Khó giữ được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 ở mức 7,3%

Thùy Anh Thứ năm, ngày 16/02/2017 14:14 PM (GMT+7)
Một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 khó đạt được mức tăng bằng, hoặc cao hơn năm 2017 ở mức 7,3% vì tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang có những diễn biến phức tạp.
Bình luận 0

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - vừa cho biết, “mùa” tăng lương tối thiểu 2018 sẽ có nhiều yếu tố mới so với năm cũ bởi nhiều lý do. Đặc biệt, động thái trong việc thay đổi chính sách về kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ cũng được cho là sẽ tác động nhiều tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Điều này sẽ tác động tới kinh tế, ảnh hưởng tới việc ra quyết định về chính sách tăng lương tối thiểu vùng 2018.

Theo ông Huân, ai cũng mong muốn tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao hơn, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc nhiều vào tình hình sản xuất kinh tế trong nước nói chung. Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô tốt và tiếp tục kìm chế lạm phát. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng diễn ra theo nhận định của Nghị quyết Quốc hội. Có như vậy thì mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 mới có thể bằng hoặc cao hơn.

img

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội và chỉ số lạm phát sẽ tác động tới lớn tới tỉ lệ tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2018. (Ảnh: IT)

“Khảo sát bước đầu tại một số ngành cho thấy mức tăng lương năm 2017 ở mức 7,3% là có thể chấp nhận được. Các doanh nghiệp ngành da giày có thể chấp nhận được mức tăng là 10%, riêng các doanh nghiệp dệt may thì ý kiến mức tăng đang quá khả năng chịu đựng của họ, nhưng Chính phủ đã quyết thì họ vẫn phải thực hiện” - ông Huân nói.

Chính bởi vậy, ông Huân cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 nếu giữ được bằng với mức tăng năm 2017 cũng đã là một thành công.

Trước những thông tin phân tích cho rằng, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng mới đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có thuê mướn lao động tới nay, có thể nói mức tăng lương tối thiểu vùng đang ngày một giảm dần.

“Phải khẳng định rằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng về mặt tương đối tính theo % thì có giảm, nhưng số tiền theo giá trị tuyệt đối thì vẫn tăng. Sở dĩ những năm đầu khi có Nghị định tăng lương tối thiểu vùng (năm 2014) mức tăng lương tối thiểu vùng cao là bởi giai đoạn này mức lương tối thiểu vùng của chúng ta còn thấp, chưa tiệm cận được với mức sống tối thiểu. Giờ đây khi khoảng cách này đã được xích lại thì mức tăng cũng sẽ được điều chỉnh” - ông Huân nói.

Cũng theo ông Huân, kể cả khi mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động thì khi kinh tế - xã hội phát triển, mức sống của người dân tăng lên, chúng ta vẫn phải tiếp tục điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu.

Cũng theo tính toán của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, hiện nay lương tối thiểu vùng mới đáp ứng được 80% mức sống tối thiểu.

Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm 2 yếu tố: Một là không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất. Hai là cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem