Kiện UBND TP. Đà Nẵng ra toà, công ty thép Dana Ý "đã đến bước đường cùng"

Nam Cường Thứ bảy, ngày 08/06/2019 16:53 PM (GMT+7)
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Dana Ý, vô cùng bức xúc bởi sau quá trình hòa giải bất thành, đến nay, ông vẫn không hiểu vì sao lãnh đạo Đà Nẵng quyết khước từ mọi thiện chí của doanh nghiệp. Và khi đã đến đường cùng, chúng tôi buộc phải kiện UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc Công ty CP thép Dana Ý kiện UBND TP. Đà Nẵng cùng những quyết định hành chính của Chủ tịch UBND thành phố, trao đổi với Dân Việt, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định: "Bất kỳ ai cũng phải chấp hành phán quyết của tòa án".

Trước đó, tại buổi họp báo tổng kết quý 2 tình hình hoat động kinh tế xã hội của TP. Đà Nẵng, khi nói về quan điểm của thành phố, ngành tài nguyên môi trường về vụ việc này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng, cho hay, mặc dù đang trong quá trình thương lượng, hòa giải nhưng Sở cũng như các đơn vị liên quan khác đã sẵn sàng cho việc doanh nghiệp kiện ra tòa.

Ngày 8.6, trò chuyện với PV Dân Việt, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Dana Ý, bức xúc: "Để đến ngày hôm nay, khi lôi nhau ra tòa, phải nói là chúng tôi đã đến bước đường cùng rồi. Thời gian qua, doanh nghiệp đã rất thiện chí, mở ra những phương án tốt nhất cho dân, cho thành phố và cho cả doanh nghiệp nhưng đều không được chấp nhận. Có thể nói rằng, để thực hiện những phương án khả dĩ trên, Công ty thép Dana Ý chấp nhận thiệt thòi sửa cái sai của người khác".

img

Liên quan đến vụ việc nhà máy thép Dana Ý, Đà Nẵng đã nhiều lần đối thoại với dân (Kim Oanh)

Theo ông Tân, lần giở lại lịch sử, năm 2006, Công ty Cổ phần Thép Dana  Ý chuyển nhà máy từ KCN Hòa Khánh về Cụm công nghiệp Thanh Vinh là do TP Đà Nẵng tự bố trí vị trí (có bút tích của cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Trần Văn Minh) và Công ty buộc phải thực hiện.

"Tiếp đó, việc không thực hiện cam kết giải tỏa dân ra khỏi Cụm công nghiệp Thanh Vinh là lỗi của thành phố. Hơn nữa, việc tiếp tục cấp đất cho người dân và để họ làm nhà càng ngày càng tiến sát nhà máy là lỗi của cơ quan cấp phép. Rõ ràng, việc quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố là trách nhiệm của Thành phố, chứ không phải của doanh nghiệp. Vì vậy, việc quy hoạch bố trí sai vị trí cho công ty, buộc công ty đang hoạt động ổn định tại KCN Hòa Khánh về Cụm CN Thanh Vinh là trách nhiệm của TP Đà Nẵng, còn công ty chỉ là "nạn nhân" khi phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào dự án rồi bị vướng vào hậu quả của vấn đề quy hoạch này", ông Tân cho biết.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, đó là những việc quá khứ, việc chính quyền sai đã quá rõ không ai muốn nhắc đến. Điều quan trọng là trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp và thành phố cùng chung ta giải quyết vướng mắc, đưa ra kết quả hài hòa chứ không ai muốn lôi nhau đến tận tòa tán. Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp cổ phần, có cả cổ động nước ngoài nên khi nhận thấy không thể giải quyết bằng con đường hòa giải, lãnh đạo công ty, được sự cho phép của các cổ đông đã quyết định kiện Đà Nẵng ra tòa.

"Bây giờ để ngồi nói đúng sai thì còn ý nghĩa gì? Doanh nghiệp cũng có cái đúng cái sai, thành phố cũng có cái sai. Bây giờ DN đã chấp nhận sửa sai, tại sao không được?", ông Huỳnh Văn Tân bức xúc hỏi.

Theo ông Tân, việc ngồi với nhau giữa 3 bên, gồm: thành phố - người dân - doanh nghiệp và đã đưa ra giải pháp không có gì là khó. "Chúng tôi chấp nhận chi đến 400 tỷ để đề bù, giải phóng mặt bằng, lập khu tái định cư cho dân. Tiền này đáng lẽ thành phố phải bỏ ra để sửa sai, lo cho dân. Nhưng giờ đây, DN đã bỏ ra rồi, vậy mà mấy lần xin ý kiến, chính quyền Đà Nẵng vẫn im lặng".

Người đứng đầu Công ty thép Dana Ý cho hay, mọi công việc gần như đã hoàn tất, từ khâu kiểm định đo đếm nhà dân đến giải tỏa đền bù, lập khu tái định cư... tất cả đã xong xuôi, nhưng điều quan trọng là chủ trương của Đà Nẵng thì vẫn im lặng.

"Thậm chí thành phố còn nghĩ doanh nghiệp không có tiền, lập tức chúng tôi có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Rồi 90% người dân cũng đã đồng tình với phương án nhận tiền để tới khu tái định cư mới. Mọi việc đến phút 89, đùng một cái Đà Nẵng không đồng ý phương án này. Rất là khó hiểu. Dường như có ai đó không muốn doanh nghiệp tồn tại", ông Tân bày tỏ. 

img

Cho rằng gây ô nhiễm, người dân nhiều lần vây nhà máy thép (Kim Oanh)

Nói về việc những động thái của chính quyền, bộ máy tham mưu cho lãnh đạo Đà Nẵng trong vụ việc trên, ông Huỳnh Văn Tân khá tâm tư: "Tôi không hiểu sao họ không để thời gian, công sức và trí tuệ cho việc đối phó với DN ở tòa làm gì. Thay vào đó, việc vô cùng đơn giản là ngồi với DN, với người dân để cùng thống nhất phương án hòa giải. Chẳng lẽ, DN là đối tượng để chính quyền Đà Nẵng lo đối phó ư?".

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, ngày 7/6, Đại diện Công ty CP thép Dana Ý, xác nhận thông tin và chia sẻ lý do công ty khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.

Theo Công ty CP thép Dana Ý, công ty cũng đã thương lượng quá lâu nhưng chưa giải quyết được vấn đề, cộng thêm áp lực từ cổ đông, đặc biệt cổ đông nước ngoài, buộc hội đồng quản trị công ty phải gởi đơn khởi kiện.

“Chúng tôi chính thức gửi đơn khởi kiện từ 1/2019, Thành phố cũng 2 lần hòa giải với công ty nhưng cũng chưa đạt được thỏa thuận chung, trong khi thiệt hại của công ty quá lớn nên buộc công ty phải nộp ứng án phí để chuyển đơn theo quy trình, nếu không, đơn kiện sẽ bị hủy. 

Về thời hạn ngưng hoạt động của công ty 6 tháng cũng đã hết, Thành phố cũng đã đàm phán, tuy nhiên vẫn chưa có hướng cụ thể, mọi việc đến nay vẫn còn “bỏ ngỏ”...”, đại diện Công ty CP thép Dana Ý cho biết.

img

Theo ông Huỳnh Văn Tân, 90% người dân đồng tình di dời khởi khu vực nhà máy

Được biết, theo nội dung đơn kiện, Công ty CP Thép Dana - Ý (sau đây gọi tắt là Dana Ý)  khởi kiện UBND thành phố, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về 4 quyết định, hành vi hành chính, gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 do Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng ký truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng buộc Dana - Ý ngưng toàn bộ hoạt động; Thông báo số 30 ngày 23/3/2018 của UBND TP Đà Nẵng cho phép nhà máy hoạt động trở lại; Hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26/9/2018 đến nay của Chủ tịch UBND TP; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585 ngày 23/11/2018 của Chủ tịch UBND TP xử phạt 3 hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường của Dana - Ý với số tiền phạt 400 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng.

Theo đơn, Dana Ý cho rằng các quyết định, hành vi hành chính nêu trên xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty nên yêu cầu bị đơn bồi thường gần 400 tỷ đồng.

Cụ thể, công văn 1446 gây thiệt hại 109 tỷ đồng; Thông báo 30 gây thiệt hại 11 tỷ đồng; Hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép gây thiệt hại hơn 120 tỷ đồng; Quyết định xử phạt hành chính số 5585 gây thiệt hại 156 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem