Kiên Giang quy hoạch phát triển bền vững không gian, kinh tế biển

Hồng Cẩm Thứ bảy, ngày 03/12/2022 19:32 PM (GMT+7)
Sáng 3/12, tại Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học phát triển bền vững không gian biển gắn với kinh tế biển vùng Tây Nam Bộ.
Bình luận 0

Kiên Giang là tỉnh ven biển, với hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ và bờ biển dài hơn 200km, với định hướng phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, phát triển đô thị biển mang đặc trưng của tỉnh, mở rộng phát triển không gian đô thị về biển đối với TP.Rạch Giá, Hà Tiên… Hiện Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, nằm trong vùng biển Tây Nam Bộ, cực Nam của Tổ quốc.

Kiên Giang quy hoạch phát triển bền vững không gian, kinh tế biển - Ảnh 1.

Kiên Giang chú trọng phát triển bền vững không gian biển, kinh tế biển. Ảnh: CTV

Trong quá trình phát triển, Phú Quốc được Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020".

Việc quy hoạch không gian biển sẽ tạo động lực cho địa phương thiết lập phương án sử dụng không gian biển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng..

Tỉnh Kiên Giang đang chú trọng đến vấn đề lấn biển để phát triển đô thị và các khu chức năng chuyên dụng tại TP.Rạch Giá và TP.Hà Tiên, nhưng việc quy hoạch vẫn còn nhiều khoảng trống về pháp lý.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, quy hoạch không gian biển sẽ đảm bảo việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng biển.

Kiên Giang quy hoạch phát triển bền vững không gian, kinh tế biển - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CTV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn phát triển Kiên Giang và vùng Tây Nam Bộ bền vững, tăng trưởng xanh, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư, góp phần vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc phát triển đô thị biển, mà nổi bật là vấn đề lấn biển phải nhờ nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó có 3 yếu tố cốt lõi như: Thực hiện theo chủ trương đường lối của Đảng và hành lang pháp lý quốc gia, vận dụng linh hoạt, sáng tạo của các tỉnh, thành; Lựa chọn được những vị trí và xác định quy mô phù hợp với giai đoạn; huy động tổng thể, hiệu quả và hài hòa kịp thời nguồn lực nhất là nguồn lực tài chính.

Việc phát triển đô thị biển tại Kiên Giang hiện nay muốn thành công cần cập nhật và đáp ứng những nội dung như: Nghiên cứu rút ra những nội dung cần tuân thủ thực hiện từ kinh nghiệm và thực tiễn trên thế giới và Việt Nam; cân đối hài hòa chức năng, hợp phần kinh tế và lợi ích cộng đồng cần tính toán toàn diện với tích hợp cụ thể, để tránh chồng chéo ngay trong tỉnh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem