view panorama 360 độ luôn.  Nó cực hợp với thảo nguyên bát ngát, nơi mà nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch như mùa hè với mùa đông xứ Việt Nam ta. Lều đủ vát để tuyết rơi ra khỏi mái (không ứ đọng nặng trĩu làm sụp lều), đủ giữ nhiệt và làm mát cho cư dân ở vùng sa mạc Gobi khô cằn ở phía Nam, đủ giữ ấm qua buốt giá kinh hoàng của vùng Tây Bắc Mông Cổ, giao với Siberia của Nga, nơi chỉ có những con tuần lộc chưa được thuần hóa chạy loạn xị ngậu kia là chống chịu được…

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 4.

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 2.

Cô bé Sam, 20 tuổi, má hây hây, nụ cười có thể làm bất cứ ai cũng thấy cuộc đời vẫn còn thật nhiều sự thương mến. Mặc trang phục màu đen, hiện đại, em vừa làm thuyết minh tiếng Anh, vừa là người phục vụ nhà hàng. Vừa quản lý hệ thống lều Ger trong một khu sinh thái du lịch nổi tiếng Tourist Ger Camp (cách thủ đô khoảng 1 giờ lái xe).

Cô bé được học tiếng Anh trong trường, rồi chủ yếu tự học. Em tái hiện nhiều hoạt động của cư dân du mục phục vụ khách. Nơi này, xuất bản cả các tờ tạp chí nội bộ bằng tiếng Anh, với hình ảnh sinh động, công phu để quảng bá du lịch. Vẻ đẹp của em và hoạt động của chính gia đình em, như là linh hồn của các dịch vụ ấy, dù em chỉ là một lao công, tạp vụ theo đúng nghĩa. Cùng với các dãy lều sơn cửa và khung gỗ xanh đỏ theo đúng truyền thống của các bộ tộc du mục, họ còn xây dựng các lều Ger lớn chuyên để phục dựng các show diễn hát bằng đủ loại nhạc cụ truyền thống Mông Cổ, chế biến thức ăn từ sữa ngựa, sữa dê, sữa lạc đà. Mời khách dùng "thuốc lá" truyền thống, theo lối cổ xưa (mỗi người được mời thì cầm lọ "thuốc lá", bôi ra mu bàn tay mình rồi hít). Thịt hun khói trong cỗ xe với thùng gỗ cho ngựa kéo di động khắp thảo nguyên. Cách dựng lều Ger, cách tháo lều cho lên xe, lạc đà trĩu trịt kéo đi trong một chuyến thiên di giả tưởng vòng tròn. Người và đại gia súc kỳ dị (với du khách) lững thững bước đi, bò yak Tây Tạng (loại bò có lông dài thõng thượt vài chục xăng ti mét, có chú vàng nâu có chú đen nhoáy, sừng cong vênh như quái thú). Lạc đà hai bướu cao ngất ngư, thỉnh thoảng rên lên vài tiếng chẳng biết vui hay buồn… Giữa lúc đó, âm nhạc dấy lên. Đoàn người mũ mãng, kèn trống, xanh đỏ lóa mắt, áo quần lụng thụng. Các đoàn khách nhất tề leo lên ngựa, phi nước đại, vó ngựa tràn lướt qua thung lũng, lên lưng đồi, vượt qua các con suối nhỏ sũng sĩnh. Tiếng cười vang dội, "đoàn kỵ binh" vạm vỡ ấy đã đem đến những trải nghiệm hồn nhiên và cổ sơ nhất trong một xã hội mà trí tuệ nhân tạo, văn hóa nghe nhìn trên thiết bị thông minh đang ngự trị đến độ gây hại…

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 6.

Khách như lạc trong một không gian huyền hoặc, ngoài thung xa, đàn gia súc lớn đang túc tắc về tụ bạ quanh các căn lều tròn, chúng đi rùng rùng như kiến mối, như nước bùn nâu đang chảy tràn, như một cuộc "người ngựa ngậm tăm" bí mật điều binh khiển tướng trong Tam Quốc chí. Với sự độc đáo hiếm gặp của không gian và các loài vật lớn, nhỏ, hiền, dữ, trắng, đen (hầu hết không có hoặc ít phân bố ở Việt Nam), có lẽ, đây giống với cảnh người ngậm tăm, ngựa khóa hàm mà Khổng Minh 7 lần vào xứ hoang thẳm để bắt Man vương Mạnh Hoạch!

