Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo: Mô hình hỗ trợ phải chống được rủi ro

Khương Lực (thực hiện) Thứ ba, ngày 01/12/2020 08:56 AM (GMT+7)
Trong công tác giảm nghèo, các bộ, ngành và địa phương quan tâm nhiều đến điều kiện sản xuất kinh doanh, chăm lo cho bà con những yếu tố đầu vào, nhưng điều quan trọng nhất là tạo cho họ niềm tin, họ làm mà không có niềm tin để chắc thắng là rất khó.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt về kết quả thực hiện các dự án, chương trình giảm nghèo, ông Lê Đức Thịnh (ảnh) - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, các dự án hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo phải đảm bảo an toàn, chống được các loại rủi ro từ dịch bệnh, thị trường… và đa dạng hóa sinh kế để họ đỡ bị tổn thương, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo (bài cuối): Mô hình hỗ trợ phải chống được rủi ro - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

"Chúng ta phải hỗ trợ cho hộ nghèo cách suy nghĩ để có được mục tiêu, khát khao vươn lên thoát nghèo, bởi chẳng có ai làm thay được họ cả. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho chương trình giảm nghèo hàng trăm nghìn tỷ hay bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không bao giờ đủ được, bởi đó chỉ là hỗ trợ từ bên ngoài".

Ông Lê Đức Thịnh

Ông Lê Đức Thịnh nhận định, trong công tác giảm nghèo, các bộ, ngành và địa phương quan tâm nhiều đến điều kiện sản xuất kinh doanh, chăm lo cho bà con những yếu tố đầu vào, nhưng điều quan trọng nhất là tạo cho họ niềm tin, họ làm mà không có niềm tin để chắc thắng là rất khó.

Tạo ra sợi dây gắn kết

Như ông vừa đề cập, để có thể giảm nghèo một cách bền vững, điều quan trọng nhất là cần khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của chính các hộ nghèo?

- Trước đây, chúng ta đề cập đến vấn đề nội lực, bao gồm nhiều yếu tố như: Cơ sở vật chất, vốn liếng của người dân…, nhưng bây giờ phải nói đến tri thức, hiểu biết và đặc biệt nhiều người nói đến câu chuyện khao khát vươn lên để thoát nghèo. Trong gia đình cũng thế, mình cũng phải xác định mục tiêu cho con cái để phấn đấu.

Tôi cứ nhớ mãi thầy dạy hồi nhỏ bảo cứ so sánh hai gia đình giàu và nghèo sẽ thấy động lực học của họ có mục đích khác nhau. Con cái trong gia đình nghèo họ chỉ có một ý chí phải lao vào học để thoát khỏi cái nghèo.

Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo (bài cuối): Mô hình hỗ trợ phải chống được rủi ro - Ảnh 3.

Xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) có nhiều mô hình nuôi nhốt trâu, bò cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: K.L

Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, một dự án giảm nghèo phải đồng bộ và có sự phân vai rõ ràng, có những thứ nhà nước hỗ trợ trực tiếp, nhưng quan trọng nhất là tạo khả năng kết nối cộng đồng người nghèo với những đối tác, thông qua đó giúp người nghèo tiếp cận được thị trường.

Nhưng những nhà khá giả, họ có nhiều lựa chọn hơn nên có thể họ không lao vào học như con cái hộ nghèo. Những trường hợp đó không phải không có ý chí vươn lên nhưng mục tiêu của họ không rõ ràng; còn với hộ nghèo thì mục đích là làm sao học để thoát khỏi cảnh suốt ngày ăn bo bo.

Để khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo, chúng ta phải làm thế nào?

- Phát triển nông thôn có hai chủ thể là cá nhân người dân và cộng đồng. Trong phát triển nông thôn và giảm nghèo, chúng ta hay nói đến đối tượng là người nghèo, nhưng bản thân người nghèo cũng không tách khỏi môi trường sống là cộng đồng.

Để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về giảm nghèo, các bộ, ngành và địa phương phải xác định cụ thể tới hộ nông dân, trang trại…, nhưng ở trong nông thôn chúng ta hay bỏ quên yếu tố cộng đồng gắn kết thông qua văn hóa, tín ngưỡng. Cùng với đó, còn có cộng đồng nghề nghiệp, những người chung sở thích và xác định cần phải chung lưng đấu cật, thì chúng ta phải tìm cách khuyến khích phát triển.

Như ở xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La), chính quyền đã vận động các hộ dân di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn, nuôi trâu, bò nhốt chuồng, bảo vệ môi trường. Việc chính quyền đưa ra chủ trương cấm dân thả rông trâu, bò là giải pháp đúng đắn, nhưng gắn với đó thì phải tổ chức, vận động người dân trồng cỏ, rồi phải bố trí điều kiện đất đai, khoa học kỹ thuật… cho người dân. Mình không làm hết mọi việc cho dân nhưng phải biết cộng động người ta hướng đến cái gì để khuyến khích, lúc đó người ta mới đi theo mình.

Bên cạnh đó, muốn người dân làm thì phải tạo ra sợi dây gắn kết giữa họ với nhau. Một người dân nuôi trâu, bò thì quy trình nuôi thế nào cũng được, nhưng nếu 10 hộ dân chăn nuôi muốn làm giống nhau thì phải có quy trình kỹ thuật và kiểm soát thực hành quy trình kỹ thuật đó.

Xác định cận môi trường để đồng hành

Trong các mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chúng ta đã tạo gắn kết giữa các hộ nghèo cũng như nhân rộng các gương thoát nghèo như thế nào?

- Gần đây, có một khái niệm là cận môi trường - được hiểu là những giá trị xung quanh một cá nhân để giúp cá nhân đó định hướng đi lên hoặc đi theo. Chẳng hạn, 5 người xung quanh anh là một dạng cận môi trường, 5 người đó đều là những người có ý chí vươn lên trên anh thì chủ thể đó sẽ là định hướng nên gắn kết lại. Còn 5 người đó kém hơn chủ thể thì mình khuyên chủ thể đó nên tránh xa.

Nông dân cũng thế, khi khơi dậy tinh thần vươn lên của người nghèo thì đừng lấy gương của những người nghèo mà phải lấy gương của người thoát nghèo để giới thiệu cho họ.

Chúng ta cũng không thể lấy gương của những người có, rồi bảo người nghèo học theo, vì họ không nằm trong cận môi trường. Chỉ khi nào người nghèo nhìn thấy người có cùng điều kiện mà thoát nghèo được, lúc đó họ mới khâm phục và tiến lên.

Đối với người nghèo, chúng ta phải xác định cận môi trường của họ là gì để đồng hành với họ. Đồng thời, phải hiểu hệ thống sản xuất, sinh kế của người nghèo, tư duy của người nghèo. Người nghèo không phải là kém, cái chính là mình chưa phát huy được sở trường của họ. Chẳng hạn người dân miền núi có thế mạnh về khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, kể cả trồng rừng thì mình phải khuyến khích để họ phát triển.

Hay như khu vực miền núi phía Bắc, diện tích đất trồng trọt hạn chế, nhưng tiềm năng lớn của họ là tri thức, văn hóa bản địa - những thứ có thể giúp cho họ chuyển hóa thành tiền. Trong dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nếu chúng ta đi theo hướng canh tác bản địa, kết hợp với du lịch văn hóa và nông nghiệp thì sinh kế của người nghèo sẽ khác hẳn.

Với các hộ nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nguy cơ gặp các rủi ro là rất cao. Vậy, chúng ta cần lưu ý điều gì khi thực hiện hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp cho các hộ nghèo?

- Về bản chất, hộ nghèo vẫn là hộ gia đình, muốn họ phát triển được thì trước hết phải đảm bảo an toàn. Đã nghèo rồi mà hỗ trợ sản xuất có tính rủi ro, nếu bị thất bại thì rất khó gượng dậy được. Người giàu mất tiền triệu thì chẳng vấn đề gì, nhưng người nghèo mất tiền triệu có thể mấy năm không khắc phục lại được.

Vì thế, các dự án hỗ trợ cho người nghèo phải hết sức thận trọng, không được tạo ra rủi ro cho sản xuất và cuộc sống của người nghèo. Thứ hai, mô hình đó phải gắn với đa dạng hóa sinh kế hay đa dạng các hoạt động kinh tế cho hộ nghèo. Bởi, hộ nghèo sản xuất không chỉ là lợi nhuận mà còn là công ăn, việc làm và thu nhập an toàn, ổn định cho cả gia đình.

Vừa rồi, trong Thông tư số 18/2017, Bộ NNPTNT có hướng dẫn xây dựng các dự án hỗ trợ sản xuất cho người nghèo. Việc làm theo dự án rất tốt, nhưng có những địa phương, có nơi các mô hình giảm nghèo không mở rộng ra được. Bởi, khi xây dựng dự án họ không dựa trên tư duy của người nghèo hoặc điều kiện trực tiếp của người nghèo mà lại tư duy theo dự án phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem