Kinh tế toàn cầu đối diện với cuộc khủng hoảng "đen tối" nhất trong 90 năm
GDP toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm 2020?
Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc 3% trong năm 2020. Trước đó, hồi tháng 1, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát và lan rộng ra toàn cầu, IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,3% trong năm nay.
Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế của IMF nhận định: “Rất có khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua thời kỳ khủng hoảng đen tối nhất kể từ cuộc Đại suy thoái (1930) đến nay, vượt qua cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ”.
Hồi tháng 1, IMF cũng dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,4% trong năm 2021, nhưng mức này hiện đã được điều chỉnh tăng lên tới 5,8% do so sánh với mức tăng trưởng thấp kỷ lục dự kiến trong năm 2020.
“Kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi một phần trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng theo xu hướng tăng lên, nhưng GDP thực tế nhìn chung sẽ vẫn nằm dưới thời điểm dịch virus chưa bùng phát” - chuyên gia Gita Gopinath cho biết.
Không riêng IMF, các tổ chức kinh tế uy tín thế giới cũng cảnh báo những thách thức lớn mà dịch Covid-19 mang lại cho nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới WHO hồi tuần trước dự báo kim ngạch giao dịch thương mại toàn cầu có nguy cơ giảm kỷ lục 13-32% trong năm nay. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD cũng cảnh báo tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu trong những quý tới.
Trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan dịch Covid-19, nhiều chính phủ bao gồm cả những nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, một số nước Châu Âu… đã tiến hành các biện pháp phong tỏa quốc gia hoặc cách ly xã hội nghiêm ngặt khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như tê liệt. IMF nhận định rằng cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền tệ và thậm chí tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009. “Không thể chắc chắn thời gian kéo dài khủng hoảng cũng như cường độ cú sốc kinh tế. Những chính sách kích thích kinh tế của các chính phủ đối diện với nhiều thách thức hơn do biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội”.
IMF cũng cho biết Quỹ này đã nhận được số lượng đơn xin hỗ trợ khẩn cấp nhiều chưa từng có trong lịch sử. Hơn 90 trong tổng số 189 quốc gia thành viên của Quỹ tiền tệ Quốc tế đã yêu cầu hỗ trợ tài chính. IMF đang xem xét kế hoạch viện trợ, hỗ trợ tài chính lên tới 1 nghìn tỷ USD. Trước đó, hôm 13/4, IMF đã tuyên bố viện trợ khẩn cấp cho 25 quốc gia nghèo nhất thế giới, phần lớn là các nước Châu Phi thông qua xóa nợ, giảm nợ để giúp đỡ các quốc gia này đối phó với tác động kinh tế to lớn từ đại dịch Covid-19. Danh sách 25 quốc gia được IMF hỗ trợ đợt này gồm: Afghanistan, Belarus, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, CH Chad, Comoros, CH Congo, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Haiti, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Mozambique, Nepal, Nigeria, Rwanda, São Tomé và Príncipe, Sierra Leone, Quần đảo Solomon, Tajikistan, Togo và Yemen.
Khu vực đồng EUR chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Những dự báo mới nhất của IMF chỉ ra rằng kinh tế Mỹ có nguy cơ giảm tốc 5,9% trong năm 2020 trong khi tăng trưởng kinh tế khu vực đồng EUR dự kiến giảm tốc 7,5%. Trong đó, các quốc gia Châu Âu bao gồm Italy và Tây Ban Nha, hai trong số những ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới dự kiến sẽ chịu tổn thương nặng nề nhất. GDP Italy dự kiến giảm 9,1% trong khi GDP Tây Ban Nha giảm 8%.
Đáng chú ý, Trung Quốc - quốc gia dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên - được dự báo tăng trưởng 1,2% trong năm 2020.
IMF cũng kiến nghị các chính phủ nên ưu tiên xử lý khủng hoảng đại dịch trước tiên bằng cách tăng cường chi tiêu cho công tác xét nghiệm dịch bệnh, thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân… Đồng thời, các biện pháp trợ cấp lương, hoãn thuế cho doanh nghiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho công dân cũng nên được cân nhắc trong bối cảnh đại dịch tấn công nền kinh tế toàn cầu.