Thoắt cái, lúc cơm chiều, lại thấy công chúa mũ áo xênh xang sặc sỡ ngồi lưng lạc đà hai bướu chụp ảnh chung với khách đã bưng bê món thịt hầm cần mẫn đến từng bàn kèm theo lời chúc khách ngon miệng. Chớp mắt ngờ ngợ, hóa ra, người nghệ sỹ du dương trong cơn thần hứng ở lều nghệ thuật lại đang lái chiếc xe tải chở toàn da bò, da cừu mới lột tanh òm bê bết lông và máu lên khu xưởng chế tác trên đỉnh núi. Và người khiêng va ly cho chúng tôi vào các khu lều (đường trên thảo nguyên không kéo các bánh xe va ly được) cung kính nhận tiền típ chính là mẹ của cô bé có vẻ đẹp nao lòng hiện lên trong rất nhiều trang tạp chí du lịch láng cóng kia.

… Ở lều Ger. Khách thích ăn phô mai, bánh sữa, trà sữa, rượu sữa ngựa (say rất ngấm), có đủ. Thích xem bộ lông thú hoang sau khi thuộc. Các túi đựng nước hay yên cương bằng da bò, da dê xưa cũ đều có. Thích cưỡi lạc đà hai bướu, cưỡi ngựa hay cưỡi bò yak Tây Tạng (con bé lúp xúp lông đen và dài thượt như chó cảnh; con to lừng lững như quái), có đủ. Đặc biệt thú vị là các trò chơi dân gian, hòa nhập hết cỡ, thân thiện tận cùng với cư dân du mục. Cưỡi ngựa phi nước đại, "tráng sỹ" trong khu resort trẻ trung hiện đại cất điện thoại iphone 11 vào lớp túi áo trong (kéo khóa cẩn thận) để tránh rơi vỡ. Rồi cu cậu gò cương phi vèo vèo, bụi tung mù trời, hắn rạp mình treo ngược, lướt như con gió, đầu sát với móng ngựa, tay thò ra nhanh như máy. Hắn nhặt một cái mũ rơi trên cỏ. Một ông trung niên râu chổi xể, thận trọng giương cung như một nghi lễ. Anh ta bắn cung rất xa và chuẩn. Du khách Tây, ta đều háo hứng học bắn rồi bắn thử. Đông người tham gia nhất là trò chơi cổ xưa này: họ dùng các miếng xương thú. Họ gọi là trò chơi Shagai. Xương được chọn cầu kỳ và chế tác nhẵn bóng theo một cái phom truyền thống xinh xẻo. Hệ thống các miếng xương phải được chọn từ năm loài động vật quý giá của người Mông Cổ (Tavan Khoshuu Mal), gồm: cừu, ngựa, bò, dê và lạc đà. Xương được gọt nhỏ như quân cờ, đặt nó vào khe của miếng gỗ, dùng ngón tay búng làm sao cho cục xương bay cầu vồng và hất đổ các miếng xương khác dựng ở khay gỗ, có cô bé trọng tài luôn cười rất tươi. Theo phán quyết của nàng mũ đỏ, áo xanh lụng thụng và vẫn không quên phô ra bao nhiêu là eo ót kia: ai bắn rụng thì được phần thưởng…

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 7.

Quả thật, với một du khách "cưỡi ngựa xem hoa", trải nghiệm như vậy là không còn mơ ước gì hơn nữa. Đó là câu chuyện về sự tháo vát năng động của những cư dân trẻ, hậu duệ của cụ Thành Cát Tư Hãn làm du lịch thời mới.

Các cư dân nhiệt thành trên thảo nguyên đã cho tôi hiểu thêm điều này: Phụ nữ Mông Cổ nhường cuộc sống yên ngựa (xưa kia là đời kỵ binh chinh chiến biết cưỡi ngựa trước khi biết đi, sẵn sàng "da ngựa bọc thây") cho nam giới. Họ ở nhà, sáng dậy sớm, đốt lửa sưởi ấm lều Ger khi ngoài trời quá sức lạnh cóng. Họ vắt sữa ngựa, sữa dê, sữa bò yak và ở nhiều vùng cả sữa tuần lộc nữa. Họ làm nóng sữa để uống, làm bánh từ sữa và phô mai. Treo sữa ngựa lên, hằng ngày đều đặn lắc đúng ngần ấy thao tác, không được hơn hoặc không được kém, dần dà nó sẽ ra thứ rượu sữa ngựa tuyệt hảo, "quốc hồn quốc túy" của người dân du mục trên thảo nguyên Mông Cổ. Dụng cụ của họ, có lẽ nó vẫn giống những thứ mà tổ tiên họ dùng từ thời ông Thành Cát Tư Hãn chưa thống nhất các bộ tộc du mục gần 8 thế kỷ trước. Vẫn da ngựa, da cừu khâu lại thành cái túi. Túi ấy thả sữa ngựa vào và lắc lên cho bốc men say thành rượu, gọi là Airag, một thứ mỹ vị của nhân gian mà các sách du lịch thi nhau khuyên "bạn không thể không thưởng thức, một khi đã đến Mông Cổ".

Bây giờ, bất cứ gia đình Mông Cổ nào "ngao du bốn bể", nuôi được một nghìn gia súc lớn như cừu, dê, bò, bò yak hay lạc đà, đặc biệt là ngựa, thì đều được Chính phủ Mông Cổ vinh danh là "Gia đình xuất sắc" có đóng góp đặc biệt cho quốc dân. Trong lễ hội Naadam, festival lớn nhất Mông Cổ, Olympic cổ xưa bậc nhất thế giới, thật ra là một dịp tôn vinh sức mạnh của ngựa và truyền thống chăm sóc huấn luyện ngựa của các sắc dân du mục thiện chiến. Ngựa nào uy phong chiến thắng, cũng là dịp tuyệt vời nhất để các ông bà chủ của chúng được nở mày nở mặt. Với họ, quan trọng hơn nữa, trong cái mạch ngầm văn hóa du mục hơn hai nghìn năm kia, người Mông Cổ hiện nay, đi qua các tòa cao ốc với siêu xe ở thủ đô tắc đường như nêm cối, vẫn đang cưỡi ngựa như một cách tri ân tiên tổ. Họ đã từng "ta là một là riêng là thứ nhất/bạn bè chi không sánh nổi cùng ta", như Nóc nhà thế giới Everest (quê hương của những chú bò yak lông dài cả mét mà chúng tôi đang cưỡi!) tráng lệ trong thi phẩm của Xuân Diệu đã viết.

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 3.

Một ngày nọ, tôi rời lều Ger, đi lang thang, trò chuyện với các cư dân trẻ trong thung lũng huyền thoại ấy. Nó thuộc Vườn quốc gia Khustain Nuruu, nơi mà từ năm 1993, Chính phủ Mông Cổ đã tuyên bố đây là khu vực được bảo vệ đặc biệt. Nơi này, bạn cũng không khó lắm để hạnh ngộ với biểu tượng thiên nhiên của Mông Cổ, loài ngựa hoang hiếm gặp trên toàn thế giới. Tại khu tham quan Mongol Nomadic Camp tôi đã gặp Sher. Em cười như một cô bé đang ní nót chơi đồ hàng ở châu thổ Bắc Bộ. Em cưỡi ngựa, má hồng, mớ tóc xanh được thắt một sợi dây vải ốp ngang trán rồi lại buộc hai bên má xuống cằm. Trông cô bé như bước ra từ cổ tích. Em học tiếng Anh tốt và đã từng du học ở Trung Quốc, rồi trở về làm cho công ty du lịch. Em giới thiệu tôi tham quan những phòng bán tranh của một doanh nghiệp trong khu nghỉ dưỡng. Ông chủ yêu nghệ thuật, chắc cũng muốn phát triển tí nghệ thuật để hút khách, nên nhiều họa sỹ danh tiếng đã đến đây sáng tác và mang tranh đến treo trong các căn lều Ger rộng như "hội trường" để phục vụ các sự kiện.

