Khó đặt taxi công nghệ giờ cao điểm: Giá xăng làm chao đảo thị trường, các hãng xe nói điều bất ngờ

Khải Phạm Thứ năm, ngày 23/06/2022 10:12 AM (GMT+7)
Trong những khung giờ cao điểm trong ngày, người dùng khó hoặc thậm chí không đặt được taxi, dịch vụ giao đồ ăn của ứng dụng công nghệ như Grab hay Be. Nhận thấy khó khăn này, các hãng xe công nghệ cũng đang mọi cách để giúp người dùng có những trải nghiệm tốt hơn.
Bình luận 0

“Một vài tuần trở lại đây, để đặt được xe công nghệ trong thời gian cao điểm thực sự khó khăn. Phần lớn các hãng xe đều báo không có tài xế, có lúc tôi mất 10 - 15 phút để đặt xe thì lại bị tài xế hủy chuyến mà cũng không hiểu lý do vì sao”, chị Thu Thảo (Xuân Đỉnh - Hà Nội) nói với Dân Việt.

Đó là thực trạng chung của thị trường xe công nghệ tại Việt Nam sau đại dịch Covid-19 mà các hãng xe đã thừa nhận với Dân Việt. Điều đó khiến người dùng có những trải nghiệm không tốt và các hãng xe công nghệ đang có nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng trên.

Tài xế “nhan nhản”, nhưng khó đặt xe công nghệ vì sao?

Không chỉ phản ánh của người dùng mà phóng viên Dân Việt cũng là một trong những khách hàng sử dụng xe công nghệ từ khá lâu và thời gian gần đây cũng nhận thấy tình trạng khó đặt xe trong giờ cao điểm, đặc biệt là dịch vụ xe ô tô.

Khó đặt taxi công nghệ giờ cao điểm, hãng xe nói gì? - Ảnh 1.

Người dùng khó đặt xe công nghệ giờ cao điểm. Ảnh KP.

Theo đó, trong khung giờ cao điểm hàng ngày từ 7 - 9h sáng và 16h30 - 18h30 hàng ngày, để gọi một chuyến taxi công nghệ là điều rất khó khăn. Đáng chú ý, với những quãng đường ngắn 1 - 3km hoặc trong những khu phố đông đúc, việc đặt xe taxi công nghệ là điều hoàn toàn không khả thi.

Đối với dịch vụ giao đồ ăn, khung giờ cao điểm được ghi nhận vào lúc 10h30 - 13h và 18h30 - 19h30 hàng ngày.

Chia sẻ với Dân Việt, đại diện hãng xe Grab đã ghi nhận thực trạng trên và cho biết lý do: “Bước vào giai đoạn bình thường mới, nhu cầu di chuyển đang tăng trưởng ổn định và vượt mức gia tăng so với số lượng đối tác tài xế. Do đó, chúng tôi nhận thấy ở một số thời điểm nhất định tại một số khu vực nhất định, người dùng có thể gặp phải tình trạng khó đặt được dịch vụ Grab”.

Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao đột biến sau đại dịch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó đặt xe công nghệ. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra phổ biến ở những thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh.

“Hiện nay, nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân trong giai đoạn kinh tế phục hồi sau đại dịch đang tăng cao. Có những thời điểm nhất định trong ngày như các khung giờ cao điểm, khách sẽ gặp đôi chút khó khăn trong việc tìm được tài xế là điều không thể tránh khỏi”, đại diện BeGruop chia sẻ và mong khách hàng cảm thông.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng, việc người dùng khó đặt xe công nghệ còn đến từ việc tài xế ưu tiên việc chọn cuốc xe. Những cuốc xe có quãng đường ngắn, điểm đón xe hoặc điểm trả khó hay trả khách khó nhận được cuốc tiếp theo cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng hủy chuyển hoặc tài xế không nhận chuyến.

Chia sẻ về tình trạng khó đặt, chị Thu Thảo nói thêm: “Tôi đặt xe taxi công nghệ di chuyển giữa các điểm vui chơi trên phố cổ Hà Nội, nhưng quãng đường ngắn nên rất khó tìm tài xế dù không phải khung giờ cao điểm. Nhiều lúc phải bắt taxi ngoài để đi chứ chờ không biết đến bao giờ mới đặt được xe”.

Theo đại diện của Be Group, hiện nay hãng xe công nghệ này có hơn 300.000 tài xế hoạt động beCar và beBike. Đây là một lượng tài xế lớn đối với một hãng xe công nghệ mới ra mắt thị trường Việt Nam được gần 4 năm.

Trong khi đó, dù không công bố số lượng tài xế ở thời điểm hiện tại, nhưng Grab đang là hãng xe công nghệ có lượng tài xế “khủng” nhất ở Việt Nam. Grab được coi là “siêu ứng dụng” khi cung cấp nhiều hình thức vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ…

Bên cạnh Grab, Be… một số hãng xe công nghệ, ứng dụng giao đồ ăn khác ở Việt Nam cũng đang nổi lên như Vato, FastGo, Bemin, Gojek, Shopee Now, Logshi. Điều đó cho thấy, lượng tài xế trên các nền tảng đặt xe công nghệ ở Việt Nam lớn, nhưng do nhu cầu của người dân tăng cao khi bước vào giai đoạn bình thường mới khiến tình trạng đặt xe khó khăn trong khung giờ cao điểm.

Duy trì cầu, đảm bảo cung là nhiệm vụ tối thượng

Theo đại diện BeGroup, thời gian gần đây, khách hàng đặt xe khó ngoài nguyên nhân chủ quan còn đến từ những yếu tố khách hàng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dịch vụ vận tải

“Sức ép giá xăng tăng cũng khiến hoạt động của tài xế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, công ty không thể tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng”, vị đại diện này nói thêm.

Việc xăng tăng giá cao kỷ lục ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của tài xế so với trước đây. Cùng một chuyến xe, cùng quãng đường, song thu nhập mà tài xế nhận được sau khi khấu trừ các khoản phí đã giảm đi trông thấy.

Khó đặt taxi công nghệ giờ cao điểm, hãng xe nói gì? - Ảnh 3.

Thu nhập của tài xế bị ảnh hưởng do xăng tăng giá. Ảnh KP.

“Khi xăng tăng giá lên cao kỷ lục hơn 30.000 đồng/lít, mỗi cuốc xe sau khi trừ mọi chi phí, tôi nhận lại số cước xe thấp hơn 10-15% so với trước. Trừ mọi chi phí như chiết khấu hãng xe, xăng, hao mòn xe… tài xế chúng tôi đã mất gần 50% số tiền của mỗi cuốc xe, con số này liên tục tăng khi giá xăng tăng cao”, tài xế taxi công nghệ chia sẻ.

Để tránh việc gián đoạn chuỗi cung - cầu, đại diện Grab cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng số lượng đối tác tài xế, đồng thời đảm bảo sự cân bằng cung và cầu trên thị trường”.

Nhiệm vụ tối thượng của các hãng xe công nghệ hiện nay là phải giải quyết “bài toán” vừa đảm bảo trải nghiệm tốt của người dùng, từ đó đảm bảo nhu cầu không bị gián đoạn, vừa phải gia tăng lượng & giữ chân tài xế bằng việc duy trì thu nhập ổn định.

Và để cân bằng 2 yếu tố trên, tránh gián đoạn chuỗi cung cầu, hãng xe buộc phải tung ra những chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho cả tài xế cũng như khách hàng.

Về phần mình, hiện Grab đang triển khai một số chương trình thưởng hấp dẫn như chương trình thưởng ngọc tích lũy mỗi ngày, đối tác có thể chuyển đổi số ngọc nhận được thành tiền thưởng, gia tăng thêm thu nhập, chương trình thưởng ngay sau khi hoàn thành mỗi chuyến xe GrabFood hoặc GrabMart, chương trình thưởng đối với chuyến xe có điểm đón khách xa; chương trình thưởng khi hoàn thành chuyến xe GrabCar trong khung giờ cao điểm…

Về phía người dùng, Grab đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mại như ưu đãi 30-50% khi nhập mã ở các khung giờ cao điểm để người dùng sử dụng dịch vụ tiết kiệm hơn, từ đó có thể mang đến thêm nhiều chuyến xe cho đối tác.

Đối với ứng dụng đặt xe Be, từ ngày 16/6, để tiếp tục hỗ trợ bác tài yên tâm cung cấp dịch vụ cho khách hàng, Be đã hỗ trợ tiếp tục giữ mức giảm mức chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương & Đồng Nai (trước đó đã triển khai từ 17/3-16/6), đồng thời tiếp tục bổ sung nâng cao các chương trình thưởng hỗ trợ doanh thu cho tài xế Be nói chung.

Như vậy, có thể thấy tình trạng đặt xe công nghệ khó khăn vào những khung giờ cao điểm đang diễn ra ở nhiều hãng xe khi đất nước bước vào giai đoạn bình thường mới sau đại dịch. 

Mặc dù đây là điều hiện hữu, nhưng vẫn là bài toán nan giải với các hãng xe công nghệ và chưa thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Điều duy nhất mà những hãng xe này có thể làm để giữ chân khách hàng, đảm bảo thu nhập cho tài xế lúc này là triển khai các chương trình thưởng, ưu đãi để chuỗi cung cầu được đảm bảo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem