"Kinh tế số giúp người mua và bán "cưỡi mây, về gió" trên "chợ" toàn cầu"

Thanh Phong Thứ ba, ngày 28/07/2020 17:12 PM (GMT+7)
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện tại, anh nông dân ở Đắk Lắk có thể bán cà phê cho một quán ở NewYork, bà đồng nát cũng có thể lên internet bán hàng. Kinh tế số giúp cả người mua và bán có thể "cưỡi mây, về gió" trên "chợ" toàn cầu.
Bình luận 0

Sáng 28/7, Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và VCCI đồng tổ chức Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA" (VOIEF 2020).

Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết tính đến hiện tại hoạt động kinh doanh trên không gian số, internet chủ yếu là "cuộc chơi" của các "ông lớn". 

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện tại, các nền tảng thương mại điện tử mới đã xuất hiện. Theo đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có được cơ hội vươn ra thị trường thế giới và trở thành những chủ nhân bình đẳng với các doanh nghiệp lớn trong nền thương mại toàn cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc: “Sau khi chuyển đổi số, bà đồng nát cũng có thể bán hàng online” - Ảnh 1.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI

"Tôi vẫn thường lấy ví dụ là một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk bằng một cú nhấp chuột có thể tiếp cận và bán hàng trong một quán cà phê ở New York. Hay một chị thợ may ở Hội An có thể may đồ cho một gia đình ở Paris (Pháp).

Thời thương mại điện tử thì bà đồng nát cũng có thể lên Internet để bán hàng. Thương mại điện tử là hiện thực hóa một nền thương mại không biên giới trên cả hai góc độ không gian, thời gian. Cả người sản xuất và người tiêu dùng đều có thể "cưỡi mây, về gió" trên "chợ" toàn cầu", ông Lộc nói.

Cũng tại sự kiện, ông Hoàng Long, Giám đốc phát triển kinh doanh của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam, cho biết đối với sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ, việc phát triển nền tảng thương mại điện tử yếu tố then chốt.

"Tập đoàn Alibaba có mối liên kết với hơn 10 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới. Để có được kết quả này, trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc.

Cụ thể, chúng tôi có những đơn vị chuyên nghiệp về thương mại điện tử như Alibaba.com, AlliExpress, Taobao và thậm chí bây giờ là Lazada ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh những đơn vị thuần về thương mại chúng tôi cũng phải phát triển những đơn vị về kỹ thuật, chuyển đổi số, giải trí, truyền thông như YouKu, Alibaba music,…", ông Long cho hay.

Theo ông Long, đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, để có thể chuyển đổi số hiệu quả, cần phát triển bằng hình thức "hệ sinh thái". Ở đó, các doanh nghiệp có thể liên kết, hỗ trợ nhau nhiều giải pháp về thanh toán, vận chuyển, logicstic, quảng cáo, điện toán đám mây,…

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Cao Quốc Hưng, thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Diễn đàn VOIEF 2020 được tổ chức trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.

Ông Vũ Tiến Lộc: “Sau khi chuyển đổi số, bà đồng nát cũng có thể bán hàng online” - Ảnh 2.

Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA" thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước.

"Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh kéo theo các hệ lụy đối với hoạt động kinh tế như thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tình hình khan hiếm nguyên liệu do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn; các vấn đề về tài chính do gián đoạn sản xuất", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho hay.

Số liệu 6 tháng đầu năm đã cho thấy xuất nhập khẩu đã chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD, giảm 2,9%.

Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%.

"Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây cũng thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem