Khó trừng phạt dầu thô của Nga

28/06/2022 07:37 GMT+7
Theo CNN, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đã cấm nhập khẩu dầu từ Nga nhằm cắt nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin. Dẫu vậy, kế hoạch gây áp lực lên quốc gia này với hy vọng thay đổi cục diện ở Ukraine đã không thành công.

Kể từ thời điểm tiến vào Ukraine vào cuối tháng 2, Nga tiếp tục gia tăng nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu năng lượng. Mặt khác, tình trạng lạm phát toàn cầu đang khiến hàng loạt chính trị gia như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đau đầu.

Giới lãnh đạo hàng đầu thế giới không còn nhiều sự lựa chọn nếu muốn trừng phạt dầu Nga. Tất cả giải pháp đều có mặt trái, thậm chí một số có thể đẩy giá lên cao hơn.

Khó trừng phạt dầu thô của Nga - Ảnh 1.

Giá dầu vẫn neo ở mức cao, 113 USD/thùng đối với dầu Brent và 107 USD/thùng đối với WTI. Ảnh: Trading Economics

Khó kìm chân Nga

Việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với những quốc gia đang nhập khẩu lượng lớn dầu thô của Nga, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tàn phá thị trường toàn cầu vốn đã căng thẳng nghiêm trọng. Trong khi đó, ý tưởng áp giá trần với dầu của Nga mà Bộ trưởng Tài chính Janet Tellen gợi ý gần đây cũng không phải giải pháp mà phương Tây tìm kiếm.

“Biện pháp này sẽ bóp méo thị trường vào thời điểm cần duy trì ổn định và có nhiều cách khác để giải quyết”, Robert Johnston, học giả nghiên cứu cấp cao trợ giảng tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu Columbia, cho biết.

Sau nhiều năm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng, châu Âu vẫn quyết định cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy trong tháng 5, xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu thu hẹp còn 3,3 triệu thùng/ngày, giảm 170.000 thùng/ngày so với tháng trước.

Tuy nhiên, việc Nga đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Á đã bù đắp phần nào những thiệt hại này. Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, đã tận dụng các đợt giảm giá và nhập 2 triệu thùng/ngày. Tương tự, lượng nhập khẩu của Ấn Độ cũng tăng đột biến lên gần 900.000 thùng/ngày trong tháng 5.

“Chúng tôi đang tích cực tham gia định hướng lại dòng chảy thương mại và mối quan hệ kinh tế đối ngoại hướng tới các đối tác quốc tế đáng tin cậy, chủ yếu là các nước BRICS”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu, đề cập đến khối các nền kinh tế đang phát triển (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Mỗi thùng dầu thô Ural được Nga bán rẻ hơn 35 USD so với mức chuẩn toàn cầu của dầu Brent, vốn đang được giao dịch quanh mốc 113 USD/thùng. Dù vậy, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng thêm 1,7 tỷ USD trong tháng trước lên 20 tỷ USD, cao hơn 33% so với mức trung bình năm 2021 (15 tỷ USD).

Với giới chức Mỹ, điều cần làm nhất hiện tại là nỗ lực gây thiệt hại với kinh tế Nga nhưng đồng thời giảm thiểu tác động lan tỏa với phần còn lại của thế giới.

Khó trừng phạt dầu thô của Nga - Ảnh 2.

Dầu thô từ Nga vẫn được xuất khẩu sang châu Á. Ảnh: AP

Con dao 2 lưỡi

Để gây khó khăn cho Trung Quốc, Ấn Độ cũng như các quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga, châu Âu dự định đánh vào khía cạnh bảo hiểm của tàu chở dầu thô từ Nga. Nếu Anh tham gia, đây có thể là đòn giáng mạnh tay nhắm vào hệ thống vận chuyển nhiên liệu toàn cầu.

Chính quyền của ông Biden lo ngại biện pháp sẽ đẩy giá cả tăng cao. Tuy nhiên, Mai Rosner - nhà vận động tại tổ chức phi lợi nhuận Global Witness - tin rằng phương Tây cần tiến xa hơn nữa nếu muốn loại bỏ dầu của Nga khỏi thị trường một cách nhanh chóng và tránh tình trạng lách luật.

Theo giới chuyên gia, động thái này có thể gây ra những xáo trộn khó lường, đặc biệt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo đang chịu áp lực giá cả nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Darwei Kung - Quản lý danh mục hàng hóa tại DWS - cho rằng nếu Trung Quốc và Ấn Độ phải tìm nguồn cung thay thế, giá dầu có thể dễ dàng lên tới 200 USD/thùng.

Thời gian qua, ông Biden liên tục nhấn mạnh chống lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm, là ưu tiên hàng đầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Trong khi đó, từ Vương quốc Anh, ông Johnson đang tích cực thảo luận với khu vực tư nhân nhằm tìm ra giải pháp khả thi.

Đặt giới hạn giá dầu thô của Nga là một trong những giải pháp được đưa ra. Điều đó giúp nguồn cung năng lượng từ Nga vẫn được duy trì. Tuy vậy, quốc gia này phải bán dầu với giá rẻ đến mức không phát sinh lợi nhuận.

Theo bà Yellen, mức giá trần sẽ kéo giá dầu của Nga xuống, giảm doanh thu của Điện Kremlin nhưng vẫn cho phép nguồn cung tiếp cận thị trường toàn cầu.

Một số quốc gia như Đức sẵn sàng xem xét giải pháp này. Song, chính sách này có thể hứng chịu sự phản đối của các nước hưởng lợi từ dầu của Nga như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Chính phủ phương Tây cũng có thể giảm bớt khó khăn bằng cách thúc đẩy nguồn cung hoặc để giá tăng cao đến mức nhu cầu buộc phải giảm xuống.

Một số quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu Mỏ (OPEC) có thể đẩy mạnh sản lượng, đặc biệt khi ông Biden có chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng tới. Tuy nhiên, room sản lượng của tổ chức đã được nới rộng hết cỡ.

Trong trường hợp kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu sử dụng năng lượng có thể giảm, từ đó hạ nhiệt giá thị trường. Nhưng điều này có thể gây nhiều thiệt hại đáng kể đến đời sống người dân như mất việc làm, nhất là với các gia đình thu nhập thấp.

Theo Zing
Cùng chuyên mục