Sher mặc áo phông đen, đeo găng tay đen, răng như những hạt ngô nép nhỏ. Nói gì cũng e lệ. Đây là một bức tranh dựng theo chiều dọc, như một "cây phả hệ", từ tổ tiên yêu nhau ở trên cây, đứa trẻ hoài thai trong bụng mẹ, nó lớn lên và có cuộc sống trần gian nhiều hỉ nộ ái ố. Những kẻ làm điều ác ở đời, xuống phía dưới của bức tranh, sẽ thấy quỷ sứ các loại hành hạ họ. Đây là một con vật với mai rùa, mặt cáo với phom cổ vươn cao như phủ lớp sừng của con tê tê. Mắt nó ngơ ngác nhìn ra thảo nguyên, như một sinh vật ngoài hành tinh bỗng nhiên xuống trái đất sống đời du mục. "Đấy là em xem tranh và đoán thế, chưa chắc họa sỹ sáng tác họ đã nghĩ vậy", Sher nói rồi cho tôi xem bức tranh vẽ ngựa mà cô thích. Văn hóa yêu và chăm sóc ngựa nghìn năm ở Mông Cổ, ngựa nào cũng vạm vỡ, dũng mãnh và tinh ranh, nhưng ngựa trong bức này cổ của nó cong dài như một cọng hoa, mong manh như một sợi dây leo đầu mùa hạ. Cuối sợi dây là hai gương mặt giống ngựa hơn cả ngựa, song chỉ là phác thảo từ một nét chì thoáng qua. Cặp ngựa tình nhân, mơ màng âu yếm trong lối vẽ như là thủy mặc, như là phác thảo, như là ai đó đánh rơi một đôi cọng tóc mà thành tranh.

… Trong tạp chí nội bộ ở địa phương, cô bé tự hào chỉ vào các trang ảnh: em đây nhé, đang cưỡi ngựa và mỉm cười, phía sau là mây chất ngất như núi trắng. Đây là em gái của em, ngồi bên cạnh vẫn là em mặc áo đỏ. Nhà em đang ngồi làm bánh truyền thống trong dịp lễ hội. Những mặt nạ bằng gỗ thô phác, những người hóa trang thành thú rừng lật khật nhảy múa…

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 9.

Tôi giật mình, họ làm du lịch giỏi quá, khu sinh thái nghỉ dưỡng nào cũng có các nghệ nhân, người đẹp hiểu biết và lịch lãm, họ truyền cảm hứng cho chúng tôi hiểu về lịch sử, văn hóa, tộc người của Mông Cổ. Vâng, không trang sách hay thước phim nào sinh động, có hồn và quyến rũ người ta bằng chính "trực quan sinh động" - con người, đấy là chưa kể, đó lại là những người đã đẹp, lại còn hiểu biết; đã hiểu biết, lại còn… thơ ngây.

Nụ cười và khát vọng truyền bá văn hóa du mục đến thế giới của cô bé, đã trở thành một phần của ký ức thảo nguyên du mục trong tôi từ hoàng hôn hôm ấy.

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 4.

 … Tinh sương, mây chùng chình đuổi nhau trên bầu trời. Dưới thung lũng rất ít mây, có lẽ thảo nguyên không có nhiều sông suối. Thế nên, nhìn ra mênh mông cỏ rả, bao giờ cũng trong vắt một cách kỳ lạ. Bên kia, nhóm trẻ tập thiền, tập yoga, lại có các dũng sĩ cưỡi ngựa, buông dây cương, ủn ngựa nhong nhong chạy hoang vắng trong thảo nguyên. Anh ta nhảy lên lái ô tô vèo vèo, xếp ra toàn da thú trắng, đen khổng lồ đang bốc mùi thum thủm. Họ thuộc da ngựa, da bò, da cừu (để nguyên lông) để phục vụ các trang trí nội thất trong khu nghỉ dưỡng. Họ dựng các khung vuông bằng gỗ giữa bát ngát nắng gió, rồi căng bộ da thú theo cách cổ truyền, làm sạch, phơi khô, tạo tác rất tài hoa.

Ngoài yếu tố truyền thống sử dụng da thú làm vật liệu phủ lều Ger, làm mũ, áo, làm thảm trải, làm trang trí, thì gần đây, da lông của gia súc lớn còn được ưa chuộng thêm do phát triển du lịch. Du khách đến Mông Cổ, họ dành rất ít thời gian ở thủ đô với các khách sạn sang chảnh. Ai cũng sắm nắm để về ngoại ô, ra thảo nguyên, đến các khu lều trại "chuẩn bốn, năm sao" để được hòa mình vào vó ngựa phía thung xa. "Có lẽ, người ta ngợp với tiện nghi vật chất với những con phố mà tầm nhìn bị án ngữ ở mọi góc, mọi lúc. Họ cần một sự xanh non bất tận của thảo nguyên, những ban mai thức dậy, thấy phòng khách của mình là cả một đại sảnh xanh um, kéo từ đầu giường ngủ, từ mép cửa lều, mãi về phía đường chân trời. Những cộng đồng du mục mà không nhà nào có rào rậu hay bờ tường, tất cả đều mở và rộng tưởng chừng như vô tận. Cần cuộc sống hoang dã, với lều Ger, bò yak, lạc đà hai bướu và ngựa hoang cổ lùn.

Khám phá Mông Cổ: Con cháu ông Thành Cát Tư Hãn trổ lối làm du lịch (Bài 3) - Ảnh 11.

 Tất cả lạc trong đồng cỏ. Đàn đại gia súc, liên tục di chuyển như đám mây sà thấp; chúng nhô nhúc chập chờn như nước chảy, chúng lượn thư thái và kiên trì từ đáy thảo nguyên lên phía các triền núi thấp, chúng cắt ngang quốc lộ theo cái cách tham gia giao thông không còi, chẳng xi nhan và sang đường không quan tâm đến đèn đỏ đèn xanh. "Đại gia đình" dê, cừu, ngựa, bò yak cứ tự tin chấn chỉnh hàng ngũ, con đầu đàn đi, lũ lượt, thong rong, dễu dện; nửa tiếng đồng hồ sau con chốt hạ cuối đàn mới qua hết. Có một nghìn đại đàn gia súc là được Chính phủ tặng bằng "Gia đình xuất sắc" phát triển kinh tế quốc dân mà lị.

Tôi và các đoàn xe ô tô kiên trì đứng đợi, lúc tầm nhìn thoáng, các chú cừu lăn như cục bông, các chú dê láu cá được nuôi lẫn đi theo đàn cừu để ngủ chung và được sưởi ấm với lớp lông dài của cừu; đến lượt mình, dê lại bảo vệ cừu trước sự tấn công của các loài khác.  Ngựa Mông Cổ đi thành đàn vàng nâu cả thung lũng, nhưng chúng cũng rất hay trở thành phương tiện cho các cư dân du mục phi nước đại lùa cừu dê vào đúng hàng lối. Phía sau ngựa là một vài chú chó chăn cừu dũng mãnh. Nghe nói, chó ngao Tây Tạng vốn xuất phát từ Mông Cổ, vài loài chó khác của con cháu Thành Cát Tư Hãn cũng bị "mất bản quyền" với các quốc gia lân cận, bởi vì các quốc gia vùng lãnh thổ khác họ chăm chút, nhân giống, "truyền thông" để bán chó ngao kiếm lời. Người Mông Cổ thì đơn giản, chó chăn cừu, chỉ gâu gâu sủa nhặng xị ngậu, rồi băng qua sa mạc, qua đồng cỏ cùng vó ngựa chủ nhân đang cưỡi. Thế thôi.

Nhưng, chúng là niềm kiêu hãnh của chủ nhân, những người được cấp bằng "Gia đình xuất sắc" từ Chính phủ Mông Cổ, khi họ có ít nhất 1.000 gia súc lớn (gồm cừu, dê, bò, ngựa) như vậy…

Đón đọc bài 4: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem