Khó có đình công đúng luật

Thứ năm, ngày 17/11/2011 07:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuy cho rằng việc sửa đổi Bộ luật Lao động là một yêu cầu cấp thiết nhưng tại buổi thảo luận chiều 16.11, nhiều đại biểu QH cho rằng dự thảo luật chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc nhất trong quan hệ lao động.
Bình luận 0

Cần thay đổi dự thảo

Tại tổ ĐB đến từ TP.Hồ Chí Minh, hầu hết các ý kiến phát biểu đều đề cập đến những vấn đề liên quan đến quyền đình công. ĐB Trần Thanh Hải cho rằng, với quy định về đình công trong dự thảo luật thì người lao động (NLĐ) khó có thể thực hiện được quyền của mình.

img
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường.

ĐB Hải cũng cho rằng, dự thảo luật vẫn quy định một cuộc đình công phải thông qua hòa giải, trọng tài rồi mới được đình công là khó thực hiện và đề nghị nên quy định công đoàn cơ sở có thể quyết định đình công ngay mà không qua các bước trên.

ĐB Hải cũng cho rằng, nếu quy định doanh nghiệp có thể đóng cửa tạm thời ngay sau khi cuộc đình công diễn ra vô hình trung sẽ triệt tiêu quyền đình công của NLĐ. “Tôi đề nghị thay đổi cơ bản chương này vì những điều cần thay đổi thì không thay đổi, vấn đề mới bổ sung lại làm NLĐ bức xúc hơn” – ĐB Hải nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo luật quy định, chủ tịch UBND tỉnh có quyền quyết định hoãn đình công vì lợi ích kinh tế quốc dân là “hành chính hóa quan hệ lao động”, nhà nước làm thay doanh nghiệp. “Đình công là quyền quan trọng của công nhân. Mà một chủ tịch UBND tỉnh làm sao quyết định được việc đình công hay không có ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế quốc dân” – ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.

Quan tâm đến phụ nữ

Về chế độ nghỉ thai sản với lao động nữ, ĐB Đỗ Ngọc Miễn (Bình Thuận) cho rằng, dự luật đề nghị nâng từ 4 tháng hiện nay lên 5 tháng và 6 tháng với các ngành nghề là một bước tiến. Tuy nhiên, ĐB đề nghị nên quy định thời gian nghỉ thai sản chung là 6 tháng vì Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trẻ phải được bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng và Quỹ Bảo hiểm xã hội dành cho thai sản có thể đủ khả năng chi trả.

Sáng 16.11, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thảo luận tại hội trường. ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đặt vấn đề, việc xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng sẽ do ai, lực lượng nào xử phạt. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, cần cân nhắc quy định về các điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, công viên, bệnh viện... vì những nơi này diện tích rất rộng khó đủ lực lượng kiểm soát.

“Trẻ em là tương lai của đất nước, sao chúng ta còn băn khoăn?” – ĐB Miễn nói. Một số đại biểu đề nghị, nên giữ lại quy định như trong dự thảo luật là lao động nữ vẫn có thể đi làm trước 6 tháng nếu người đó có nhu cầu.

Về việc nghỉ hưu của lao động nữ sớm hơn nam giới 5 năm, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng đã, đang và sẽ tạo ra thiệt thòi cho phụ nữ, nhất là các cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở, các phụ nữ làm trong ngành y hay nghiên cứu khoa học. ĐB Duyền cho rằng, nên quy định thời gian nghỉ hưu của phụ nữ nằm trong khoảng 55-60 tuổi.

Còn ĐB Huỳnh Thành Lập lại cho rằng: “Tôi không đồng tình với dự thảo luật quy định thời gian làm thêm có thể tăng từ 200 giờ lên đến 360 giờ/năm. Cách giải thích hiện nay là do nhiều lao động vẫn có nhu cầu làm thêm để tăng thêm thu nhập, không muốn nghỉ ngơi để tái sinh sức lao động. Cách giải thích đó là khó chấp nhận”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem