Khi lãnh đạo doanh nghiệp chớp thời cơ... “lướt sóng” cổ phiếu

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 08/09/2017 07:30 AM (GMT+7)
Việc lãnh đạo doanh nghiệp (DN) tham gia “lướt sóng” cổ phiếu của chính DN mình trong trạng thái “mua đáy, bán đỉnh” khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc...
Bình luận 0

Theo lý giải của giới đầu tư, việc lãnh đạo DN giao dịch cổ phiếu cũng giống như nhà tạo lập thị trường khiến giá cổ phiếu DN liên tục biến động, vì vậy động thái “lướt sóng” của các cá nhân này ở thời điểm đỉnh của giá cổ phiếu khiến nhà đầu tư cảm giác như bị... “úp sọt”, dù việc mua bán này đều đúng luật.

img

Nhà đầu tư thường chưng hửng khi lãnh đạo doanh nghiệp thích "lướt sóng" cổ phiếu (Ảnh: IT)

Khi lãnh đạo là những... “nhà đầu tư tài ba”

Mới đây nhất, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) được cho là người may mắn nhất thị trường chứng khoán thời gian qua. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 1.6 đến 7.6, ông Lê Phước Vũ đã hoàn tất bán ra gần 9,6 triệu cổ phiếu HSG theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân 32.000 đồng/CP, thu về khoảng 300 tỷ đồng. Đây cũng là mức đỉnh về giá của HSG từ trước đến nay tính theo giá điều chỉnh.

Ngay sau khi ông Vũ bán ra, cổ phiếu HSG đã liên tục giảm, có lúc xuống dưới 27.000 đồng/CP và giữ nguyên vùng giá dưới 30.000 đồng/CP đến tận hôm nay. Tận dụng thời cơ này, DN riêng của ông Lê Phước Vũ là Công ty TNHH Tập đoàn Hoa Sen đã lập tức đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu HSG.

Như vậy, chỉ tạm tính chênh lệch thị giá thời điểm ông Vũ bán ra và thời điểm công ty này mua vào đã thấy ông Lê Phước Vũ lãi một khoản lớn.

Tuy nhiên, khiến giới đầu tư chứng khoán bức xúc nhất trên thị trường lại là ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán CII). Còn nhớ, hồi cuối tháng 5.2017, ông Lê Quốc Bình đã bán 2,21 triệu cổ phiếu CII trong tổng số 2,66 triệu cổ phiếu mà ông nắm giữ tại vùng giá đỉnh. Ngay sau động thái xả hàng này của ông Bình, giá cổ phiếu CII có diễn biến giảm từ gần 40.000 đồng/CP xuống gần 35.000 đồng/CP và đến hiện tại chỉ còn hơn 32.000 đồng/CP.

Giải thích việc bán ra gần hết lượng cổ phiếu nắm giữ, ông Bình cho biết là để trả nợ ngân hàng; mua cổ phần CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (HOSE: CEE); góp vốn vào CTCP Đầu tư Tân Tam Mã; đóng tiền nhà Thủ Thiêm...

Tuy nhiên, giải thích này của ông Bình gặp phải sự phản ứng rất nhiều từ phía nhà đầu tư bởi lẽ ông Bình không phải lần đầu “lướt sóng” cổ phiếu CII. Cụ thể, hồi giữa năm 2015, ông Bình đã mua vào 15 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 21 triệu cổ phần, tương ứng 10,76%. Điều này khiến nhà đầu tư nghĩ đến một cuộc chạy đua thâu tóm công ty. Vì vậy, cổ phiếu CII liên tục tăng giá và thanh khoản lớn.

Sau đó không lâu, ông Bình đã rao bán hết số cổ phiếu sở hữu ở vùng giá “đỉnh” và gặp phải sự lên án, oán trách, phê phán từ cộng đồng nhà đầu tư, cổ đông, bạn bè, đồng nghiệp... khiến ông này phải viết tâm thư gửi cổ đông chia sẻ việc bán cổ phiếu là do có những nỗi đau riêng nhưng không thể công bố.

Một trường hợp khác là ông Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (mã chứng khoán NHP) thường xuyên bán cổ phiếu NHP ở vùng giá đỉnh và mua lại tại vùng giá đáy, thu về hàng tỷ đồng tiền chênh lệch. Chẳng hạn, hồi tháng 8.2016, ông Nghĩa bán 1 triệu cổ phiếu NHP, giá thị trường khi đó hơn 17.000 đồng/CP. Sau đó, từ đầu tháng 10.2016 đến tháng 11.2016, cổ phiếu NHP liên tục giảm giá, còn 3.000 - 4.000 đồng/CP và đây là lúc ông Nghĩa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu NHP. Như vậy, chỉ sau 3 tháng, ông Nghĩa giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, nhưng thu về nhiều tỷ đồng.

Trên thị trường, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng thích... “lướt sóng” trong trạng thái “mua đáy, bán đỉnh” và bỏ túi tiền tỷ, trong khi nhà đầu tư thì ngậm ngùi vì không biết nên giữ lại cổ phiếu hay cắt lỗ khi diễn biến giá đang có chiều hướng đi xuống.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Thực tế, việc lãnh đạo các DN thích “lướt sóng” không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của DN trong con mắt nhà đầu tư. Bởi theo quan điểm của nhà đầu tư thì ban lãnh đạo DN không nên quan tâm nhiều đến biến động của giá cổ phiếu và không nên tác động trực tiếp lên giá cổ phiếu. Tuy nhiên, động thái này cũng không phải là trái luật, trừ trường hợp các hành vi giao dịch trên dựa trên thông tin nội bộ (giao dịch nội gián), tạo cung cầu giả, thao túng thị trường…

Về vấn đề này, luật sư - tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, phần lớn nhà đầu tư không yên tâm vì cho rằng ban lãnh đạo có thể dùng thông tin nội bộ, mua bán trước khi công bố thông tin có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu bởi giao dịch của lãnh đạo DN giống như nhà tạo lập thị trường, việc “mua đáy, bán đỉnh” sẽ khiến nhà đầu tư gặp rủi ro bởi động thái này khiến giá cổ phiếu biến động bất thường.

“Lâu nay, trên thị trường chứng khoán thường có nhóm gọi là ‘đội lái’ - họ thường tạo cung cầu giả để làm giá cổ phiếu và mua vào lúc giá thấp để bán ra với giá cao; trong khi đó, với các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường có động thái trái ngược là mua vào cổ phiếu lúc tăng giá và bán ra khi cổ phiếu bắt đầu giảm giá. Thế nên, tôi chỉ có lời khuyên là nhà đầu tư phải nên tỉnh táo và có chiến lược đầu tư hợp lý”, ông Tín nói.

Đồng quan điểm, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì cho rằng, để tránh những rủi ro không đáng có khi lãnh đạo DN “lướt sóng” cổ phiếu, nhà đầu tư cần thiết lập hệ thống đầu tư bằng các công cụ và đưa ra một ngưỡng cắt lỗ để giới hạn rủi ro diễn biến giá. Đồng thời, nhà đầu tư nên dành tỷ trọng vừa phải hoặc ở mức thấp và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính đối với các cổ phiếu này.

“Để tránh các rủi ro thì tốt nhất là nhà đầu tư nên đưa ra chiến lược giao dịch cho bản thân, có mức cắt lỗ phù hợp khi diễn biến giá không thuận lợi và nếu không chấp nhận được rủi ro cao thì nên ưu tiên vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt”, chuyên gia này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem