Khi giá gà rẻ như rau

Hoàng Trọng Thủy Thứ ba, ngày 09/03/2021 09:05 AM (GMT+7)
Hàng chục năm đã qua, chúng ta cứ đi tìm một định nghĩa vẹn toàn về "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Và vì thế tư duy sản xuất nông nghiệp luôn hướng tới thành tích vụ này năng suất phải hơn vụ trước, năm nay phải cao hơn hẳn năm trước.
Bình luận 0

Vì thế,  tính hiệu quả của sản xuất không được coi trọng, không được đo bằng giá trị thực lãi của người nông dân có được sau một vòng đời của sản phẩm, của một vụ, một năm.

Hơn hai tuần qua, hết rau, củ quả phải giải cứu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì nay lại đến lượt thịt gia cầm bị sụt giảm giá sâu như hồi quý 2 năm 2020. Tính ra, mỗi kí lô gà, ngan vịt…lỗ 5 nghìn đến 10 nghìn đồng so với giá thành. Nông dân bán tháo thì lỗ nặng, để lại chờ được giá bán thì không biết khi nào, lại còn mang nỗi lo vào mình như "con đò đầy qua khúc sông sâu". 

Vì sao, giá thịt gia cầm lại sụt giảm sâu trên diện rộng? Truy vết nguyên nhân từ sản xuất – tiêu dùng và nhập khẩu, sẽ thấy những khuyết tật khá lớn trong ngành hàng này.

Bắt đầu từ tháng 5/2019, khi dịch tả lợn châu Phi đã gây hại ở 48 tỉnh thành, ngành nông nghiệp đã hối thúc phát triển đàn gia cầm để bù đắp vào nguồn thịt lợn bị thiệt hại là đúng! 

Ngay tức thì, nông dân vào cuộc, đàn gia cầm cả nước đã tăng 6,16%, từ 436 triệu con năm 2018 lên 467 triệu con năm 2019. Với số lượng này thì cung – cầu khá cân bằng và hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng đã tiết giảm chi tiêu, nhưng  sản xuất, đàn gia cầm vẫn tăng 18%, số tuyệt đối là 154 triệu con. Mức tăng cao và nhanh đã làm cho độ chênh của cung – cầu là khá lớn. 

Trong khi giá gia cầm sụt giảm, người chăn nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ nần, thì ở một chiều khác - nguồn cung lại dội vào thị trường nội địa, với việc nhập khẩu 200 ngàn tấn thịt gà, tăng 49% về lượng. 

Thịt gà nhập khẩu có cả hai loại: Đông lạnh nguyên con và đông lạnh đã chặt; trong đó, chân gà, cánh gà, các bộ phận khác chiếm tới 91,2%. Có những thời điểm, giá thành thịt gà nhập khẩu bán ra chưa tới 15.000đ/1kg, trong khi giá thành trong nước là 23 ngàn đến 24 ngàn đồng/kg (gà lông). 

Năm 2020, nếu như nhập khẩu thịt heo đã giảm giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng, thì việc nhập khẩu thịt gà đã góp phần làm ngành này thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử chăn nuôi. 

Theo các chủ trang trại chăn nuôi gà, thì giá gà nhập khẩu quá rẻ đang giết chết ngành chăn nuôi gà trong nước. Người nuôi gà đều lỗ, nhiều lúc giảm còn 13.000 - 14.000 đồng/kg. Và tính trung bình hằng tháng từ năm 2020 đến đầu tháng 3 năm 2021, không tháng nào người nông dân bán thịt gà có giá vượt quá giá thành sản xuất.

Rõ ràng, ngành chăn nuôi gà của Việt Nam không có chiến lược hay kiểm soát cụ thể dẫn tới bất ổn, lúc thừa rất nhiều, giá gà rẻ như rau, nhưng cũng có thời điểm thiếu hụt phải nhập khẩu rất nhiều. Nếu trước đây, chủ trang trại, doanh nghiệp mở mang chăn nuôi gia cầm bởi lợi thế đất đai và nhân công giá rẻ. Nhưng nay, cả hai yếu tố trên đều đang dần mất đi. Chi phí nhân công ngày càng tăng nhanh, tiếp cận vốn, đất đai cực kỳ khó vì cả chính sách lẫn giá cả thì ai còn dám bỏ tiền ra mua đất xây trang trại chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi gà đang được cảnh báo nguy cơ sẽ "vỡ trận và lụi tàn" - Nguy cơ đó nằm ở chính chúng ta!


 

 

 

 

 

 

                         

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem