Khánh Hòa: Nuôi nhiều tôm hùm to bự, đỏ mắt tìm thương lái

Hải Lăng Thứ năm, ngày 06/02/2020 18:33 PM (GMT+7)
Ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona đang khiến cho việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ. Việc tiêu thụ tôm nuôi của người dân trong tỉnh Khánh Hòa cũng gặp khó.
Bình luận 0

Khó tiêu thụ

Những ngày này, ông Nguyễn Thanh Hải - người nuôi tôm hùm xanh ở phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) vẫn liên tục ra bè nuôi để chăm sóc đàn tôm đã tới kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được.

img

Hiện nay, người nuôi vẫn còn một lượng tôm hùm đến kỳ xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được.

Ông Hải cho biết: “Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, thương lái tìm về các vùng nuôi tôm hùm ở Cam Ranh để mua tôm xuất khẩu nhưng năm nay, việc tiêu thụ rất chậm. Gia đình tôi còn khoảng 1.500 con tôm hùm, kích cỡ 0,5 - 0,6kg/con vẫn chưa tìm được thương lái thu mua. Các hộ nuôi khác đều lâm vào cảnh tương tự”.

Theo bà Nguyễn Thị Châu Pha - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh, trên địa bàn phường có hơn 8.000 lồng nuôi tôm hùm, hầu hết là tôm hùm xanh. Những năm trước, vào thời điểm sau Tết, hoạt động mua bán tôm hùm diễn ra rất sôi động.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đang tạm ngưng nên các thương lái, doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm xuất khẩu cũng tạm dừng thu mua. Hiện nay, trên địa bàn còn hơn 100 tấn tôm hùm xanh chưa tiêu thụ được. 

img

Một góc vùng nuôi tôm hùm ở khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) vắng người thu mua.

Tại vùng nuôi tôm hùm xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), tình trạng cũng tương tự. Theo ông Trần Văn Thông - người nuôi tôm ở thôn Đầm Môn, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều hộ nuôi tôm gọi điện thoại cho các thương lái nhưng họ đều báo phải đợi, vì hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang “đứng”.

Điều ông Thông lo lắng là chi phí thức ăn cho tôm hùm nhiều, trong khi chưa biết đến bao giờ mới xuất bán được. Vì vậy, một số hộ vẫn chấp nhận bán với giá thấp nhưng cũng chẳng mấy người mua vì lượng tôm hùm tiêu thụ nội địa không nhiều.

Do tiêu thụ chậm nên giá tôm hùm những ngày sau Tết rớt liên tục. Trước Tết, tôm hùm bông có giá hơn 1,8 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh hơn 650.000 đồng/kg, đến nay tôm hùm bông chỉ còn 1,5 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 550.000 đồng/kg nhưng lượng xuất bán được rất ít.

Được biết, toàn xã Vạn Thạnh có hơn 35.000 lồng nuôi tôm hùm. Năm nay, khoảng 70% lượng tôm đã được người dân bán trước Tết, sau Tết vẫn còn tồn khoảng 30%. Không chỉ tôm thịt đang bị ùn ứ mà việc thả giống nuôi tôm đợt mới cũng bị ảnh hưởng do lồng nuôi đang lưu tôm thịt chờ bán, lồng để nuôi mới không có. 

Trước mắt, cần nuôi lưu giữ

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do tác động của dịch cúm do vi rút Corona và các biện pháp ngăn chặn dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hoạt động thương mại nông sản tại Trung Quốc bị tụt giảm; giao thương giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có mặt hàng nông sản.

img

Hiện các thương lái thu mua tôm hùm chủ yếu để tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục tìm giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thủy sản.

Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Không riêng gì tôm hùm, các mặt hàng như: ốc hương, cá mú, cá chẽm… và hàng nông sản khác đều bị tác động. Ngành Thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất khẩu được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt; bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường. Trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.

Để hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác, tiêu thụ nội địa. Chi cục Thủy sản đang hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm ở TP. Cam Ranh, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết, mặc dù nhu cầu tôm hùm tươi sống tại thị trường này rất lớn nhưng các cửa khẩu tạm thời đóng cửa nên không thể thu mua xuất khẩu được. Khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ tập trung thu mua ngay để xuất khẩu. Ngoài ra, hiện nay, một số doanh nghiệp cũng tìm kiếm thị trường khác.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 49.400 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng nuôi hàng năm hơn 1.440 tấn, chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang. Theo ước tính của Chi cục Thủy sản, phần lớn lượng tôm thịt đến thời kỳ xuất bán đã được người dân bán trước Tết Nguyên đán, lượng tôm còn tồn chỉ khoảng 20 - 25%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem