Kinh tế nóng nhất: Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng

Nguyễn Phương (th) Thứ bảy, ngày 25/09/2021 20:54 PM (GMT+7)
Giá vàng trong nước chênh lệch sốc với giá vàng thế giới; Thu hút FDI 9 tháng vẫn tăng; Giá xăng dầu trong nước tăng thêm gần 600 đồng/lít... là những thông tin kinh tế nóng nhất hôm nay...
Bình luận 0

Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng 

Kinh tế nóng nhất: Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng - Ảnh 1.

Giá vàng miếng trong nước hiện đắt hơn 9 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi. Ảnh VTC

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch cuối tháng 9 với phiên phục hồi đêm qua, đưa giá vàng giao ngay thoát khỏi vùng đáy 2 tháng và trở lại vùng 1.750 USD/ounce, tương đương cuối tuần trước.

Cụ thể, giá vàng giao ngay đêm qua (giờ Việt Nam) đã phục hồi từ mức 1.742,8 USD lên 1.750,2 USD/ounce, tương đương mức tăng 7,4 USD trong ngày. So với giá cao nhất giao dịch trong tuần này, mức đóng cửa kể trên vẫn thấp hơn 36 USD, tuy nhiên so với cuối tuần trước, giá vàng chỉ giảm khoảng 3 USD.

Tương tự, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 tuần này cũng ghi nhận xu hướng tương tự, hiện cố định ở mức 1.750,6 USD/ounce, không thay đổi nhiều so với cuối tuần trước.

Hôm nay (25/9), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,35 - 57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng ở cả 2 chiều so với phiên liên trước.

Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng đang được mua vào ở 56,5 triệu/lượng và bán ra ở 57,3 triệu/lượng, không thay đổi so với chiều qua nhưng thấp hơn 100.000 đồng so với đầu tuần.

Tuy nhiên, cũng giống SJC, giá vàng miếng tại PNJ hiện vẫn cao hơn 300.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác sau giai đoạn giảm mạnh cuối tuần trước và đầu tuần này hiện đã ghi nhận xu hướng đi ngang 3 phiên liên tiếp, cố định ở 50,5 - 51,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), thấp hơn 600.000 đồng so với đầu tuần.

Nếu so với 2 tuần trước, giá vàng PNJ tự chế tác đã giảm hơn 1,1 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng miếng hiện phổ biến ở 56,7 triệu/lượng (mua) và 57,45 triệu/lượng (bán), giảm 50.000 đồng so với cuối ngày 24/9.

Giữa bối cảnh giá vàng thế giới giảm nhẹ trong khi vàng trong nước phục hồi tốt so với cuối tuần trước, chênh lệch giá bán giữa 2 thị trường này đã tăng lên mức 9 triệu đồng/lượng, cao nhất nhiều năm trở lại đây.

So với đầu năm, mức chênh lệch này đã tăng gấp 3 lần, còn nếu so với một năm trước, chênh lệch giá giữa vàng thế giới và trong nước đã tăng gấp 9 lần.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 48,3 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc, người mua vàng trong nước vẫn đang phải trả mức giá đắt hơn gần 19% để sở hữu cùng một lượng vàng như thế giới.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng gần 600 đồng/lít từ chiều nay 25/9

Chiều nay (25/9), liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tăng giá bán tất cả các loại xăng dầu so với mức giá hiện hành.

Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 573 đồng/lít; xăng RON 95-III tăng 548 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 564 đồng/lít; dầu hỏa tăng 561 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 628 đồng/kg.

Kinh tế nóng nhất: Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng - Ảnh 2.

Từ 15h chiều nay 25/9, xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.716 đồng/lít, xăng RON 95-III không cao hơn 21.945 đồng/lít. Ảnh minh họa GT

Như vậy, từ 15h chiều nay (25/9), giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến được áp dụng như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.716 đồng/lít, xăng RON 95-III không cao hơn 21.945 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.586 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 15.643 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.580 đồng/kg.

Thu hút FDI 9 tháng tăng 4,4% 

Kinh tế nóng nhất: Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng - Ảnh 3.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh CT

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, 2 dự án lớn được cấp phép là nhà máy điện LNG Long An I, II của Singapore và nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký lần lượt là trên 3,1 tỷ USD và hơn 1,31 tỷ USD.

Tính đến 20/9, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Do tác động của đại dịch, những tháng gần đây, một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, khiến FDI giải ngân 9 tháng ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh cũng giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%).

Trong 9 tháng đầu năm, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta kể từ đầu năm đến nay.

Dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng xuất nhập khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng trong 9 tháng. Khu vực FDI xuất siêu gần 18,2 tỷ USD, kể cả dầu thô. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem