Kiểm soát tín dụng bất động sản, nguồn cung căn hộ TP.HCM bất ngờ tăng

Hồng Trâm Thứ sáu, ngày 10/06/2022 15:28 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt, nguồn cung căn hộ TP.HCM bất ngờ tăng mạnh, chủ yếu đến từ các dự án đã được cấp room bảo lãnh của ngân hàng.
Bình luận 0

Nguồn cung căn hộ bật tăng

Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM nhiều biến động với việc nguồn vốn tín dụng bị kiểm soát chặt. Nhiều doanh nghiệp "gặp khó" vì bài toán vốn đầu tư do các kênh huy động bị thắt chặt.

Đáng chú ý, tháng 5, thị trường bất ngờ đón nhận nguồn cung lớn đến từ phân khúc căn hộ, trong bối cảnh nguồn cung phân khúc này đang trong tình trạng khan hiếm, "nhỏ giọt".

Cụ thể, DKRA Việt Nam cho biết trong tháng 5 qua, thị trường TP.HCM ghi nhận 6.310 căn mở bán từ 2 dự án (1 dự án mới và 1 dự án ở giai đoạn tiếp theo), gấp 5 lần so với tháng 4 và gấp 16,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức tiêu thụ này với tỉ lệ tiêu thụ đạt 94% với 5.928 sản phẩm đã được bán. Con số này tăng gấp 4 lần tháng trước và gấp 51,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Kiểm soát tín dụng bất động sản, nguồn cung căn hộ TP.HCM bất ngờ tăng - Ảnh 1.

Nguồn cung lẫn sức cầu phân khúc căn hộ tại TP.HCM tăng mạnh. Ảnh: H.T

Chuyên gia của DKRA cho hay, nguồn cung lẫn sức cầu phân khúc căn hộ tăng mạnh so với tháng trước và cùng kỳ. Trong đó, nguồn cung lớn này đến từ giai đoạn tiếp theo của dự án đại đô thị tại quận 9 cũ (TP.Thủ Đức).

Theo đó, mức giá căn hộ dao động từ 58 – 75 triệu đồng/m2. Giá bán thứ cấp duy trì xu hướng đi ngang với mức thanh khoản sụt giảm đáng kể, phần lớn đến từ việc các hồ sơ vay mua nhà không được ngân hàng phê duyệt giải ngân trong tháng.

Dù đón nhận nguồn cung lớn nhưng nhìn chung thị trường TP.HCM khá trầm lắng do các động thái thắt chặt tín dụng bất động sản của các ngân hàng. 

Chuyên gia của DKRA nhận định, trước áp lực của động thái siết tín dụng, khách hàng đang có xu hướng lựa chọn các dự án đảm bảo nguồn vốn, để thực hiện đúng tiến độ xây dựng.

Theo đó, các dự án mở bán trong tháng 5 vừa qua đều đã được cấp room bảo lãnh của ngân hàng từ trước, áp dụng linh hoạt chính sách ân hạn gốc, lãi vay lên đến 48 tháng nhằm kích cầu người mua.

Kiểm soát tín dụng bất động sản, nguồn cung căn hộ TP.HCM bất ngờ tăng - Ảnh 3.

Dự án được cấp room bảo lãnh của ngân hàng hút khách. Ảnh: H.T

Anh Trần Đình Hiếu (Giám đốc một sàn kinh doanh bất động sản tại TP.HCM) cho hay trong tháng qua, nhiều khách hàng gọi đến tìm hiểu thông tin dự án. Trong đó, khách ưu tiên các dự án đã được cấp room bảo lãnh của ngân hàng vì lo siết tín dụng có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện xây dựng dự án.

Doanh nghiệp gặp khó

Một số doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cho biết bất ngờ bị dừng giải ngân vì ngân hàng hết room cho vay, trong khi nhiều người mua nhà khó tiếp cận vốn tín dụng. 

Ông Nguyễn Minh Nhật -  Tổng Giám đốc Vạn Xuân Group, cho biết doanh nghiệp có khoản vay 2.000 tỷ đồng đã được duyệt giải ngân, nhưng đến khi dự án tiến hành xây dựng bị nhà băng dừng cho vay với lý do đã hết room tín dụng. Sự từ chối bất ngờ này khiến doanh nghiệp bị hụt dòng vốn trong quá trình phát triển dự án. Thực tế, doanh nghiệp địa ốc tiếp cận vốn ở các ngân hàng thương mại rất khó khăn.

Ông Nhật giải thích, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp bất động sản phải gồng mình vượt qua dịch bệnh. Việc tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài cũng gặp trở ngại khi phía đối tác đánh giá hành lang pháp lý chưa ổn do thủ tục dự án kéo dài. 

"Hiện có 4 kênh huy động vốn là từ khách hàng, trái phiếu cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong nước, ngoài nước) và tín dụng từ ngân hàng nhưng đến nay các nguồn này đều vướng. Thông tin ngân hàng siết tín dụng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, khiến nguồn vốn huy động từ người mua cũng bị ách tắc. Nguồn vốn đóng vai trò huyết mạch với hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy rất mong dòng vốn tín dụng sớm được khơi thông từ nay đến cuối năm", ông Nhật nói.

Kiểm soát tín dụng bất động sản, nguồn cung căn hộ TP.HCM bất ngờ tăng - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang rơi vào tình trạng khát vốn do không thể tiếp cận tiền vay ngân hàng. Ảnh: H.T

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), xác nhận nhiều doanh nghiệp địa ốc đang rơi vào tình trạng khát vốn do không thể tiếp cận tiền vay ngân hàng. Hai tháng qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản, việc vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất khó khăn. Nhiều ngân hàng trả hồ sơ vay vốn với lý do hết quota tín dụng, số khác thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản.

Chủ tịch HoREA phân tích, doanh nghiệp địa ốc phát triển dự án dựa trên các nguồn vốn sau: vốn sở hữu, vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI. Trong đó, vốn chủ sở hữu theo quy định tại luật Đất đai rất thấp, chỉ chiếm từ 15-20%. Còn 80-85% phải huy động từ các kênh khác.

Vì thế, ông Châu cho rằng ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản khỏe mạnh, những khách hàng có tín nhiệm của ngân hàng thương mại, những doanh nghiệp có dự án khả thi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Người dân cũng cần tiếp cận được nguồn vốn để mua nhà, xây nhà.

"Tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình oxy của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở. Người mua nhà cũng vô cùng khó khăn", ông Châu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem