Kiểm toán “vạch” loạt vi phạm, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội “luẩn quẩn”

Huyền Anh Thứ tư, ngày 16/12/2020 07:30 AM (GMT+7)
Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) vừa bị Kiểm toán Nhà nước “vạch” hàng loạt vi phạm, chưa xử lý xong khoản nợ xấu của CTCP xây dựng Hancorp 2, CTCP Đầu tư và Phát triển xây dựng và CTCP Cơ khí và Xây dựng, đã tiếp tục phải trích lập dự phòng cho các khoản thu khác liên quan tới các doanh nghiệp này.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp).

 Tổng công ty xây dựng Hà Nội vẫn "loay hoay" với nợ xấu

Một điểm đáng lưu ý trong bức tranh tài chính của Tổng công ty xây dựng Hà Nội được Kiểm toán Nhà nước đề cập đó là, nợ phải thu của Tổng công ty này tính đến hết năm 2019 khoảng 2.700 tỷ đồng. Trong đó nợ khó đòi hơn 320 tỷ đồng.

Đáng nói, một số khoản nợ phải thu phát đã sinh nhiều năm nhưng chưa thu hồi ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Kiểm toán “vạch” loạt sai phạm, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội “luẩn quẩn”  - Ảnh 1.

Kiểm toán Nhà nước "vạch" ra nhiều sai phạm tại Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp).

Trên thực tế, tình trạng này vẫn vẫn kéo dài trong năm 2020. Tại báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2020 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cho thấy, tổng giá trị các khoản nợ xấu (gồm các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi) là 196,2 tỷ đồng. Khoản nợ này tập trung chủ yếu ở ba doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Xây dựng Hancorp 2, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng.

Giá trị có thể thu hồi của các khoản nợ xấu phát sinh với các doanh nghiệp trên ở mức 48,7 tỷ đồng. Con số này cải thiện so với 46,7 tỷ đồng ghi nhận vào đầu năm. Tuy nhiên, giá trị thu hồi tại 3 công ty liên doanh, liên hết kể trên vẫn "bất động" so với đầu năm.

Kiểm toán “vạch” loạt sai phạm, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội “luẩn quẩn”  - Ảnh 2.

Tổng công ty xây dựng Hà Nội "loay hoay" với khoản nợ xấu tại 3 công ty liên doanh, liên kết

Ngoài ra, ở khoản mục phải thu khác, gồm: tiền cổ tức, phí bảo lãnh, lãi vay, tiền ứng trước thi công công trình, doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng số tiền lần lượt là 14,8 tỷ đồng, 16 tỷ đồng và 54,1 tỷ đồng với ba khoản phải thu có giá trị lần lượt là: 29,7 tỷ đồng của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng; 40,8 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng; 70,9 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng Hancorp 2. Cùng kỳ năm 2019, Tổng công ty xây dựng Hà Nội chưa thực hiện trích lập dự phòng với các khoản phải thu này dù giá trị khoản phải thu tương đương.

Không chỉ luẩn quẩn trong vòng nợ xấu cùng 3 công ty liên doanh, liên kết, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội còn gặp thách thức trong việc thanh toán nợ đến hạn.

Tính đến cuối quý III/2020, tổng nợ phải trả của Hancorp đã lên tới xấp xỉ 4.518 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 72,5% tính trên tổng nguồn vốn. Riêng giá trị vay nợ và thuê tài chính tăng gần 27,5% so với thời điểm đầu năm, do doanh nghiệp tăng giá trị vay nợ dài hạn trong kỳ (từ 9,2 tỷ lên 207 tỷ đồng).

Với số vốn điều lệ tại ngày 30/9/2020 là 1.410 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hancorp là 3,2 lần.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã từng đánh giá, cơ cấu vốn và nợ phải trả của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) tiềm ẩn rủi ro về tài chính trong trường hợp chủ đầu tư không kịp thời thanh toán hoặc dự án bị chậm tiến độ.

Lợi nhuận "đi lùi" của Tổng công ty xây dựng Hà Nội

Cùng với các vấn đề còn tồn tại, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty xây dựng Hà Nội không mấy sáng sủa trong nhưng năm trở lại đây.

Cụ thể, sau khi tăng từ mức 141 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2016 lên 212 tỷ đồng (năm 2017), lợi nhuận của tổng công ty này đi lùi và mất mốc 100 tỷ vào năm 2019. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội chỉ còn 60 tỷ và lãi sau thuế 37 tỷ đồng.

Kiểm toán “vạch” loạt vi phạm, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội “luẩn quẩn”  - Ảnh 3.

Báo cáo hợp nhất Tổng côn ty Xây dựng Hà Nội

Đáng chú ý, tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2019 vừa công bố, Kiểm toán Nhà nước cho biết trong quá trình hoạt động kinh doanh, tổng công ty Xây dựng Hà Nội đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao. 

Tuy nhiên, vẫn có tới 3/6 thành viên của Tổng công ty xây dựng Hà Nội thua lỗ năm 2019 (gồm Công ty Tây Hồ, Công ty Hancorp 1, Công ty TB&VLXD Hancorp). Một số khoản đầu tư tài chính kém hiệu quả. Hoạt động hợp tác kinh doanh đầu tư một số dự án thông qua các công ty con, liên kết còn có vướng mắc, phải chấm dứt hoặc dừng hoạt động đầu tư gây tồn đọng vốn.

Trong 3/6 đơn vị thành viên thua lỗ, Công ty Tây Hồ được xác định không bảo toàn được vốn, Công ty TB&VLXD Hancorp chưa thu hồi được vốn đầu tư Dự án Nhà máy Gạch bê tổng khí chưng áp (đã chấm dứt đầu tư mà chưa có phương án xử lý dứt điểm).

Đến hết quý III/2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng công ty xây dựng Hà Nội ghi nhận 11,6 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ chi phí thuế thu nhập lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội "bốc hơi" trên 9% so với cùng kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem