Kiến nghị về vấn đề giảm thuế nhập khẩu gia cầm

03/01/2020 06:02 GMT+7
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Công Thương nêu kiến nghị về vấn đề giảm thuế nhập khẩu gia cầm.

Với những thành tích vượt trội trong ngành chăn nuôi, ngành gia cầm đã và đang là một trong các tiểu ngành có sự phát triển nhanh nhất. đạt mức tăng trưởng bình quân 6-7%/năm. Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp; từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Kiến nghị về vấn đề giảm thuế nhập khẩu gia cầm. - Ảnh 1.

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, ngành hàng gia cầm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức không nhỏ, cả trước mắt cũng như lâu dài. Điểm yếu nhất của ngành này là giá thành sản xuất vẫn còn cao so với các nước chăn nuôi tiên tiến, nên khả năng cạnh tranh thấp. Bởi vậy, trong những năm qua, người sản xuất gia cầm trong nước đã và đang phải gồng mình chống đỡ với với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Mỹ, Brazile, Hàn Quốc và một số nước EU.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2016 - 2018, bình quân chúng ta nhập khoảng 85.000 - 128.000 tấn thịt gia cầm với kim ngạch nhập khẩu 80 - 116 triệu USD; nhưng chỉ 9 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu tới 215,7 ngàn tấn thịt gà các loại với kim ngạch nhập khẩu 186 triệu USD (tương đương 20 ngàn đồng/kg), bằng cả những năm trước cộng lại.

Kiến nghị về vấn đề giảm thuế nhập khẩu gia cầm. - Ảnh 2.

Cộng thêm việc tăng đàn gà ồ ạt, không kiểm soát khiến giá gà trong những tháng cuối năm 2019 "chạm đáy" trong lịch sử. Vào thời điểm đó, giá gà lông trắng chỉ còn 12.000 - 13.000 đồng/kg, thậm chí gà quá size (trên 4kg) chỉ còn 10.000 - 11.000 đồng/kg, còn "rẻ hơn cả rau". Trong khi, giá gà lông màu (Lương Phượng) cũng chỉ đạt trên 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân lỗ trên 50% cho mỗi con gà. Giá trứng gà suốt cả năm 2019 cũng đứng ở mức rất thấp, bình quân chỉ 1.600 đồng/quả.

Kiến nghị về vấn đề giảm thuế nhập khẩu gia cầm. - Ảnh 3.

Có thời điểm "giá gà rẻ hơn giá rau"

Có thể nói, ngành gia cầm của Việt Nam là ngành hàng chịu nhiều tác động bất lợi và chịu rủi ro cao, đặc biệt là các hộ nông dân. Do đó, trong các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết, nhóm mặt hàng thịt gia cầm được thực hiện bảo hộ cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc cắt giảm sẽ thực hiện vào giai đoạn cuối cùng thực hiện cam kết.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất gia cầm trong nước, bảo đảm sinh kế cho hàng triệu lao động ở nông thôn, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành một số nội dung sau:

1. Đề nghị cân nhắc xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm trong giai đoạn 2020-2025, mà vẫn giữ nguyên thuế suất nhập khẩu sản phẩm gia cầm 20% từ nay đến năm 2025.

2. Trong trường hợp phải hài hòa quan hệ thương mại với một số đối tác chiến lược, buộc phải cắt giảm thuế nhập khẩu thịt gà, thì Hiệp hội kiến nghị chỉ nên giảm thuế nhập khẩu đối với một số ít sản phẩm. Cụ thể chỉ giảm 1- 2% thuế nhập khẩu thịt ức gà. Đối với gà chặt đầu; đùi; cổ cánh và chân gà không nên giảm thuế nhập khẩu trong 5 năm tới.

3. Để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập khẩu các sản phẩm gia cầm ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, đề nghị các Bộ, ngành cần sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, cần tính đến các yếu tố sau:

a) Đối với các nước có sản phẩm xuất khẩu, trong quá trình giết mổ, không được dùng nước clorin để xử lý mầm bệnh thịt gia cầm sau khi giết mổ (Theo quy định của các nước EU cấm sử dụng nước clorin để khử trùng thịt gà sau khi giết mổ).

b) Không làm lạnh sản phẩm gia cầm bằng các loại khí ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính.

d) Xem xét việc thực thi các quy định về đối xử nhân đạo đối với động vật trong quá trình nuôi và giết mổ tại các nước có sản phẩm gia cầm xuất khẩu sang nước ta.

Mai Trang
Cùng chuyên mục