Không thể “trợ thở” vô điều kiện

Huyền Anh Thứ ba, ngày 14/04/2020 08:37 AM (GMT+7)
Giãn nợ, giảm lãi được coi như 'máy trợ thở' cứu doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng, ngân hàng sẽ “trợ thở” vô điều kiện cho khách hàng.
Bình luận 0

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng, trong đó NHCSXH 40.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó NHCSXH 1.400 tỷ đồng); và đã miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Đồng thời, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm. Gói tín dụng hỗ trợ lên tới gần 300.000 tỷ của các ngân hàng đang được đánh giá cao về tính cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế nhiều chủ doanh nghiệp cho biết rất khó tiếp cận dòng vốn hỗ trợ này.

"Máy thở" cứu doanh nghiệp, nhưng lại chưa có "ôxy"

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội dẫn chứng, việc giãn nợ, cấp tín dụng hay các chính sách hỗ trợ khác hiện giờ như những chiếc "máy thở" cứu doanh nghiệp, nhưng lại chưa có "ôxy".

Ngay với trường hợp SHF, việc tiếp cận tín dụng không hề dễ dàng. Ông Dũng chia sẻ, doanh nghiệp của ông nhận được thông tin trả lời về việc giãn nợ từ chi nhánh ngân hàng rằng: "Nếu giãn nợ sẽ bị giảm mức xếp hạng tín dụng và đưa vào danh sách nợ xấu. Như vậy thì có khác gì trước khi có dịch Covid-19", ông Dũng nhìn nhận.

Không thể “trợ thở” vô điều kiện - Ảnh 1.

Giãn nợ, giảm lãi - 'máy trợ thở' cứu doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19

Hay như trường hợp của Tổng Công ty May 10 cũng là ví dụ điển hình. Theo phản ánh của doanh nghiệp tại cuộc gặp gỡ vừa qua với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, người đứng đầu của doanh nghiệp ông Thân Đức Việt thừa nhận, ngân hàng đồng ý giãn nợ cho doanh nghiệp theem 6 tháng nhưng đổi lại lãi suất mà doanh nghiệp phải gánh cũng tăng theo. "Như lãi suất USD mà chúng tôi vay ưu đãi hiện nay khoảng 2,4%/năm đến 2,6%/năm, nếu như giãn thời gian trả nợ thì phải chuyển sang mức lãi suất thị trường khoảng 3,5%/năm. Như thế bằng đánh đố doanh nghiệp", ông Thân Đức Việt nói.

Giãn nợ không dễ dàng nhưng tiếp cận gói ưu đãi lãi suất lại càng khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp. Bởi hiện ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì tình huống dịch bệnh. Ngân hàng vẫn đòi tài sản thế chấp nếu doanh nghiệp muốn vay vốn để duy trì hoạt động.    

Một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội thừa nhận, doanh nghiệp rất cần vốn để duy trì hoạt động và bật lên sau dịch nhưng lại "đau đầu" vì vấn đề tài sản đảm bảo và chứng minh khả năng trả nợ. "Giờ muốn tiếp cận dòng vốn hỗ trợ cần phải có thêm tài sản thế chấp hoặc chứng minh được dòng tiền. Chúng tôi là doanh nghiệp lữ hành, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nguồn thu của doanh nghiệp bằng 0 ở thời điểm hiện tại, trong khi đó doanh nghiệp phải đi thuê mặt bằng nên không có tài sản đảm bảo giá trị lớn, nếu có cũng đã thế chấp vay vốn trước đó. Vì thế, không dễ đáp ứng yêu cầu từ phía ngân hàng để được vay ưu đãi", vị đại diện doanh nghiệp này than thở.

Một số DN thì cho biết, ngân hàng yêu cầu họ phải chứng minh là khó khăn do Covid-19, nhưng chứng minh như thế nào, lấy tiêu chí nào để được là đối tượng hưởng ưu đãi, tất cả vẫn chưa rõ ràng. "Tính từ ngày 23/1, thời điểm Việt Nam bắt đầu ghi nhận có ca nhiễm Covid-19, đến nay đã gần ba tháng trôi qua. Doanh nghiệp vẫn đợi chờ. Đến lúc có cơ chế, chờ tiếp cửa duyệt hồ sơ, cửa xem xét và thẩm định của ngân hàng, khi xong thì có lẽ nhiều doanh nghiệp cũng đã "chết" rồi", đại diện doanh nghiệp đồ gia dụng trên địa bàn Hà Nội nhìn nhận.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho biết, hầu như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.

Nguyên nhân là Ngân hàng Nhà nước dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại. Trong khi bản thân các nhà băng cũng hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với cổ đông. "Vì vậy, các ngân hàng hạn chế hỗ trợ doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh do sợ ảnh hưởng lợi nhuận và kết quả kinh doanh", báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.

Ngân hàng không thể "trợ thở" vô điều kiện?

Nhìn từ góc độ của các tổ chức tài chính, sụt giảm doanh thu và có khả năng phục hồi là những tiêu chí hàng đầu để ngân hàng xem xét cấp tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đơn cử như tại Vietcombank, nhà băng này xem xét cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ bao gồm: các khoản nợ có nguồn trả nợ đến từ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 (du lịch, dịch vụ vận tải, nhà hàng, khách sạn…); doanh thu/thu nhập của khách hàng sụt giảm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo lịch trả nợ đã thoả thuận; phương án phục hồi khả thi cho thấy khách hàng đủ khả năng trả nợ sau khi thực hiện cơ cấu… và một số tiêu chí khác theo hướng dẫn nội bộ của Vietcombank.

Không thể “trợ thở” vô điều kiện - Ảnh 3.

Ngân hàng không thể "trợ thở" vô điều kiện?

Tương tự, sự sụt giảm về doanh thu là 1 trong những căn cứ quan trọng để Techcombank xem xét giảm lãi cho doanh nghiệp. "Kể cả những doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng họ dự báo trong tương lai doanh thu của họ sụt giảm mạnh thì chúng tôi hoàn toàn có thể cùng họ phân tích, xem mức độ ảnh hưởng như thế nào", ông Vishal shah - Giám đốc khối khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng Techcombank chia sẻ.

Lãnh đạo một ngân hàng khác thừa nhận: "Với những doanh nghiệp mà dù giãn nợ, cơ cấu nợ vẫn ngừng hoạt động thì rõ ràng, bơm thêm tiền cũng không thể giải quyết. Hiện nay, chúng tôi ưu tiên vào những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng vẫn có phương án phục hồi như: Cơ cấu lại kinh doanh, tìm thị trường mới, sản phẩm mới…"

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể nhận được nguồn vốn ưu đãi từ phía ngân hàng. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, hoặc các hộ kinh doanh, do còn hạn chế về báo cáo tài chính, thì việc đánh giá hỗ trợ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Bởi nguồn vốn ưu đãi này hoàn toàn là vốn của chính các ngân hàng, không phải nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.   

Theo ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt: "Một số khách hàng nhỏ kinh doanh, họ đâu có ghi nhân doanh thu vào đâu nữa, thì chứng minh sao đc, chúng tôi cần xác minh bằng văn bản của địa phương là ngừng hoạt động kinh doanh. Một số nhóm khác thì dựa vào thẩm định của cán bộ tín dụng thì đánh giá".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các ngân hàng dù cung cấp gói tín dụng hỗ trợ cũng phải đánh giá và thẩm định khả năng thu hồi nợ. "Ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp vay vô điều kiện bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ", ông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem