dd/mm/yyyy

Kim Bôi: Hiệu quả chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, nhiều hộ dân ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã thoát nghèo. Theo đó, kinh tế phát triển, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao.

Những năm trước đây, việc sản xuất của các hộ nông dân huyện Kim Bôi phần lớn là tự phát, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn không thuận lợi. Để thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện Kim Bôi đã ban hành các chủ trương đẩy mạnh thành lập các Hợp tác xã trên cơ sở quy hoạch vùng cây ăn quả của từng xã. 

Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích đạt hơn 2.000 ha cây ăn quả, trong đó có 1.700 ha cây ăn quả có múi, 300ha các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó các hợp tác xã, tổ hợp tác xã được huyện chú trọng quan tâm và thành lập để giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về trồng một số loại cây ăn qủa và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Kim Bôi: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc - Ảnh 1.

Bà con nhân dân huyện Kim Bôi đã chuyển diện tích trồng hoa màu sang trồng cây ăn quả trên đất dốc phát triển kinh tế.

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Thời gian qua, huyện Kim Bôi đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Huyện Kim Bôi đã tích cực triển khai có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên về các chương trình nông nghiệp phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tập trung chỉ đạo người dân thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững. Thời gian gần đây, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mở gần 90 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 3.000 lượt học viên tham gia.

Kim Bôi: Hiệu quả chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc - Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được huyện Kim Bôi giới thiệu và quảng bá tại các lễ hội và hội chợ.

Anh Bùi Văn Hùng, xã Sơn Thủy (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) cho biết, hơn 3ha đất đồi của gia đình tôi trước đây chỉ trồng trồng ngô. Do đất dốc, không được cải tạo thường xuyên nên đất bị bạc màu, cây ngô trồng xuống phát triển kém, cho năng suất thấp. Sau đó, tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích nương sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi đỏ và cam. Nhờ bước đi táo bạo đó, gia đình tôi đã có thu nhập cao hơn so với trồng ngô trước đây. Giờ đây tôi đã xây được ngôi nhà khang trang, cuộc sống không còn vất vả như thời điểm trước kia nữa".

Kim Bôi: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã thoát nghèo, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao từ việc trồng cây ăn quả.

Hiện thực hóa chủ trương của tỉnh, đến nay các cơ sở trên địa bàn huyện Kim Bôi đã vận động các hộ nông dân tham gia HTX, chuyển đổi diện tích từ đất dốc canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp, hoa màu hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Cam Vinh, cam Đường Canh, bưởi đỏ, bưởi Diễn, xoài... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho thấy sự quan tâm và bước đi vững chắc của huyện Kim Bôi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Với việc trồng cây ăn quả trên đất dốc đã mạng lại lợi ích kinh tế vô cùng lớn, giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường sống bền vững. Có thể nói, huyện Kim Bôi đang có bước chuyển mình tích cực trong cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều gia trại, trang trại, hợp tác xã đang có lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

Kim Bôi: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc - Ảnh 4.

Nhiều diện tích đất dốc ở huyện Kim Bôi được chuyển đổi trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ với PV, bà Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi, cho hay: "Để giúp người dân phát triển cây ăn quả và nâng cao tay nghề trong chăm bón cây trồng, hàng năm chúng tôi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho các hộ dân.

Những năm qua, chúng tôi cũng tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm nông sản tại các hội chợ, ngày hội nông sản do huyện, tỉnh tổ chức để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nhiều hộ dân trong xã có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn và tuyên truyền bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả trên đất dốc. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, để bà con vươn lên làm giàu và yên tâm gắn bó với nông nghiệp".

Kim Bôi: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc - Ảnh 5.

Huyện Kim Bôi có hơn 2.000 ha cây ăn quả. Trong đó có 1.700 ha cây ăn quả có múi, 300ha các loại cây trồng khác.

Thời gian gần đây, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Kim Bôi đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tập trung chương trình OCOP ở địa phương. Huyện thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2019 -2020 và ban hành quy chế đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2019-2020. Chỉ đạo các xã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về thực hiện chương trình OCOP đến cán bộ và người dân.

Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có các hoạt động tư vấn, tổ chức mở nhiều lớp tập huấn về chương trình OCOP cho cán bộ quản lý các cấp (lãnh đạo, cán bộ các phòng chuyên môn của huyện, UBND các xã) và các chủ thể tham gia OCOP năm 2019 (Hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình). Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức đánh giá và đăng ký 5 sản phẩm với 3 nhóm ngành hàng tham gia chương trình OCOP năm 2019 tỉnh Hòa Bình. Trong đó cả 3 sản phẩm được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá 3 sao.

Kim Bôi: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc - Ảnh 6.

Nhờ chuyển đổi cây ăn quả trên đất dốc, cuộc sống của anh Hùng, ở xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi ngày càng khấm khá.

Theo bà Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi: "Các sản phẩm OCOP đều được chúng tôi trưng bày tại các buổi triển lãm, sự kiện lớn trong năm 2019 trong và ngoài tỉnh, như: Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới các tỉnh khu vực phía Bắc, Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của huyện. Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019. Lễ công bố nhãn hiêu tập thể cam, bưởi Mường Động huyện Kim Bôi; Hội chợ triển lãm sản phẩm tại BigC - Hà Nội.

Từ việc phát triển cây ăn quả, có thể nói đời sống của người dân hiện nay đã có bước khởi sắc. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho bà con vay vốn đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân".

Hà Hoàng