Kinh tế bị tổn thương, cân đối ngân sách năm 2021 của TP.HCM sẽ vô cùng khó khăn

Quốc Hải - Bạch Dương Thứ bảy, ngày 16/10/2021 10:38 AM (GMT+7)
Động lực tăng trưởng và thu ngân sách trong quý 4 của TP.HCM sẽ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, vận tải kho bãi, dịch vụ ăn uống, bán lẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc cân đối ngân sách trong năm 2021 sẽ vô cùng khó khăn với “đầu tàu” kinh tế TP.HCM.
Bình luận 0

Tại hội thảo "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025" diễn ra sáng nay, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Luật, cho hay, làn sóng Covid-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu.

Cân đối ngân sách 2021 của TP.HCM sẽ vô cùng khó khăn - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo khoa học về phục hồi kinh tế TP.HCM sáng nay 16/10. Ảnh: Quốc Hải

Kinh tế tổn thương sau 5 tháng giãn cách

Cụ thể, theo nghiên cứu từ nhóm các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chỉ tính riêng lĩnh vực xuất khẩu, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM bị tổn thất xấp xỉ 1 tỷ USD trong tháng 7. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi bước sang tháng 8, con số tổn thất tăng tới 3,63 tỷ USD.

Dù vậy, sang tháng 9, tín hiệu tích cực xuất hiện khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành, không có ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8.

"Dù tín hiệu về kinh tế đã tích cực trở lại nhưng xét về tổng thể, quy mô nền kinh tế đang vận hành ở tháng 9 chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, lạm phát đã đảo chiều trong tháng 9, giảm 0,53% so với tháng 8 và nếu xét riêng cho chỉ số này thì đây là dấu hiệu tích cực khi đã 4 tháng liên tục nền kinh tế chịu sức ép tăng giá.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra cùng với lực cầu giảm sâu thì điều này sẽ cản trở quá trình hồi phục kinh tế" - ông Khánh đánh giá.

Cân đối ngân sách 2021 của TP.HCM sẽ vô cùng khó khăn - Ảnh 2.

Các chuyên gia đề nghị TP.HCM sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS để tăng thu ngân sách, phục hồi kinh tế. Ảnh minh họa: Duy Quang

Song, điều chuyên gia này lo ngại nhất, là số lao động việc làm tại TP.HCM đã giảm mạnh sau 5 tháng giãn cách. Theo đó, trong giai đoạn giãn cách từ tháng 5 đến tháng 9, số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc lên tới hơn 1 triệu người, chiếm 41,2% của tổng số hơn 2,43 triệu lao động tham gia BHXH tại TP.

"Chúng tôi không có được số liệu thống kê đầy đủ về số lao động đã rời khỏi TP.HCM để về quê (miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên và Tây Nam Bộ) trước ngày 23/8 và sau 1/10. Tuy nhiên, chỉ tính riêng từ 1/10 đến 7/10, đã có hơn 180.000 người rời TP.HCM qua cửa ngõ Long An và Bình Phước.

Dự báo dòng lao động này chậm quay trở lại TP.HCM và sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề và kỹ năng chuyên môn", ông Khánh nói.

Về dự báo tăng trưởng kinh tế, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế - Luật cho hay, kỳ vọng GRDP 2021 theo giá hiện hành năm 2021 giảm khoảng 1,74% so với năm 2020 (tương đương với mức giảm 4,79% theo giá so sánh so với năm 2020). 

Riêng đối với thu ngân sách, nếu chưa bao gồm phần giảm thu ngân sách do các chính sách miễn giảm thuế, kỳ vọng ngân sách hoàn thành được 100% nhiệm vụ thu.

"Tuy nhiên, do diễn biến Covid-19 lần 4 đã không được tính đến khi lập dự toán chi ngân sách 2021 của TP.HCM, trong khi đó suốt thời gian dài TP.HCM phải tập trung nguồn lực rất lớn cho công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và sắp tới sẽ phải tăng chi hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sau giãn cách nên khả năng ngay cả khi thu ngân sách ở kịch bản kỳ vọng, cân đối ngân sách 2021 của TP.HCM sẽ vô cùng khó khăn", ông Khánh đúc kết.

Gợi mở nhiều chính sách giúp "đầu tàu" kinh tế phục hồi

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhiều giải pháp về chính sách để phục hồi kinh tế. Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư và được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều.

Hướng tích cực có thể triển khai thời gian tới là NHNN có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng và chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ Covid-19.

Cân đối ngân sách 2021 của TP.HCM sẽ vô cùng khó khăn - Ảnh 4.

Sản xuất sữa tại Công ty Vinamilk. Ảnh: Vinamilk

Đối với chính sách tài khóa, ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng các hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả tốt cho phục hồi trọn vẹn.

"Chúng tôi đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam", PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nói.

Ngoài ra, đối với TP.HCM, các chuyên gia cũng khuyến nghị sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời và các gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn như: Tái phân bổ chi ngân sách; kiến nghị NSTW cấp bổ sung ngân sách; NSTW phát hành trái phiếu, chuyển nguồn TP.HCM; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM…

Ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright - nhấn mạnh: Để phục hồi trong năm 2022, tăng trưởng cần phải được hỗ trợ bởi sự song hành của cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong đó, với chính sách tài khóa, để kích cầu tăng trưởng, TP phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và khởi động một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025).

180 trang đề cương phục hồi kinh tế

"Trong 15 ngày qua, Viện đã xây đề cương khôi phục kinh tế, chúng tôi rất vui vì sự đóng góp của 13 nhà khoa học, chuyên gia cho thấy sự chung sức chung lòng của họ. Đề cương có 180 trang với những sáng kiến, giải pháp giúp TP khôi phục những đứt gãy, các giải pháp đột phá để khôi phục kinh tế với những chỉ tiêu cao nhất mà đại hội Đảng bộ TP đã thông qua…" - PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Đặc biệt, theo ông Thành, có 3 nhóm chính sách trung hạn mà TP có thể tham khảo, đẩy mạnh gồm: Chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025); Triển khai chuyển đổi số, ban hành các khung pháp lý về chuyển đổi số cho các lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech); vận tải, logistics; thương mại số… Cuối cùng là tập trung phát triển Trung tâm Tài chính TP.HCM

"Cần sớm phê duyệt và triển khai đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, gồm: tập trung vào ngân hàng số - fintech; hình thành thị trường giao dịch hàng hóa (kết nối trung tâm tài chính TP.HCM với thị trường nông sản ở ĐBSCL và Tây Nguyên); và phát triển dịch vụ quản lý tài sản, mua bán – sáp nhập doanh nghiệp trong thị trường vốn", ông Thành đúc kết.

Còn theo TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ: Do thành phố là nơi chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và nơi có thời gian chịu biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt lâu nhất, nên các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp phải cao hơn mức chung của cả nước. Phải lưu ý triển khai nhanh về thời gian và đối tượng được giảm, miễn thuế cùng việc khoanh nợ, giãn nợ tín dụng; giảm lãi xuất vay và các gói tín dụng ưu đãi…

"Các chính sách này là cơ chế riêng nên thành phố cần nghiên cứu để xin Chính phủ", ông Lịch nói thêm. Đồng thời ông nhấn mạnh, TP cần triển khai nhanh các dự án quan trọng bị ngưng trệ: xây dựng Trung tâm Tài chính TP.HCM; TT khởi nghiệp sáng tạo tại TP.Thủ Đức; xây dựng đô thị thông thông minh… Đặc biệt, tập trung tháo gỡ những vướng mắc đối với hàng trăm dự án BĐS trong 2 năm qua để khai thông mạnh mẽ thị trường này.

"Tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án BĐS cũng là cách để tăng thu ngân sách, phục hồi kinh tế sớm nhất", ông Lịch lưu ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem