Kinh tế số “nhanh thắng chậm” thay vì “cá lớn nuốt cá bé”

Huyền Anh Thứ tư, ngày 15/05/2019 09:04 AM (GMT+7)
Với kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ giải quyết được dứt điểm 3 bài toán là vốn, quản trị và chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ, cho vay ngang hàng P2P Lending.
Bình luận 0

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tỷ lệ thuận với gia tăng lượng vốn chủ sở hữu và cổ đông là mục tiêu phát triển được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên của Công ty cổ phần Đầu tư Doanh nhân VERCO (VERIG) diễn ra mới đây.

VERIG là công ty tài chính số được sự bảo trợ của Trung ương hội Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thông qua kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng

Song song với mục tiêu trên, VERIG đã thông qua chiến lược tăng trưởng tầm nhìn đến 2025, với trọng tâm là phát triển mạnh giải pháp tài chính dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để tạo nguồn cung ứng vốn cho cộng đồng cổ đông công ty.

Đại hội cũng đã thông qua lộ trình tăng trưởng ngắn, trung và dài hạn do ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT VERIG đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt đưa ra.

img

Toàn cảnh Đại hội đổng cổ đông lần thứ nhất CTCP Đầu tư Doanh nhân VERCO (VERIG)

Cụ thể, VERIG dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đạt quy mô trên 500 cổ đông, đưa vốn chủ sở hữu tăng lên trên 500 tỷ đồng; đến cuối năm 2020 sẽ có hơn 1.000 cổ đông, nâng mức vốn sở hữu lên 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu trung và dài hạn đạt 1 tỷ USD vốn chủ sở hữu vào năm 2025 với trên 20.000 cổ đông.

Trước mắt, tổng vốn góp đợt 1 dự kiến đạt 30 tỷ đồng. Dòng tiền vào tính đến cuối tháng 4/2019 của VERIC là 6,74 tỷ đồng từ vốn góp của cổ đông sáng lập, ước tính đến cuối tháng 5 sẽ tăng lên 22-30 tỷ đồng từ vốn góp và dự kiến sẽ tăng lên 600 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

VERIG hoạt động theo mô hình kinh doanh kiểu mới với nền tảng công nghệ cung cấp các sản phẩm chính: tài trợ vốn, tư vấn M&A, hỗ trợ công cụ và nâng cao năng lực quản trị.

Về cơ chế hoạt động và bộ máy lãnh đạo điều hành cao nhất của công ty, theo cơ cấu HĐQT VERIG sẽ bao gồm 10 người với số vốn góp tối thiểu 1 tỷ đồng/người, còn đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp tham gia sở hữu có quyền vote được quy đổi ra tổng số điểm tích lũy (token) dựa trên tiêu chí vốn góp sáng lập và trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng, vốn góp đầu tư cho thương vụ trong hệ sinh thái...

Thời kỳ kinh tế số sẽ cho DNNVV cơ hội bứt phá “không thể tưởng”

Trao đổi bên lề ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch HĐQT VERIG chia sẻ, DNNVV hiện nay gặp không ít khó khăn như vốn, quản trị… nhưng vấn đề về vốn là yếu tố quyết định đến sự “ra đi” của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện tại, hệ thống ngân hàng chi phối đến 70% cung tiền cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các điều kiện tiếp cận vốn theo quy định hiện nay như phải có ít nhất 2 năm báo cáo tài chính và đảm bảo có lãi hay phương án kinh doanh khả thi.

“Dường như đó là khoảng cách rất xa để các doanh nghiệp còn yếu như doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Nhiều công ty, DN startup hoạt động khá ổn định trong những bước đầu, tuy nhiên khi khả năng hoạt động và quy mô công ty cần mở rộng hơn họ lại rơi vào tình cảnh “đuối” và thiếu vốn để đầu tư… “, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, mặc dù thời gian qua, cũng có nhiều ngân hàng tư nhân đã tìm cách chia các gói tín dụng, cho vay theo dòng tiền đối với các DNNVV. Tuy nhiên, số lượng còn rất ít và chỉ đảm bảo được “rất rất ít” nhu cầu vốn của DNNVV.

“Xuất phát từ điều kiện thực tế như thế, chúng tôi được sự bảo trợ của Trung ương hội Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã thành lập công ty tài chính số cũng chính là bước đi tắt đón đầu để cùng Chính phủ phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.

Thời kỳ kinh tế số sẽ cho DNNVV cơ hội bứt phá “không thể tưởng” so với kinh tế truyền thống. Đó là thời kỳ kinh tế nhanh thắng chậm, khác với thời kỳ kinh tế truyền thống đó là cá lớn nuốt cá bé”, ông Nguyễn Kim Hùng bày tỏ.

Ông Hùng cho biết thêm, khi các DNNVV tham gia vào hệ thống kinh tế số này các doanh nghiệp sẽ giải quyết được dứt điểm 3 bài toán là vốn, quản trị và chuỗi cũng ứng toàn cầu dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ, cho vay ngang hàng P2P Lending.

img

Được biết, P2P Lending là mô hình kinh doanh mới, dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, “Công ty P2P Lending” cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến (Platform) để người đi vay kết nối, trực tiếp vay mượn với người cho vay. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa.

Nếu được quản lý tốt, P2P Lending sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng với chi phí thấp, ít thủ tục. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem