KTNN đề nghị Long An chỉ đạo chấn chỉnh sai sót chọn nhà thầu: SGT của ông Đặng Thành Tâm bộc lộ nhiều vấn đề

Quang Dân Thứ tư, ngày 04/08/2021 14:27 PM (GMT+7)
Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị tỉnh Long An chỉ đạo chấn chỉnh các hạn chế, sai sót về lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu… Mà trong cơ sở lựa chọn nhà đầu tư cho KCN Nam Tân Tập của tỉnh Long An là khả năng huy động vốn thì liên doanh của ông Đặng Thành Tâm đã bộc lộ nhiều vấn đề
Bình luận 0

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Long An chỉ đạo chấn chỉnh sai sót chọn nhà thầu

Như Dân Việt đã thông tin, Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2020. Long An là một trong những tỉnh bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra điểm chưa phù hợp. Trong đó, nổi bật hơn cả là việc phê duyệt chủ trương đầu tư và đấu thầu.

Kiểm toán Nhà nước cho biết tỉnh Long An phê duyệt chủ trương đầu tư khi dự án chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giãn tiến độ đầu tư cho các dự án trên 24 tháng chưa phù hợp, không thẩm định về điều kiện giao đất, cho thuê đất quy định tại một số dự án, văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất thiếu các nội dung theo quy định; điều chỉnh chủ trương đầu tư, mục tiêu dự án từ khu tái định cư sang khu dân cư, tái định cư chưa có quyết định cơ quan thẩm quyền, giao đất, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Ngoài ra, một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thực hiện.

KTNN đề nghị Long An chỉ đạo chấn chỉnh sai sót chọn nhà thầu: SGT có phải sai sót? - Ảnh 1.

Dư luận xôn xao về cách lựa chọn nhà đầu tư cho KCN Nam Tân Tập của tỉnh Long An. Ảnh: Sưu tầm

Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm cùng với thành phố Hải Phòng, Thanh Hoá, Bài Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, tỉnh Long An xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án chưa phù hợp quy định.

Một loạt hoạt động liên quan đến đầu tư, đấu thầu của tỉnh Long An cũng bị Kiểm toán Nhà nước "chỉ mặt gọi tên". Đó là không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chưa thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích theo quy định; chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần.

Tỉnh Long An còn bị kết luận có một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định, chậm lập biên bản kiểm tra, thanh tra.

Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện từ Kết quả Kiểm toán năm 2020.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo sai sót về lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu.

Theo đó, các Ban Quản lý dự án cần tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh các hạn chế, sai sót về lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, quản lý chất lượng công trình, quản lý tiến độ dự án, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán dự án.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Long An cần có biện pháp chấn chỉnh đối với các cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án không chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo giám sát đánh giá đầu tư; chậm gửi báo quyết toán vốn đầu tư theo quy định. 

SGT của ông Đặng Thành Tâm bộc lộ nhiều vấn đề

Gần đây, dư luận xôn xao về cách lựa chọn nhà đầu tư cho KCN Nam Tân Tập của tỉnh Long An.

Theo đó, có 5 nhà đầu tư muốn tham gia dự án nhưng để "không mất nhiều thời gian", tỉnh Long An chọn Liên danh Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) và Công ty CP Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng (SHP) để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này. SGT và SHP cùng góp vốn lập Công ty TNHH Saigontel Long An để thực hiện dự án KCN Nam Tân Tập.

Trong công văn số 2113 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Long An đã nêu cơ sở Long An chọn liên danh SGT – SHP. Một trong số đó là đánh giá năng lực, mà cụ thể là khả năng huy động vốn.

Theo đó, tỉnh Long An cho rằng "Nhà đầu tư có khả năng huy động vốn từ tổ chức tín dụng để thực hiện dự án, thể hiện bằng Thư hứa thu xếp, cung cấp tín dụng của Ngân hàng HDBank và cam kết của Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (công ty mẹ) đảm bảo cho Công ty TNHH Saigontel Long An về nguồn tín dụng để thực hiện dự án".

Ngoài ra, tỉnh Long An khẳng định Saigontel Long An có 450 tỷ đồng gửi tại HDBank.

KTNN đề nghị Long An chỉ đạo chấn chỉnh sai sót chọn nhà thầu: SGT có phải sai sót? - Ảnh 3.

Long An nêu cơ sở chọn liên danh SGT – SHP thực hiện dự án KCn Nam Tâp Tập. Ảnh: Trích đoạn công văn 2113/UBND-KTTC Long An gửi Bộ Kế hoạch và Đầu Tư.

Tuy nhiên, chỉ xét về tiêu chí "huy động vốn" mà tỉnh Long An đề cập trong công văn 2113, SGT của ông Đặng Thành Tâm đã bộc lộ nhiều vấn đề.

Thứ nhất, Saigontel, công ty mẹ, cũng là bên bảo lãnh của liên danh SGT - SHP hiện nợ tăng, phải "mượn" tài sản để thế chấp.

Trong quý 2/2021, nợ phải trả tại SGT tăng rất mạnh, tăng gần gấp đôi lên 3.235 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính (những khoản nợ phải trả lãi) tăng gần gấp 3 lần lên 1.855 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, để nhận được các khoản vay này, SGT không chỉ thế chấp tài sản của công ty mà phải "mượn" từ đơn vị khác. SGT còn phải "mượn" ô tô Toyota Innova của Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Saigontel.

Thứ hai, dòng vốn rất lớn đã dồn cho công ty khác

Trong 6 tháng đầu năm 2020, SGT của ông Đặng Thành Tâm thành lập hai công ty con. Đó là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Long An và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên với số vốn lần lượt là 600 tỷ đồng và 540 tỷ đồng. Tổng cộng, dòng tiền tại SGT đã giảm 1.140 tỷ đồng, chiếm 26,9% tổng tài sản và nhiều hơn vốn chủ sở hữu (1.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của Saigontel cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Saigontel đã góp vốn, vay vốn, lãi vay phát sinh hơn 1.201 tỷ đồng cho Đầu tư Phát triển Long An và gần 1.081 tỷ đồng cho Đầu tư và Phát triển Hưng Yên. Điều này đồng nghĩa, Saigontel đã chi đến 2.300 tỷ đồng cho 2 công ty này.

Dòng tiền tại SGT bộc lộ nhiều vấn đề khi mà vừa rót vốn cho 2 công ty con này, SGT nhanh chóng vay lại với số tiền bằng 100% vốn góp tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (540 tỷ đồng) và gần hết vốn góp tại là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Long An (599,5 tỷ đồng).

Gồng lãi vay, nguy cơ thua lỗ

Tăng mạnh nợ nên SGT của ông Đặng Thành Tâm đối diện với lãi vay tăng vọt. Trong quý 2/2021, chi phí lãi tại SGT tăng 5,6 tỷ đồng, tương đương 70% lên 13,6 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 18 tỷ đồng, tăng 10,8 tỷ đồng, tương đương 150% so với cùng kỳ năm ngoái.

KTNN đề nghị Long An chỉ đạo chấn chỉnh sai sót chọn nhà thầu: SGT có phải sai sót? - Ảnh 5.

Vay nợ của Saigontel tăng mạnh. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính Saigontel

Cần phải lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay/tổng nợ vay của SGT chỉ là 0,97%/6 tháng (tương đương 1,94%/năm). Rất khó để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng với lãi suất chỉ 1,94%/năm. Vì vậy, nhiều khả năng, SGT được giãn nợ, hoãn nợ theo đúng tinh thần của Ngân hàng Nhà nước. Khi dịch Covid-19 lan rộng, từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giãn nợ, giảm lãi giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Vì vậy, nếu tính theo mức lãi suất trung bình 8%/năm, thì chi phí lãi vay tại SGT có thể phải chi trả trong 6 tháng đầu năm 2021 cho tổng nợ 1.855 tỷ đồng sẽ là khoảng 75 tỷ đồng.

Nếu điều đó xảy ra, thay vì lãi 27,2 tỷ đồng, SGT có thể đã lỗ 29,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, không thể nói bức tranh tài chính của SGT tốt được khi mà công ty này liên tục phát sinh các khoản nợ quá hạn lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem