Kinh doanh ngành thuốc bảo vệ thực vật... ảm đạm

Quốc Hải Thứ năm, ngày 29/11/2018 08:30 AM (GMT+7)
Dịch hại không xảy ra và chủ trương siết chặt vấn đề môi trường thông qua giảm dư lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp khiến kết quả kinh doanh quý 3.2018 của nhiều doanh nghiệp (DN) thuốc BVTV sụt giảm mạnh.
Bình luận 0

img

Cổ phiếu ngành thuốc BVTV đang khá ảm đạm (Trong ảnh: Cán bộ công ty Lộc Trời hướng dẫn bà con nông dân canh tác lúa)

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành này cũng đang rơi vào chu kỳ ảm đạm. Nhiều “ông lớn” trong ngành thuốc BVTV đang... tính phương án khác để tăng hiệu quả kinh quả kinh doanh của mình chứ không còn trông chờ nhiều vào “miếng bánh” thuốc BVTV như những năm trước.

Dịch bệnh không xảy ra, DN thuốc BVTV... thất thu

Từ đầu năm 2018 đến nay, có kết quả kinh doanh “ảm đạm” nhất trong nhóm DN thuốc BVTV là Công ty CP Nông dược H.A.I (HoSE: HAI).  

Lý giải về việc lợi nhuận sụt giảm, HAI cho rằng do thời tiết thuận lợi, dịch bệnh không xảy ra nên doanh thu giảm mạnh còn 252,2 tỷ đồng (cùng kỳ là 380,4 tỷ đồng), cùng với các chính sách kích cầu nên chi phí tăng mạnh. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu HAI trên thị trường chứng khoán hiện chỉ còn ở mức giá 2.100 đồng/CP.  

Trong khi đó, với “ông lớn” Lộc Trời (LTG), kết quả kinh doanh quý 3.2018 sụt giảm khoảng 47% so với cùng kỳ lại đến từ nguyên nhân chi phí lãi vay tăng mạnh. Theo BCTC được công bố, LTG đạt doanh thu 2.012 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí giá vốn lại tăng gần 19%, lên nên dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ còn 391,2 tỷ đồng, giảm gần 10% so với quý 3 năm ngoái. Chưa kể, chi phí tài chính trong quý tăng đột biến 23 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên trên 54 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí lãi vay.

Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận sau thuế quý 3 của Lộc Trời giảm 47% so với cùng kỳ, đạt 44,7 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của LTG đạt 6.423 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và hoàn thành 78% kế hoạch năm. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao kèm theo chi phí tài chính tăng mạnh dẫn tới lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng của LTG chỉ còn 236,2 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái và mới hoàn thành 51% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Đến cuối quý 3 Lộc Trời ghi nhận tổng nợ phải trả tăng gần 700 tỷ đồng, lên 4.971 tỷ đồng, trong đó riêng vay ngắn hạn 3.389 tỷ đồng (tăng 1.244 tỷ đồng so với đầu năm) và vay dài hạn 220 tỷ đồng.

Một “ông lớn” ngành thuốc BVTV khác là Công ty CP Khử trùng Việt Nam (mã chứng khoán VFG, chiếm khoảng 7% thị phần), cũng có kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Cụ thể, doanh thu quý 3 của VFG đạt 508,7 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 520,8 tỷ đồng), song nhờ tiết giảm chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp... nên lợi nhuận sau thuế của VFG đạt khoảng 24 tỷ đồng, nhỉnh hơn con số 23,9 tỷ đồng cùng kỳ 2017.

Riêng với một DN thuốc BVTV khá nổi tiếng khác là Công ty CP Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (UpCOM: SPC, công ty con của Sagri) thì thời gian gần đây đón nhận khá nhiều tin buồn như: Chấm dứt hoạt động chi nhánh Long An; bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một loạt sai phạm vì hạch toán chi phí khoản chênh lệch tỷ giá cao hơn thực tế; hạch toán trực tiếp vào chi phí khoản lương đã được xác định trong quỹ tiền lương.

Cổ phiếu SPC thời gian gần đây cũng chỉ đứng im ở mức giá 15.000 đồng/CP là luôn trắng giao dịch kể từ ngày 5.9.2018 đến nay.

Chuyển hướng đầu tư hoặc chờ M&A?

Theo các chuyên gia chứng khoán, thời gian gần đây, do chủ trương siết chặt vấn đề môi trường thông qua giảm dư lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp nên cổ phiếu nhóm ngành BVTV không còn sức hấp dẫn trong mắt giới đầu tư như trước.

Đây có lẽ cũng là nguyên nhân các DN ngành thuốc BVTV đang chuyển hướng sang kinh doanh giống cây trồng (Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Nông dược HAI, Bảo vệ Thực vật Sài Gòn), hoặc kinh doanh dịch vụ khử trùng (Công ty Khử trùng Việt Nam, Bảo vệ Thực vật Sài Gòn). Riêng với lĩnh vực chế biến gạo xuất khẩu, do những rào cản gia nhập lớn (quy định của Chính phủ về điều kiện gia nhập đã được nâng lên đáng kể) nên chỉ những công ty lớn như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời mới đủ tiềm lực đầu tư để gia nhập ngành.

Tại Lộc Trời, báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.2018 cho thấy, tỷ suất lợi nhuận ngành gạo tăng mạnh, từ 2,38% lên 7,41% nhờ công ty tiến hành tái cơ cấu, giảm diện tích canh tác theo hợp đồng từ 135.000ha xuống 30.000ha và giữ tồn kho thấp. Chưa kể, giới đầu tư cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án hợp tác với đối tác Trung Quốc - Công ty TNHH Phát triển khoa học Viên Thị Hồ Nam mà Lộc Trời công bố vào cuối tháng 5 vừa qua.

Hiện, cơ cấu doanh thu của Lộc Trời có 45% đến từ thuốc BVTV, còn lại doanh thu bán lương thực - gạo đóng góp 32% và bán hạt giống góp 8%  trong tổng doanh thu (6.423 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2018).

Trong khi đó, với Công ty CP Khử trùng Việt Nam, DN này hiện đang trở thành công ty liên kết của Tập đoàn PAN (tỷ lệ sở hữu 20% vốn) từ đầu tháng 11 này, hiện nhà đầu tư cũng đang trông chờ diễn biến mới từ VFG khi mới đây nhất, PAN tiếp tục chào mua công khai cổ phần DN này.

Còn với HAI, hiện cổ đông lớn là Công ty CP Tập đoàn FLC (nắm giữ 12,65% vốn) và giá cổ phiếu HAI chỉ biến động khi có những động thái mua vào của FLC.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem