Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp

Q. Nguyễn Thứ tư, ngày 28/12/2022 16:31 PM (GMT+7)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý ngành kiểm sát cần tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của Viện kiểm sát nói riêng.
Bình luận 0

Ngày 28/12, tại Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Năm 2022, Ngành kiểm sát nhân dân có những đóng góp quan trọng đối với thành tựu chung của đất nước, đặc biệt là vai trò tham mưu với Đảng, Quốc hội xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật... 

Đáng chú ý, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm tiếp tục được chú trọng, chủ động và thực hiện tốt hơn. Toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố; nâng cao chất lượng và kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thận trọng, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, khoan hồng với những người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ như các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương có liên quan, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Công ty Tân Hoàng Minh, Công ty Vạn Thịnh Phát...; nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả thiệt hại.

Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động theo quy định của pháp luật...

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Ngành kiểm sát cần tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục, Chủ tịch nước nhấn mạnh các nhiệm vụ ngành kiểm sát cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Đó là khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 27 của Trung ương (khóa XIII) về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới"; trong đó liên quan đến ngành kiểm sát nhân dân là "Hoàn thiện thể chế để viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

Đề cập sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Chủ tịch nước đề nghị ngành kiểm sát chủ động thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò của Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để khởi tố, điều tra hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, hành vi tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định. 

Chủ tịch nước lưu ý ngành kiểm sát tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước trong nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá, xét đơn xin ân giảm án tử hình…

Khẳng định con người là yếu tố quyết định, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", Chủ tịch nước nêu rõ hai vấn đề ngành kiểm sát cần quan tâm thực hiện.

Thứ nhất là tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.

Thứ hai là hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của Viện kiểm sát nói riêng. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, chú trọng bảo đảm an toàn thông tin.

Theo báo cáo, năm 2022, nhiều loại tội phạm phát sinh với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động tinh vi, có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, phạm tội trên không gian mạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực... Ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 86.756 vụ án hình sự, tăng 2,4% so với năm 2021. Toàn ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết gần 145 nghìn nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 111.808 vụ, 173.161 bị can, ban hành 89.012 yêu cầu điều tra; thực hiện quyền công tố, kiểm tra xét xử 101.095 vụ, 191.255 bị cáo. Công tác điều tra tội phạm có nhiều tiến bộ, nhiều đơn vị trong ngành có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem