Không thể chỉ cứu Vietnam Airlines

PV Thứ hai, ngày 27/07/2020 16:52 PM (GMT+7)
Không ít chuyên gia lo ngại nếu chỉ hỗ trợ hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) thì các hãng hàng không khác, khách hàng và xã hội sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Bình luận 0

Tại tọa đàm do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức mới đây, các chuyên gia chỉ rõ, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề do Covid – 19, kinh nghiệm thế giới đều hỗ trợ lớn đối với ngành hàng không, đặc biệt là hãng hàng không quốc gia.

Nhưng không ít chuyên gia lo ngại nếu chỉ hỗ trợ hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) thì các hãng hàng không khác, khách hàng và xã hội sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Hỗ trợ riêng VNA không dễ

Hiện, VNA dự kiến lỗ ròng khoảng 13.000 tỷ đồng trong năm nay, thiếu hụt thanh khoản khoảng 16.000 tỷ đồng và đề xuất Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, "nhu cầu về nguồn tiền của VNA rất cấp thiết", nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nhìn nhận.

Ông Bằng cho rằng có thể giải quyết nguồn tiền cho VNA bằng các biện pháp như vay ngân hàng tái cấp vốn hay vay ngân hàng thương mại; ngoài tái cấp vốn thì có thể kết hợp cùng với nguồn của Nhà nước để tăng nguồn tài chính cho VNA; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. 

Tuy nhiên, đối với phát hành cổ phiếu, VNA là công ty đại chúng, nếu chào bán ra công chúng thì phải đáp ứng điều kiện không lỗ lũy kế. Do vậy, có thể tính đến cách khác là phát hành cổ phiếu riêng lẻ thẳng cho SCIC theo sự ủy quyền của Nhà nước.

Không thể chỉ cứu Vietnam Airlines - Ảnh 1.

VNA dự kiến lỗ ròng khoảng 13.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Ngoài ra, có thể phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi cho SCIC. Trái phiếu này có kỳ hạn 4 năm, mở linh hoạt, nếu VNA làm tốt thì Nhà nước có thể chuyển trước hạn. Nếu ở thời điểm chuyển đổi mà giá cổ phiếu thấp và khoản đầu tư của Nhà nước có thể bị lỗ thì sẽ chuyển thành khoản vay với lãi suất thấp. Hướng đi này sẽ gỡ được các vấn đề về mặt pháp lý.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) Đinh Việt Tùng xác nhận, dù SCIC nhìn thấy cơ hội đầu tư vào VNA song vẫn còn một số vấn đề. VNA cũng chưa đưa ra được bức tranh tổng thể lâu dài, SCIC không thể dự báo được tương lai của khoản đầu tư này ra sao nên rõ ràng rất khó để đầu tư.

Do đó, ông Tùng cho rằng, phải có cơ chế đặc thù miễn trừ với SCIC khi đầu tư vào VNA. Thêm nữa, kinh doanh vận tải hàng không - lĩnh vực hoạt động của VNA không thuộc ngành nghề Nhà nước phải đầu tư vốn, vì thế VNA phải xây dựng phương án tổng thể để khi Nhà nước bỏ tiền ra sẽ biết diễn biến thế nào, bảo đảm các kịch bản phải công khai, minh bạch, rõ ràng.

Nhưng, vấn đề là chưa ai dám khẳng định sau khi cứu, VNA sẽ có lãi. Còn nếu lỗ thì VNA sẽ lập tức đứng hàng đầu trong 12 đại dự án thua lỗ, kéo theo nhiều lãnh đạo đã và đang vướng vòng lao lý.

Cứu một hại nhiều

Trong bối cảnh các hãng hàng không trong nước đều chịu thiệt hại nặng do Covid – 19 gây ra, các chính sách hỗ trợ hiện còn "nhỏ giọt, quá ít, quá ngắn, quá chậm" như nhận xét của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung.

Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại nếu tập trung nguồn lực để cứu VNA sẽ khiến các hãng khác đã yếu sẽ càng trở nên mong manh, không thể cạnh tranh với VNA. Thậm chí, không thể loai trừ tình huống nếu VNA được cứu, được hỗ trợ 12.000 tỷ đồng mà các hãng khác không được Chính phủ hỗ trợ vốn như VNA thì chỉ cần VNA tung chiêu cạnh tranh giảm giá, lại thêm chính sách bảo hộ cấp slot, thì các hãng hàng không tư nhân sẽ khó gấp đôi khi vừa chống chọi covid, vừa đối diện cơ chế phân biệt đối xử. Khi đó, thị trường hãng không sẽ rơi vào tay VNA độc quyền như hơn 10 năm trước. Khách hàng và cả ngành hàng không sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Cho rằng đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chỉ khi các hãng hàng không trong nước cạnh tranh bình đẳng với nhau để vươn lên thì năng lực của toàn bộ ngành hàng không quốc gia mới được tăng cường, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng nếu chỉ tập trung cứu một hãng hàng không sẽ hủy hoại môi trường kinh doanh mà Chính phủ đã gắng công xây đắp trong nhiều năm qua. 

Khi không có sự cạnh tranh bình đẳng thì người dân không thể hưởng lợi. Ở góc độ đóng góp cho ngân sách quốc gia, riêng Vietjet năm 2019 đã nộp thuế, phí trực và gián tiếp khoảng 9.000 tỷ đồng. Khi cạnh tranh bị triệt tiêu sẽ làm giảm doanh thu của những hãng tư nhân, ngân sách cũng giảm thu theo.

Mặt khác, mục tiêu của các hãng hàng không ở Việt Nam là cạnh tranh với các hãng bay hùng mạnh trên thế giới chứ không phải chỉ ở "ao làng" trong nước. "Một hãng bay không thể làm nên ngành hàng không. Nếu chỉ cứu một hãng bay, chúng ta sẽ trở lại ngay với sự độc quyền, nền hàng không sẽ lụn bại và người dân, ngân sách không được lợi gì cả", ông Dũng nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, Luật Doanh nghiệp quy định rõ phải bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

 Tuy nhiên trên thực tế, không ít cơ quan quản lý nhà nước vẫn coi doanh nghiệp nhà nước là "con đẻ" nên đã dành cho những ưu ái dưới nhiều cách thức.

Không thể chỉ cứu Vietnam Airlines - Ảnh 3.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu nhằm làm lợi cho người tiêu dùng, cạnh tranh, thị trường và toàn xã hội chứ không phải cho doanh nghiệp cụ thể nào

Ông Đức nhấn mạnh, trong bối cảnh chịu tác động do Covid-19, việc hỗ trợ doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu nhằm làm lợi cho người tiêu dùng, cạnh tranh, thị trường và toàn xã hội chứ không phải cho doanh nghiệp cụ thể nào. Kể cả nhà nước hỗ trợ VNA với vai chủ sở hữu vào giai đoạn này thì vẫn khoét sâu sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. 

"Các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau, cùng tạo ra lợi ích cho xã hội, công ăn việc làm và nộp thuế cho Nhà nước thì lý gì chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp của Nhà nước?", ông Đức đặt vấn đề.

Như vậy, mặc dù một số chuyên gia đã nêu sự cần thiết phải cứu VNA nhưng cũng không ít chuyên gia đặt vấn đề phải cứu VNA đúng cách, đúng luật và phải công bằng với các hãng hàng không. Hơn nữa, sau khi được hỗ trợ, hãng hàng không có khả năng đóng góp cho xã hội, cho nền kinh tế ra sao? 

"Nếu không trả lời thỏa đáng, đối xử không công bằng, nhất là trong thời điểm khó khăn này thì "hậu quả không chỉ bằng tiền mà là quyết định sự thành bại của ngành hàng không, xa hơn là nền kinh tế. Nhà đầu tư và doanh nghiệp cần đặt lòng tin vào Nhà nước, vào pháp luật và vào môi trường đầu tư, kinh doanh", luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem