TP.HCM: Khảo sát nhu cầu nhà ở và thu nhập để xây dựng đề án giữ chân lao động

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 01/09/2022 12:55 PM (GMT+7)
Sở GDĐT TP.HCM khảo sát thực trạng nhu cầu nhà ở và thu nhập của người lao động, xây dựng Đề án chính sách để tạo động lực và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bình luận 0

Ngày 1/9, thông tin từ Sở GDĐT TP.HCM cho biết, Sở vừa có công văn yêu cầu hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GDĐT thực hiện khảo sát, cung cấp số liệu phục vụ xây dựng Đề án về chính sách để tạo động lực và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ máy chính quyền đô thị TP.HCM.

TP.HCM: Khảo sát nhu cầu nhà ở và thu nhập để xây dựng đề án giữ chân lao động - Ảnh 1.

Sở GDĐT TP.HCM khảo sát thu nhập và nhu cầu nhà ở của người lao động. Ảnh: MQ

Theo đó, Sở GDĐT đề nghị các đơn vị triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thực hiện khảo sát về tình hình thu nhập năm 2022 và nhu cầu về nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thông tin khảo sát gửi về Sở trước ngày 12/9 để có dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng Đề án.

Về nhu cầu nhà ở, Sở khảo sát hai nội dung là không có nhu cầu bố trí nhà ở và có nhu cầu bố trí nhà ở. Nếu chưa sở hữu nhà riêng mà không có nhu cầu bố trí nhà ở hoặc đã có nhà riêng nhưng vẫn cần bố trí chỗ ở, Sở yêu cầu phải nêu rõ lý do.

Ở khảo sát thu nhập bình quân hàng tháng, Sở đề nghị khảo sát thu nhập từ tiền lương hàng tháng và thu nhập từ nguồn khác. Trong đó, thu nhập từ tiền lương gồm tiền lương theo hệ số (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung), phụ cấp theo quy định pháp luật (phụ cấp công vụ, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ngành…); Thu nhập từ nguồn khác gồm thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND, thu nhập từ nguồn kinh phí tiết kiệm (khoán) hoặc từ nguồn thu nhập của đơn vị, thu nhập từ các hoạt động chuyên môn và thu nhập khác.

Trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục thành phố thiếu 5.241 giáo viên từ bậc mầm non đến THPT. Trong đó, bậc Tiểu học có nhu cầu tuyển dụng giáo viên cao nhất với 2.355 giáo viên. Kế đó là bậc THCS với 1.698 giáo viên. Hai bậc còn lại có số lượng ít hơn là Mầm non cần tuyển 892 giáo viên và THPT cần tuyển 296 giáo viên.

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc thiếu giáo viên trầm trọng tại TP.HCM là do thu nhập còn thấp, cơ chế chính sách chưa đủ để níu chân người lao động. Theo Sở GDĐT TP.HCM, Sở đang thực hiện nhiều biện pháp để tuyển dụng, giữ chân người lao động. Trong năm học mới, thành phố sẽ tổ chức 2 đợt tuyển dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem