Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)?

Thanh Giang - Quang Dân Thứ tư, ngày 25/11/2020 14:06 PM (GMT+7)
Quản lý khối tài sản mạnh, được tiếp cận vốn rẻ và công trình thi công chủ yếu có vốn ngân sách, nhưng quản lý công nợ yếu có thể đẩy CC1 vào vùng nguy hiểm khi không còn bệ đỡ Bộ Xây dựng.
Bình luận 0

Được nhiều lợi thế nhưng biên lãi gộp đã tuột về mức 2,9%  

Báo cáo lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (UpCOM: CC1) trình bày tại kỳ họp thường niên năm 2020 tổ chức hồi tháng 6/2020 cho biết, 7 công trình tiêu biểu trúng thầu/khởi công mới năm 2019 trị giá 4.430 tỷ đồng chủ yếu đến từ khu vực công hoặc có liên quan đến vốn của Nhà nước.

Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, 2/3 công trình công ty đang tiếp thị tham gia đấu thầu có giá trị thầu 1.700 tỷ đồng cũng đến từ khu vực công.

Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)? - Ảnh 2.

 Ngoài ra, 9 công trình đang triển khai thực hiện theo tiến độ hợp đồng và yêu cầu của chủ đầu tư có trị giá hợp đồng 6.133 tỷ đồng cũng đa phần dự án có vốn Nhà nước.

Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)? - Ảnh 3.

Công trình CC1 đang triển khai thực hiện theo tiến độ hợp đồng và yêu cầu của chủ đầu tư

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong Quý III/2020 tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực nhà nước tăng 21,5%.

Giới phân tích đánh giá các doanh nghiệp xây dựng phục vụ khu vực công chắc chắn được hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ.

Thuyết minh báo cáo tài chính của CC1 cho thấy, các khoản vay ngắn hạn của CC1 chỉ chịu lãi suất ở mức 6 đến 8,12%/năm; các khoản vay dài hạn chịu lãi suất 8,1% đến 11,9%/năm; nợ thuê tài chính dài hạn chịu lãi suất 8,1 – 8,31%/năm. Đây được xem là mức lãi suất "dễ chịu" đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng của CC1 cho thấy chính sách đẩy mạnh đầu tư công dường như không có tác động đến công ty chuyên thi công công trình có vốn ngân sách như CC1. Và một phần kết quả kinh doanh của CC1 bao gồm công ty mẹ lẫn hợp nhất chịu tác động mạnh của dịch Covid -19.

9 tháng đầu năm 2020, công ty mẹ có kết quả kinh doanh nhỉnh hơn cùng kỳ năm trước nhờ khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư và lãi thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong khi đó, hợp nhất các công ty CC1 bị lỗ đến 98 tỷ đồng chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp, chi phí lãi vay tăng mạnh (nhìn trên báo cáo kết quả kinh doanh) hay chi phí tài chính tăng mạnh do phát sinh khoản chi phí liên quan kinh doanh chứng khoán và lãi phạt trả chậm (nhìn trên thuyết minh báo cáo tài chính).

Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)? - Ảnh 4.

Trích báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của CC1

Trung bình 9 tháng đầu năm 2020, biên lãi gộp của CC1 hợp nhất đã thu hẹp về mức 2,9% so với mức 7,4% cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp của CC1 đã tuột dốc kể từ năm 2012 tuy nhiên vẫn ở mức cao của ngành xây dựng, vì vậy, điều gì đã khiến cho biên lợi nhuận gộp của CC1 bất ngờ sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020?

Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)? - Ảnh 5.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các năm của CC1

"Bán hàng trả chậm" và "Khoản phải thu" đang làm đội chi phí?

Thuyết minh phần chi phí tài chính trong kỳ không được trình bày đầy đủ và có bất thường về số liệu chi phí lãi tiền vay. Tuy nhiên, nó cho thấy, CC1 đang phát sinh thêm chi phí lãi bán hàng trả chậm hơn 16 tỷ đồng, chi phí liên quan kinh doanh chứng khoán hơn 28 tỷ đồng và chi phí tài chính khác 15 tỷ đồng.  

Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)? - Ảnh 6.

Nguồn: Trích báo cáo tài chính quý 3/2020 hợp nhất của CC1

 Điểm đáng lưu ý tiếp theo trên báo cáo tài chính của CC1 là khoản phải thu từ khách hàng tồn tại nhiều năm như: hơn 509 tỷ đồng của khách hàng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các Công trình thuộc Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh (từ năm 2017); gần 108 tỷ đồng của Ban Quản lý dự án 268 (từ năm 2017); 207 tỷ đồng của CTCP Xây dựng và Quản lý Dự án số 1 (từ năm 2018).

Một phần bức tranh về khoản phải thu tồn tại nhiều năm trên báo cáo tài chính phản ánh việc nghiệm thu thanh toán để thu hồi vốn còn chậm mà bên trong là năng lực thu hồi công nợ của CC1 và năng lực quản trị công trình. Bởi quản trị công trình yếu, công trình không thể quyết toán khi đã hoàn thành, hai bên không thể thống nhất các khoản mục đã thực hiện cũng như hồ sơ giấy tờ quyết toán không phù hợp…. có thể dẫn đến việc khách hàng "nợ" thanh toán cho CC1, đặc biệt đây là các dự án công.

Không thể quyết toán, khó có thể thu hồi công nợ, để nợ tồn tại lâu là một rủi ro có thể làm đội chi phí hoạt động của CC1. Đặc biệt, trong quá khứ, năm 2012 và 2013 CC1 đã phải trích lập gần 200 tỷ đồng dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi. Ngoài ra, phần vốn lớn của CC1 đang bị chiếm dụng buộc CC1 phải phát sinh thêm/tổn thất về chi phí tài chính.

Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)? - Ảnh 7.

Số liệu báo cáo tài chính các năm của CC1

 Không còn "bệ đỡ" Bộ Xây dựng

Theo văn kiện Đại hội thường niên tháng 6/2020, CC1 phải rút chân khỏi các dự án khủng như dự án Nhà máy điện gió Hàm Kiệm Khu nhà ở thương mại phía Đông sông Lệ Kỳ, Khu dân cư sinh thái Phước Cơ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). CC1 còn đang đầu tư dự án Khu dân cư Hạnh Phúc; Cao ốc Sailing Tower, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn Tp. Hải Phòng – Thái Bình…

Danh mục đầu tư vào công ty con và liên kết có 2 cổ máy "sinh tiền" khá tốt gồm: dự án Thuỷ điện Đắkrtih của CTCP Thuỷ điện Đắkrtih (CC1 nắm giữ 40,07% vốn) và BOT Cầu Đồng Nai của CTCP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (CC1 nắm giữ 61,68% vốn). Tuy nhiên, trong năm 2019, lợi nhuận của Thuỷ điện Đắkrtih và Cầu Đồng Nai bất ngờ sụt giảm mạnh. Nếu lợi nhuận của Thuỷ điện Đắkrtih và Cầu Đồng Nai tiếp tục giảm trong thời gian tới, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu của CC1.

Không còn “bệ đỡ” Bộ Xây dựng, CC1 sẽ ra sao (p2)? - Ảnh 8.

Nguồn: Báo cáo thường niên CC1. Riêng số liệu 2018 của Thuỷ điện Đắkrtih được tính dựa trên số năm 2019 so sánh với 2018 trong báo cáo trình bày ĐHĐCĐ

Đối với xây lắp, hoạt động mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho CC1, khi không còn cổ đông lớn Bộ Xây dựng, giới phân tích cho rằng CC1 sẽ chịu cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp xây dựng khác trong mảng thầu xây dựng các dự án có vốn ngân sách. Đặc biệt, nếu không cải thiện năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp, CC1 có thể bị đẩy vào vùng nguy hiểm do nghiệm thu thanh toán để thu hồi vốn chậm và giá vốn xây dựng bị đẩy lên cao như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem