Kích hoạt các cơ sở giết mổ đủ điều kiện để cứu giá lợn hơi, giá gia cầm không chạm đáy

Anh Thơ (thực hiện) Thứ năm, ngày 29/07/2021 06:30 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), để đảm bảo nguồn cung ứng thịt heo, thịt gia cầm từ trang trại đến người tiêu dùng không bị đứt gãy, các địa phương cần lập thêm trạm trung chuyển và cho mở lại các cơ sở giết mổ đủ điều kiện phòng chống dịch để giá lợn hơi, giá gia cầm hồi phục.
Bình luận 0

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi phản ánh việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi, phân bón, con giống gặp nhiều khó khăn tại các chốt kiểm soát Covid-19 do chưa đăng ký được thẻ đi vào luồng xanh. Bộ NNPTNT đã có kiến nghị tháo gỡ vướng mắc này như thế nào, thưa ông?

- Bộ NNPTNT vừa có văn bản số 4714 đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng các cấp song song với việc kiểm soát phòng chống dịch, cần điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như: giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi; vật tư thiết bị phục vụ duy trì sản xuất; sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là sản phẩm tươi sống như con giống, thịt, trứng, sữa, thủy - hải sản, rau, củ, quả,...

Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương cần hướng dẫn kịp thời, cấp giấy phép cho xe vận chuyển theo "luồng xanh" nhanh nhất từ khi làm xong thủ tục đăng ký. 

Tại chốt kiểm soát dịch bệnh, cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe “luồng xanh”, tránh ách tắc giao thông. Bởi, nếu đi chung với các loại phương tiện khác sẽ mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm tươi sống.

Kích hoạt các cơ sở giết mổ đủ điều kiện để cứu giá lợn hơi, giá gia cầm không chạm đáy - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), để đảm bảo nguồn cung ứng thịt heo, thịt gia cầm từ trang trại đến người tiêu dùng không bị đứt gãy, các địa phương cần lập thêm trạm trung chuyển và cho mở lại các cơ sở giết mổ đủ điều kiện phòng chống dịch. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có 2 văn bản số 4481, 4482 quy định 4 nhóm hàng hóa thiết yếu và đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu”.

Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ngày hôm qua 28/7, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các ngành chức năng không đưa ra danh mục hàng hóa thiết yếu nữa mà chỉ đưa ra danh mục hàng hóa cấm lưu thông.

Như vậy, trừ hàng hóa cấm lưu thông còn lại về cơ bản tất cả hàng hóa cho vận chuyển hết, bởi ngoài ăn uống, tiêu dùng còn có nguyên liệu cho sản xuất.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông, không chốt chặn kiểm tra, vì lái xe có lộ trình điểm đầu - điểm cuối, tất nhiên, vẫn kiểm tra lái xe với đầy đủ các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; các địa phương cũng ưu tiên cấp luồng xanh cho xe vận chuyển.

Tới đây, sẽ có văn bản hướng dẫn để các địa phương hiểu rõ, bởi nhiều địa phương ban hành vẫn thiếu nhiều hàng hóa thiết yếu vì theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 của Luật Giá thì hàng hóa thiết yếu là hàng hóa phục vụ sản xuất, đời sống, an ninh quốc phòng, do các địa phương ban hành thiếu nên gây khó khăn cho quá trình vận chuyển.

Tôi tin, với chỉ đạo mới của Chính phủ, chắc chắn những khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu sẽ được tháo gỡ.

Kích hoạt các cơ sở giết mổ đủ điều kiện để cứu giá lợn hơi, giá gia cầm không chạm đáy - Ảnh 2.

Xe chở hàng hóa nối đuôi nhau chờ qua chốt kiểm soát tại cửa ngõ Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đã có nhiều doanh nghiệp không thể vận chuyển được thức ăn, con giống. Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT có giải pháp gì tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thưa ông?

- Đúng là mấy ngày gần đây có tình trạng các doanh nghiệp khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ví dụ, trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều xe vận chuyển thức ăn chăn nuôi ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ không thể đi lấy hàng ở Bắc Ninh vì không qua được chốt. Trong khi đó, việc đăng ký luồng xanh lại chậm. 

Nhưng trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chiều hôm qua, Bộ NNPTNT đã đề nghị các sở ngành tạo điều kiện thuận lợi cấp luồng xanh cho xe chở vật tư nông sản, cây, con giống, vì hàng hóa tươi sống không thể xếp hàng chờ đợi được.

Một vấn đề nữa là tỉnh có thể mở chốt, tạo luồng xanh nhưng dưới huyện, xã lại quy định khác, điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, trại chăn nuôi vì trại chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, các địa phương cần có trạm trung chuyển phục vụ cho việc này, để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn. Bởi đã có trường hợp, thức ăn chăn nuôi không đáp ứng kịp khiến đàn gà, lợn của trang trại bị ảnh hưởng.

Hiện nay, có một thực tế ở các tỉnh phía Nam là trong khi giá lợn hơi, giá gia cầm tại trại đang giảm mạnh thì người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao và khan hiếm. Theo ông, cần hóa giải nghịch lý này như thế nào?

- Trong văn bản 4714, Bộ NNPTNT đã đề nghị các địa phương thực hiện giãn cách xã hội cần xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo lưu thông tốt hàng hóa.

Bởi thực tế, tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội có tình trạng người bán không bán được, giá lợn hơi, giá gia cầm giảm sâu, người cần không mua được, nên đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các chợ truyền thống, chợ dân sinh, nơi cung cấp đến 70% nhu yếu phẩm cho người dân TP.Hồ Chí Minh thì bị tạm đóng cửa, nếu không có các điểm trung chuyển thì rất khó đáp ứng được chuỗi cung ứng.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi, giá gia cầm giảm sâu là do một số nhà máy giết mổ đã xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong khi nhiều lò mổ buộc phải đóng cửa. Theo ông, có nên cho phép các cơ sở giết mổ đủ điều kiện hoạt động trở lại?

Nguồn cung ứng thực phẩm cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam ngoài một số chuỗi cung ứng lớn như Vissan, Masan, San Hà thì cũng phụ thuộc rất nhiều vào các cơ sở giết mổ. Tuy nhiên, hiện, nhiều cơ sở buộc phải đóng cửa.

Vì vậy, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Y tế có quy định các cơ sở đó sau bao nhiêu ngày thì được mở lại khi đã đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch.

Việc kích hoạt các cơ sở giết mổ đủ điều kiện hoạt động trở lại rất quan trọng để đảm bảo chuỗi cung ứng, việc tiêu thụ heo, gia cầm của người dân cũng thuận lợi hơn, giúp người dân bớt thua lỗ, có động lực khôi phục sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Theo khảo sát, giá lợn hơi hôm nay 29/7 trên cả nước ở mức thấp. Tại khu vực phía Bắc, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg, trung bình ở mức 54.000-56.000 đồng/kg.

Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay giảm mạnh 4.000 đồng/kg, chỉ còn 54.000-56.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam cũng giảm khoảng 1.000-4.000 đồng/kg, bán ra ở mức từ 52.000-54.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thịt lợn bán ra tại chợ vẫn ở mức 120.000-150.000 đồng/kg, cá biệt có nơi bán thịt nạc vai, sườn non bỏ cục với mức giá 160.000-170.000 đồng/kg.

Giá gà lông trắng tại Đồng Nai chỉ còn khoảng 10.000 - 11.000 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem