“Không còn sự “chèn ép” giữa nhà phân phối với nông dân, doanh số bán lẻ sẽ tăng hơn nữa”

Thanh Phong Thứ năm, ngày 01/07/2021 06:31 AM (GMT+7)
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đánh giá, nếu chuỗi liên kết giữa siêu thị và đơn vị sản xuất thêm chặt chẽ, không còn sự chèn ép giữa nhà phân phối với nhà sản xuất, nông dân doanh số bán lẻ sẽ tiếp tục tăng thời gian tới.
Bình luận 0

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%). 

Về vấn đề này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Vũ Vinh Phú về sự tăng trưởng nói trên.

Ông Vũ Vinh Phú: “Không còn sự “chèn ép”, doanh số bán lẻ sẽ tăng hơn nữa” - Ảnh 1.

Ông Vũ Vinh Phú, Chuyên gia kinh tế (Ảnh: Dân Việt)

Xin ông cho biết đánh giá của ông về ý nghĩa sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021?

Ý nghĩa việc tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cần phải kể đến những yếu tố đằng sau con số. Nếu so với cùng kỳ các năm trước, mức tăng trưởng này không bằng. Lúc trước chỉ số tăng trưởng luôn ở mức 2 con số, từ 15% tới 20%. Năm nay, tuy không tăng trưởng bằng nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.

Thứ nhất, trong thời kỳ đại dịch, sức mua yếu, bị giãn cách xã hội, chi tiêu tiết kiệm mà doanh số được như vậy là rất đáng lưu tâm. Thứ hai, về vai trò của hệ thống phân phối, thời gian qua, các liên kết, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa, đặc sản rất phát triển.

Thứ ba, sự đổi mới trong tư duy của các nhà bán lẻ Việt Nam, xu thế tất yếu phải bán hàng đa kênh. Hiện tại, các đơn đặt hàng online tăng trưởng tới 20% đến 30% so với thời kỳ tạm thời lắng dịch lần thứ 3.

Theo tôi, trong đại dịch sẽ có rất nhiều thử thách nhưng cũng có cơ hội. Ví dụ như vải thiều của Bắc Giang khi phân phối qua sàn thương mại điện tử voso.vn, chỉ sau 3 tiếng đặt hàng, người tiêu dùng đã nhận được quả vải tươi ngon. Qua đó, Bắc Giang tiêu thụ hơn 100.000 tấn vải, xuất khẩu 43%. Cùng với đó, hiện tại, các tỉnh cũng đã tạo luồng xanh, cho hàng hóa nông sản thông suốt, tránh tình trạng "ngăn sông, cấm chợ" trong mùa dịch Covid-19.

Tất cả các lý do trên trả lời cho câu hỏi: "Vì sao doanh số bán lẻ có thể cao như vậy?" và đằng sau đó là sự sáng tạo, đổi mới và liên kết của những người phân phối và sản xuất.

Bên cạnh những thành tựu nói trên, ông đánh giá hoạt động phân phối hàng hóa, bán lẻ có còn tồn tại những vấn đề gì?

Bên cạnh những yếu tố tích cực, tôi cũng muốn nhắc tới những "hạt sạn" trong chuỗi phân phối hàng hóa. Cụ thể, một số siêu thị chưa hăng hái tham gia vào công tác xúc tiến thương mại. Tư duy "ngồi máy lạnh" và chờ hàng hóa được đem đến rồi chiết khấu cao.

Cần phải nhìn nhận thực tế, hàng hóa Việt Nam hiện tại đã có chất lượng cao hơn, nguồn cung khá dồi dào, nếu không được tổ chức đầu ra tốt có thể dẫn tới ứ đọng, dư thừa. Khi đó, người sản xuất sẽ thiệt thòi do thua lỗ, không đủ bù đắp chi phí sản xuất chăn nuôi, đặc biệt, đối với hàng nông sản thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại thực trạng, 10 quả xoài sạch chỉ 1 quả vào được siêu thị, số còn lại trôi nổi ngoài chợ với các loại thông thường. Như vậy, giá trị gia tăng, công sức, tiền bạc của người nông dân đầu tư vào sẽ thiếu hiệu quả.

Theo tôi, nếu chấn chỉnh được tình trạng trên, không còn sự "chèn ép" của một số đơn vị phân phối với nhà sản xuất, người nông dân, doanh số bán lẻ sẽ còn tăng hơn nữa. Muốn tiếp tục phát triển, chúng ta cần phải nhìn nhận cả mặt được và chưa được của chuỗi liên kết.

Như ông nhắc đến ở trên, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên quan đến hoạt động chuyển đổi số, thương mại điện tử. Xin ông phân tích kỹ hơn về nội dung này?

Về loại hình bán hàng online cần phải phân biệt ra có 2 hình thức là thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) và trên các sàn giao dịch điện tử (Lazada, Tiki,…). Hiện nay, đây là 2 hình thức bán hàng rất phổ biến, qua đó, một ngày ở Việt Nam có hàng chục triệu đơn hàng được giao dịch trong và ngoài nước.

Trong đó, các trang mạng xã hội, chủ yếu tự phát, còn sàn thương mại điện tử sẽ hoạt động bài bản hơn. Cụ thể, sàn thương mại điện tử sẽ thực hiện từ các khâu logistics, kho hàng, chuẩn mẫu hàng hóa,…

Tuy nhiên hoạt động này trên thực tế còn rất nhiều sơ hở, trước hết là các văn bản pháp quy kể trên không theo kịp sự phát triển nhanh, phức tạp như các hình thức bán hàng thương mại điện tử hiện nay.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, đối với các sàn giao dịch Thương mại điện tử thì các trang web bán hàng đều phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương và chỉ hoạt động sau khi được cấp phép.

Tuy nhiên trong thực tế, có hàng chục ngàn trang web bán hàng đang quảng cáo và bán hàng một cách công khai trên thị trường, thậm chí doanh thu rất cao mà ít bị các cơ quản xử lý.

Cũng theo quy định, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bán ra đều phải được đăng kí và kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên trong thực tế, các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được những quy định đã nêu ở trên.

Đặc biệt việc mua bán trên mạng hiện nay đa phần đều chưa có hóa đơn chứng từ và sổ sách kế toán hợp pháp. Trong thực tế cũng có sổ sách, nhưng đó là sổ sách nội bộ của họ.

Tình hình trên cho ta thấy chắc chắn những rủi ro khi mua hàng sẽ đẩy về người tiêu dùng xã hội – rủi ro lớn nhất là một số trang web bán hàng hoặc các hình thức bán hàng trên các nền tảng trực tuyến như Youtube, Facebook, Zalo,... lợi dụng lòng tin của khách để bán hàng rởm, hàng giả, hàng không đúng như quảng cáo.

Khi đã xẩy ra, người tiêu dùng ít có điều kiện để khiếu kiện và giải quyết mặc dù chúng ta có đầy đủ các cơ quan đang hiện diện như Cục quản lý cạnh tranh – Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội bảo vệ Người tiêu dùng, Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ,v.v. Chúng ta rất ít thấy những vụ việc khiếu kiện vi phạm trong việc bán hàng qua mạng bị xử lý một cách nghiêm khắc và mang tính chất răn đe thật sự.

Ông Vũ Vinh Phú: “Không còn sự “chèn ép”, doanh số bán lẻ sẽ tăng hơn nữa” - Ảnh 2.

Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử. (Ảnh: Hà Nội mới))

Ngoài ra, có những hành động vi phạm Luật bảo vệ Người tiêu dùng như các công ty Lazada, Shopee khi giao hàng cho khách, người mua lại không được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Hành động này được công khai công bố mà không bị "thổi còi".

Đáng chú ý, bất kể tổ chức nào cũng có thể bán hàng một cách thoải mái qua các nền tảng trực tuyến như đã nói ở trên mà không phải xin phép một tổ chức cơ quan nào. Các quy định này chưa có trong các nghị định và thông tư hiện hành của Ngành Công thương Việt Nam.

Về vấn đề thất thu Thuế, chính vì những quy định quản lý ở trên còn những thiếu sót cho nên việc lợi dụng bán hàng trốn thuế là một logic mà nguồn thu ngân sách bị thất thu không phải là nhỏ.

Như vậy, ông đánh giá, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để thay đổi tình trạng nêu trên?

Theo tôi, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương phải tham mưu cho Chính phủ. Trong đó, các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT,… là những cơ quan chủ chốt cần vào cuộc để sớm ra các văn bản pháp quy nhằm mục tiêu "bảo vệ quyền lợi cả người bán lẫn người mua".

Qua đó, tạo ra thị trường thương mại điện tử một cách lành mạnh, đúng hướng. Như vậy mới thấy rõ được hiệu quả của việc kinh doanh qua mạng điện tử. Không thể cứ nói suông là "bán hàng qua mạng tốt lắm" mà không nhìn vào các mặt trái rất lớn như vậy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem