Kim ngạch xuất khẩu tăng phi mã, gỗ dán Việt liên tục bị điều tra xuất xứ

16/11/2019 15:05 GMT+7
Trước tình trạng gian lận xuất xứ mặt hàng gỗ dán diễn biến ngày càng phức tạp, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư yêu cầu tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ. Ngoài ra, ngành Hải quan cũng đưa 4 doanh nghiệp vào “luồng đỏ” để tăng cường quản lý, kiểm tra.

Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), năm 2018, lượng gỗ dán xuất khẩu đến Mỹ đạt 320.000m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017.

Cũng theo Vifores, 5 tháng đầu năm 2019, đã có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ, bằng 73% tổng số dự án trong cả năm 2018, trong đó, số dự án từ thị trường Trung Quốc chiếm 43%.

Ngoài ra, số liệu trong 9 tháng đầu năm 2019 của Mỹ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ dán của Việt Nam sang nước này là 198 triệu USD, tăng 78,2%.

Kim ngạch xuất khẩu tăng phi mã, gỗ dán Việt liên tục bị điều tra xuất xứ - Ảnh 1.

Gỗ dán VIệt Nam đã bị Mỹ áp thuế phòng vệ thương mại tạm thời ở mức 8%.

Trước tình trạng kim nghạch xuất khẩu tăng bất thường, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ VN.

Hiện nay, phía Mỹ đã áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại sơ bộ, cụ thể, mức thuế áp dụng với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam là 8%.

Từ tháng 12/2016, Mỹ cũng đã đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến tháng 12/2017, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp cho sản phẩm này của Trung Quốc là 183,36%, còn mức thuế chống trợ cấp là từ 22,98% đến 194,90%.

Trước đó, từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ ván ép sang Mỹ tăng đột biến. Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát kim ngạch XK gỗ ván ép HS4412 từ Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Qua kết thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu, có 90 công ty thực hiện xuất khẩu gỗ ván ép HS4412 từ Việt Nam sang thị trường này. Trong đó, hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán,… của 6 công ty có dấu hiệu tăng bất thường.

Cụ thể, qua xác minh của cơ quan chức năng, nhiều vấn đề đã nổi lên như: doanh nghiệp sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống hoặc sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa là giả…

Qua đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu triển khai chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ mặt hàng gỗ dán, đưa 4 doanh nghiệp vào "luồng đỏ" để tăng cường quản lý, kiểm tra.

Về phía Bộ Công Thương, mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, động thái này được hy vọng sẽ xóa bỏ tình trạng gỗ dán đội lốt xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gây nhiều bức xúc và ấn tượng xấu đối với đối tác quốc tế thời gian qua.

Cụ thể, Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định, tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Được biết, những năm gần đây, gỗ dán được đánh giá là một trong những mặt hàng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bị gian lận xuất xứ hàng hóa. Trong tháng 6/2019, sau văn bản gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục