Kiều hối - nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế

P.V Thứ sáu, ngày 17/01/2020 06:30 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, kiều hối đổ vào lĩnh vực nào cũng tốt, kể cả lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản.
Bình luận 0

Như dự báo, kiều hối của Việt Nam tiếp tục tăng. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang nhiều bất ổn như hiện nay ?

- Kiều hối tăng là tích cực, đặc biệt là mức tăng từ 5% đến 7% như dự báo sẽ đáng khích lệ đối với nền kinh tế thiếu vốn và phải phụ thuộc vào vốn ngân hàng như Việt Nam. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của một bộ phận người dân.

img

Những ngôi nhà cao tầng khang trang được xây dựng từ nguồn xuất khẩu lao động. Ảnh: Báo Nghệ An

Hơn nữa, không như vay ngoại tệ từ nước ngoài, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ không hoàn lại, không lãi suất, không điều kiện, không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế. Vì vậy, cũng như các nguồn thu ngoại tệ khác, kiều hối đổ về càng nhiều thì sẽ giúp đồng nội tệ của Việt Nam mạnh lên, cân đối tài khoản vãng lai cũng như tạo ra các tác động tích cực lên các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Còn tại sao giữa bất ổn kinh tế thế giới như hiện nay, kiều hối về Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực, theo tôi điều này hoàn toàn bình thường và cũng dễ hiểu bởi dù tình hình thế giới nhiều bất ổn nhưng tăng trưởng kinh tế tăng trưởng dương, chỉ là tăng trưởng chậm lại. Chính vì vậy, thu nhập của người lao động của người Việt Nam tại các nước về cơ bản vẫn gia tăng, tạo nên đà tăng trưởng của con số kiều hối về Việt Nam trong năm vừa qua.

Vậy theo nhìn nhận của ông, kiều hối đổ vào đâu sẽ tốt cho nền kinh tế?

- Phải thừa nhận rằng, với tốc độ tăng trưởng kiều hối qua các năm cho thấy nguồn vốn này không chỉ ở mức độ hỗ trợ người thân, mà còn chảy vào sản xuất kinh doanh, bất động sản, chứng khoán, gửi tiết kiệm…

Trong các lĩnh vực đầu tư này, bất động sản luôn là kênh đầu tư thu hút một lượng kiều hối không nhỏ đổ về trong nhiều năm qua, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hạn chế rủi ro cho vay bất động sản. Tín dụng đổ vào lĩnh vực nào cũng tốt, kể cả bất động sản.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu bất động sản tăng nóng do sử dụng đòn bẩy tín dụng của ngân hàng quá nhiều, có thể dẫn tới nợ xấu và an toàn hệ thống nếu như rủi ro xảy ra lớn thì rõ ràng đó là động thái tiêu cực. Còn kiều hối như tôi đã nói đó là nguồn thu ngoại tệ không hoàn lại, không lãi suất, không điều kiện, không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế, vì vậy nên nếu người dân có tiền mà đầu tư thì cứ theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”, không rủi ro như tín dụng ngân hàng.

Theo chủ trương của Chính phủ vẫn phải “nắn” dòng kiều hối vào sản xuất kinh doanh. Mục tiêu này có khó thực hiện không thưa ông?

- Hướng dòng kiều hối vào đâu là do chính sách, nhưng vẫn phụ thuộc vào sở thích của nhà đầu tư nữa. Bởi vì nếu mục tiêu của họ là đầu tư bất động sản và vẫn đặt kỳ vọng vào thị trường thì họ sẽ tiếp tục đầu tư, nếu thị trường kém đi thì ít đầu tư hơn. Đó là chuyện của thị trường và do thị trường quyết định.

Muốn “nắn” dòng kiều hối vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hay những hoạt động khác mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước, các cơ quan quản lý phải có thêm những chính sách để tạo niềm tin cho kiều bào và những người thụ hưởng dòng tiền này.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển này ở mức độ như thế nào thì rất khó có thể nói trước được. Chẳng hạn như tôi chỉ đầu tư vào bất động sản thôi thì những thứ khác tôi không quan tâm, nhưng nếu như có những người đang đắn đo giữa 2 lĩnh vực thì thấy lĩnh vực nào thuận lợi thì họ sẽ đầu tư vào lĩnh vực đấy.

Vâng xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem