Khoảng "trống" giữa phố

Bùi Việt Phương Thứ tư, ngày 24/09/2014 19:00 PM (GMT+7)
Ở quê, nhan nhản ao hồ, miệt mài đường đê, mênh mông cỏ nhưng nào phải đã có đất thừa.  Nơi đâu chẳng có dấu chân trâu bò, dấu vết trẻ trâu đào dế, bắt cua, thả diều… Nơi nào cũng là một phần đời sống của người dân quê, không sáng thì chiều, không sớm thì muộn, họ cần đến, dùng đến. Họ cần đến và luôn nhớ đến. Ấy vậy mà, ở thành phố, thật lạ, tôi lại thấy có nhiều khoảng thừa bị bỏ rơi – điều tưởng như vô lí giữa nơi đất chật, người đông.
Bình luận 0
Nói như thế, nhiều người nghe được hẳn sẽ phản đối kịch liệt về điều này. Nhưng thử ngẫm mà xem, ở giữa chốn căng dây dóng cọc chính xác đến từng lai từng li, phân lô, chồng tầng ấy lại vẫn có những khoảng trống dù không nhiều nhưng nhan nhản dường như ở đô thị nào cũng thấy. Chúng có thể là những dải phân cách tạp nham những thứ cây trồng, nhan nhản những lần đào sới của nhân viên cây xanh đô thị. Chúng có thể là bóng mát của những tán cây, những cảnh la miệt mài xòa bóng. Hay đơn giản như những chân cột đèn, những hàng rào trường học, công sở lâu năm cũ kĩ, nhem nhuốc…  

Ở đô thi, cho dù là nơi nhà cửa được quy hoạch với sân, vườn thoáng đãng, đường phố rộng rãi hay chen chúc thì đều giống nhau ở sự trưng diện. Phố phường là diện mạo của đời sống, là thứ sân khấu cuộc đời bất biến.

Nhiều người hay viết những bài báo, chụp các bức ảnh về ao làng, giếng làng, con đê làng cỏ mượt…đánh thức sự thao thiết trong lòng người ở phố nhưng kì thực, ngẫm ra, ở phố phải biết trân trọng những gì của phố chứ.

Quê cha, đất tổ thiêng liêng sâu thẳm trong tâm hồn nhưng cái vỉa hè, con đường trước mắt là cái hiện sinh, thường nhật cũng phải biết yêu, biết chăm, biết tự hào chứ không lẽ cứ mãi chối bỏ hiện thực ấy. Vậy nhưng, dẫu bao đời cư ngụ ở phố, cất tiếng khóc chào đời khi cắt rốn, chon nhau vang khắp dãy phố đến khi nhắm mắt xuôi tay trống kèn vang phố thì vẫn thấy chúng ta sống với phố phường tạm bợ quá, luộm thuộm với cảnh quan đã đành, còn “bạc”cả với hồn vía của mảnh đất từng ngày đang nâng niu ta.

Ở Nam Mỹ xa xôi, đã có dân tộc thông qua quy định về quyền được tôn trọng của tự nhiên. Nói gọn, ấy là thừa nhận sự sinh sôi của tự nhiên bởi chúng ta cũng có quyền lợi trong đó, tự nhiên cũng có công chăm chút chúng ta. Chẳng phải khi ngắm mái nhà nhiều nước phát triển của Âu, Mỹ thấy mái nhà của họ xanh rì một màu cây cỏ tự nhiên, bên cạnh những tiện nghi là tự nhiên, bao bọc những kiến trúc nhân tạo là nét vẽ tự nhiên của dây leo, cỏ, hoa lá theo cái lẽ hướng sáng, đón mưa của thực vật.

Ai trong chúng ta từng ám ảnh một mái ngói rêu phong, một bức tường hoa leo xuề xòa diễm lệ. Ấy vậy mà, khi đi qua những vòng bùng binh giữa ngã tư, ngã năm lại bẽ bàng bởi những chậu hoa chen chúc nhau thành một vẻ đẹp gượng gạo. Bảo đó là nghệ thuật ư? Sáng tạo ư? ở giữa chốn bê tông, cốt thép ấy đã thừa mứa những dấu vết tay người sắp đặt, vậy thì chỉ có sự xuề xòa của tự nhiên mới giúp lấy lại sự cân bằng.

Thử hỏi ta sẽ sống thế nào khi nhìn ra đâu cũng là tạo dựng, cũng “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” mà không phải là dáng cây ngô nghê, màu hoa dại vô tư nào đó.

Phố phường dường như đang thừa ra những thứ xanh nhân tạo đó và đang thiếu những thứ hoang dã cho tâm hồn bé thơ được thả hồn tưởng tượng. Thay vì cái dáng thế cây cảnh, cái bồn hoa xén tỉa mà chúng ta cứ ngỡ là nghệ thuật nhưng chỉ vài bữa các em đã đoán ra kết cấu ấy. Hẳn câu chuyện thừa và thiếu này khá lạ, thậm chí là “nghịch nhĩ” trong xu thế “nghệ thuật hóa”  những gì hoang dã. Nhưng có lẽ mọi giá trị sống sẽ cần đến thời gian sự phán xét công bằng nhất.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem