Kinh tế Bình Dương phát triển thần tốc: Từ những nhà máy tỷ đô đến đô thị thông minh

Quốc Hải Thứ ba, ngày 19/04/2022 19:05 PM (GMT+7)
“Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư và tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa. Sự phát triển của Bình Dương không chỉ mang lại những kinh nghiệm quý báu mà còn là động lực, nguồn cảm hứng cho các địa phương khác vươn lên…”
Bình luận 0
Bình Dương có lợi thế để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng. Ảnh: Quốc Hải

Đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương tại Hội thảo khoa học chuyên đề "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng", diễn ra chiều nay 19/4, tại tỉnh Bình Dương.

Theo ông Thắng, sau 25 năm kể từ ngày được chia tách từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương từ 1 tỉnh khó khăn đã bứt phá thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị phát triển năng động, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, gắn kết với các tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện Bình Dương không ngừng đột phá hướng tới thành phố thông minh, điểm đến hấp dẫn cho mọi người, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cụ thể, GRDP bình quân đầu người hiện nay tại Bình Dương đạt gần 7.000 USD/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 103 lần sau 25 năm.

"Đây là một kỳ tích đối với một tỉnh có ít tài nguyên thiên nhiên, không có sân bay cũng không có cảng biển", ông Thắng nhận định.

Ngoài ra, Bình Dương cũng là điểm đến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, là số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất "tỷ đô".

Đặc biệt, từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1%...

Có được thành quả này, theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, nhờ Bình Dương ứng dụng mô hình phát triển hết sức sáng tạo trong tiến trình đổi mới của đất nước, đó là: "Trung ương mở đường, Địa phương kiến tạo, Doanh nghiệp đồng hành" trong quá trình phát triển.

Bình Dương có lợi thế để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình - Ảnh 2.

Bình Dương có lợi thế để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình... Ảnh: Quốc Hải

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, Bình Dương đang bước vào thời kì lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển.

"Bình Dương đang ở tư thế sẵn sàng cho cuộc chạy đua lên đỉnh cao phát triển mới từ nay đến năm 2030, với tầm nhìn đến giữa thế kỷ, Bình Dương sẽ là một trong những tỉnh đâu tiên vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, để tiếp tục là hình mẫu cho các địa phương khác, tạo động lực cho cả nước đạt được mục tiêu trờ thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045", ông Thắng đề xuất.

Theo đó, 4 bài học quý liên quan đến mô hình tăng trưởng mà Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng có thể thao khảo, được GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra, gồm: Chuyển dịch từ đa dạng hóa đến chuyên môn hóa; Chuyển dịch từ các hoạt động sản xuất thâm dụng vốn và tài nguyên sang các hoạt động sản xuất thông minh, dựa trên đổi mới sáng tạo; Chuyển dịch trong quá trình đô thị hoá theo hướng phát triển hệ thống đô thị vệ tinh thông minh và đáng sống; và Chuyển dịch sang quá trình hội nhập đa tuyến, tăng cường liên kết vùng.

"Vấn đề quan trọng nhất chính hiện nay với Bình Dương là công tác quy hoạch, kết nối hạ tầng, trong đó có chuyển đổi số. Do đó, tỉnh phải có những con người dám nghĩ dám làm để tạo được niềm tin và sự tham gia thực sự của doanh nghiệp, người dân", ông Thắng nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem