Không mua được bảo hiểm: Chủ tàu 67 nợ tiền tỷ, ngân hàng dọa kiện

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 28/11/2019 08:30 AM (GMT+7)
Thời gian qua, một số tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 ở tỉnh Bình Định phải nằm bờ, khiến chủ tàu không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, bị chuyển sang nợ xấu. Câu chuyện này khiến cả ngân hàng và chủ tàu cùng “khóc”, bởi ngân hàng không đòi nợ được, còn ngư dân bị đưa vào diện nợ xấu chịu lãi suất cao hơn và nguy cơ đối diện với tòa án.
Bình luận 0

Nhiều tháng nay, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 (ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) Lê Văn Thãi như ngồi trên đống lửa bởi nỗi lo trả nợ cho ngân hàng. Con tàu vỏ thép của ông đóng mới theo Nghị định 67 trị giá gần 19 tỉ đồng, trong đó phần lớn là vay ngân hàng. Sau sự cố làm ăn gian dối của của các đơn vị đóng tàu, con tàu này cũng phải sửa chữa lại.

img

Ngư dân Lê Văn Thãi đang 'đau đầu'... vì phải chật vật vươn khơi trả nợ.

Tàu hành nghề lưới vây nhưng do thiết kế không phù hợp nên liên tục thua lỗ. Vừa qua, ông Thãi cải hoán tàu, chuyển đổi sang nghề mành chụp để tiếp tục vươn khơi, kiếm tiền trả nợ ngân hàng và nuôi sống gia đình.  

Tuy nhiên, tàu lại phải nằm bờ vì không mua được bảo hiểm, ngân hàng không cho tàu ra khơi. Vậy là khoản nợ gần 18 tỷ đồng đến nay dậm chân tại chỗ. 3 năm qua, số tiền trả ngân hàng ngày càng trì trệ khiến khoản vay của ông bị đưa vào diện nợ xấu và đối diện với chuyện bị ngân hàng khởi kiện ra tòa để đòi nợ.

“Con tàu này vươn khơi được, có lãi được mới trả được, còn không có thì chịu. Cả năm nay, gia đình tôi thâm hụt hết 400 -500 triệu đồng, giờ phải lo cho con tàu vươn khơi để gỡ lại mà gỡ chưa xong thì lấy đâu trả lãi. Ngân hàng có buộc như thế nào thì tôi cũng chịu, khi nào có tiền thì các khoản nợ xấu, quá hạn hay nợ gốc sẽ được giải quyết dần dần, chứ không hề gian đối”, ông Thãi nói.

Trong khi đó, các ngư dân Ngô Lê Hát, Đinh Công Khánh, Thái Văn Duyệt, chủ các tàu vỏ thép ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cũng rơi vào cảnh tàu nằm bờ và đối diện với nỗi lo tàu không ra khơi, không có tiền trả nợ ngân hàng, bị đưa vào diện nợ xấu và nguy cơ đối diện với Tòa án khi ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Theo Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài (tỉnh Bình Định) đơn vị này, cho vay đóng mới 36 tàu vỏ thép, trong đó hiện nay có 33 tàu đang hoạt động, 3 tàu bị chìm. Tuy nhiên, đến nay cả 33 tàu đều đã bị nợ quá hạn và tổng nợ quá hạn gốc và lãi hiện nay là gần 170 tỉ đồng.

img

Nhiều tàu vỏ thép nằm bờ khiến ngư dân Bình Định lo lắng bởi nợ nần.

Ông Lê Đức Hải, Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài cho biết, đơn vị đang rà soát thủ tục để chuẩn bị khởi kiện các ngư dân nợ nần.

“Chúng tôi sẽ phân loại ra từng nhóm đối tượng khách hàng. Đối với khách hàng vì nguyên nhân khách quan và người ta có thái độ hợp tác tích cực thì chúng tôi xem xét để tiếp tục hỗ trợ các ngư dân này có cơ hội trả nợ ngân hàng. Còn đối với những trường hợp cố tình không trả nợ, không hợp tác với ngân hàng thì áp dụng rất nhiều biện pháp, trong đó có việc khởi kiện ra tòa”, ông Hải cho hay.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ký hợp đồng tín dụng với 62 khách hàng đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67, trong đó có 48 tàu chủ tàu vỏ thép. Dư nợ cho vay hiện tại gần 870 tỉ đồng, trong đó có 46 chủ tàu vỏ thép dính phải nợ quá hạn với số tiền hơn 200 tỉ đồng.

img

Ngư dân Nguyễn Công Quý, chủ tàu hậu cần BĐ 99888 liên tục thua lỗ nên đành nằm bờ để cải hoán tàu.

Theo các ngân hàng, hiện có ngư dân khó khăn làm ăn thua lỗ nhưng cũng có nhiều trường hợp ngư dân cố tình chây ì, không chịu trả nợ với suy nghĩ nhà nước xóa nợ, giãn nợ đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền, nợ xấu ngày một gia tăng. Trong danh sách nợ quá hạn có nhiều ngư dân nợ quá hạn gần chục tỉ đồng, có người đã bỏ trốn khỏi địa phương. Do làm ăn thua lỗ, một số ngư dân không có khả năng trả nợ có ý định đòi trả lại tàu vỏ thép cho ngân hàng.

Theo đánh giá của ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đối với hoạt động tàu đóng mới Nghị định 67 tại địa phương, có trên 50% tàu hoạt động hiệu quả, 30% trung bình và 20% thua lỗ.

“Việc ngân hàng khởi hiện đó là quyền của họ, vấn đề tài chính là việc giữa ngân hàng với chủ tàu, chúng tôi rất khó tham gia. Quan điểm của chúng tôi là vẫn hỗ trợ ngư dân. Khi những tàu này không hiệu quả thì chúng tôi làm cầu nối mời ngân hàng, ngư dân với chính quyền địa phương để họ có trao đổi. Nếu như các chủ tàu không trả nợ thì đó là trách nhiệm dân sự giữa ngân hàng với chủ tàu”, ông Hổ cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem