Kinh doanh qua mạng: Tiền mất tật mang

Thứ ba, ngày 24/04/2012 18:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giao dịch mua bán thông qua sàn giao dịch điện tử là hoạt động thương mại khá mới tại thị trường Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để bán hàng kém chất lượng, huy động vốn nhằm thu lời bất chính.
Bình luận 0

100% mua bán qua mạng không có hóa đơn

Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 4, Đội cơ động chống hàng giả - Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm 11 trường hợp kinh doanh hàng giả thông qua sàn GDĐT, có địa chỉ giao dịch tại 44 Đoàn Trần Nghiệp, 27C Ngô Thì Nhậm, 49 Nguyễn Chí Thanh, 58 Nguyễn Trường Tô, 51 Lê Đại Hành, 91 Bà Triệụ...

img
Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sản phẩm qua mạng.

Trong đó, Đội QLTT đã phát hiện và thu giữ 55 máy xay thực phẩm đa năng giả nhãn hiệu Magic Bullet của Công ty cổ phần Dịch vụ và Truyền thông VIC Quốc tế, địa chỉ ngõ 1 đường Đỗ Đức Dục, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, chủ sở hữu trang mua bán qua mạng http://www.groupmua.com.

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 14 cho biết: "100% số hàng hóa mua bán qua mạng không có hóa đơn, vì vậy khi xảy ra khiếu kiện, khiếu nại, thiệt thòi "đương nhiên" thuộc về người tiêu dùng”.

Trước đó, vào cuối tháng 3.2012, Công an TP.Hà Nội đã tạm giam lãnh đạo, nhân viên Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á về tội lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp trên sàn GDĐT để chiếm đoạt tài sản. Doanh nghiệp này dùng thủ đoạn sử dụng "gói dịch vụ đặt phòng giá rẻ" đi du lịch trên phạm vi toàn cầu. Nhằm lôi kéo người tham gia, doanh nghiệp đặt ra chế độ "thưởng" cao với điều kiện các thành viên huy động được nhiều người tham gia. Đã có khoảng 73.000 người trở thành nạn nhân của Diamond Holiday Đông Nam Á với số tiền bị lừa lên đến trên 2,7 triệu USD.

Quy chế quá lỏng lẻo

Từ những vụ việc trên cho thấy, việc cấp phép, quản lý sau cấp phép cho hoạt động này hiện nay khá lỏng lẻo. Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện việc cấp đăng ký mở các sàn GDĐT này chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, có đối chiếu với thông tin thể hiện trên website tại thời điểm đăng ký.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện việc quản lý các website kinh doanh trên mạng Internet rất khó khăn bởi khi ra đời, các website này không đăng ký với Sở nên không có danh sách để kiểm tra.

Không chỉ vậy, quy định pháp luật về thương mại điện tử còn nhiều khoảng trống, hiện Bộ Công Thương mới chỉ có quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, thông tư này lại không khẳng định chủ website phải chịu trách nhiệm.

Ngay cả Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin trong cảnh báo đưa ra ngày 16.4 cũng chỉ đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng. Ông Vương Trí Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội kiến nghị: Việc xử lý vi phạm không chỉ dừng lại ở đối tượng thuê gian hàng ảo trên mạng mà phải xử lý nghiêm cả nhà mạng hoặc chủ website cho thuê gian hàng ảo trên mạng. Bên cạnh những quy định cụ thể, chặt chẽ trong quản lý đăng ký các sàn GDĐT, cần tăng cường công tác kiểm tra sau khi sàn GDĐT đi vào hoạt động, tránh tình trạng "thả gà ra đuổi" như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem