Kusto đòi "phế truất" HĐQT, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương tố "âm mưu" thôn tính

Song Minh Thứ tư, ngày 03/06/2020 17:27 PM (GMT+7)
Chiều 3/6, HĐQT và Ban giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) của ông Nguyễn Bá Dương đã công bố quan điểm sau khi nhận được những yêu cầu của cổ đông chiến lược Kustocem Pte. Ltd. (gọi tắt là Kusto) về việc đơn phương tổ chức đại hội cổ đông bất thường cùng với những cáo buộc "vô căn cứ".
Bình luận 0

Tổng Giám đốc Coteccons Nguyễn Sỹ Công khẳng định những cáo buộc vô căn cứ của đối tác chiến lược Kusto trong một thông cáo phát đi ngày hôm qua, "đã và đang tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của Coteccons".

Coteccons luôn đúng!

Được biết, Kusto hiện đang nắm giữ 18,23% số cổ phần CTD có quyền biểu quyết. Ông Công cho rằng, cùng với các cổ đông lớn khác như Công ty kinh doanh và đầu tư Thành Công (14.67% số cổ phần có quyền biểu quyết), "nhóm Kusto" (chữ dùng của ông Công - PV) đã từng yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 15/10/2019 để bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của chủ tịch Nguyễn Bá Dương và Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công với mục tiêu hoàn tất thâu tóm Coteccons. 

"Nhưng HĐQT đã có công văn giải thích chi tiết về những lập luận vô căn cứ và không có cơ sở pháp lý", ông Công cho biết.

Về những cáo buộc của Kusto như đòi kiểm toán hoạt động, ông Công dẫn chứng: Coteccons thuê những công ty kiểm toán nổi tiếng như PwC, KPMG, Deloitte... thực hiện công việc kiểm toán. "Đây là các công ty kiểm toán chuyên nghiệp, không ai có thể can thiệp vào kết quả kiểm toán của họ", ông Công giải thích.

Coteccons "phản pháo" trước những cáo buộc của Kusto - Ảnh 1.

Những dự án do Coteccons thi công tại Việt Nam


Coteccons "phản pháo" trước những cáo buộc của Kusto - Ảnh 2.

Coteccons có doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, nên có hàng ngàn nhà thầu phụ và nhà cung cấp

Về quan hệ rối rắm giữa Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương và các công ty thành viên, ông Công cho biết, Coteccons có doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, nên có hàng ngàn nhà thầu phụ và nhà cung cấp. Công ty có hợp đồng với tất cả đối tác, trong đó quy định trách nhiệm pháp lý, chi phí quản lý của Coteccons rõ ràng. Ngoài ra, có phòng kiểm soát theo dõi hợp đồng theo đúng quy chế quản lý tài chính, quy trình giao thầu, quy tắc quản lý lực lượng thi công… 

Ông Công nói thêm: "Vì không muốn Kusto tiếp tục có những hành động gây hấn, từ cuối năm 2019 đến nay, Coteccons không ký bất cứ hợp đồng nào với Ricons".

Về việc sáp nhập Ricons, lãnh đạo Coteccons cho biết: "Năm 2012 Coteccons sở hữu trên 20% cổ phần Ricons. Sau khi phát hành cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ, hiện nay Coteccons chỉ còn sở hữu 14.87% Ricons. Do đó, Coteccons có lợi ích tại Ricons vì đây là công ty liên kết. Ricons là một doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán, có phân khúc khách hàng riêng nên Coteccons muốn sáp nhập Ricons để gia tăng thị phần". 

Ông Công xác nhận: "Tỷ lệ sở hữu cổ phần của tôi tại Ricons ít hơn rất nhiều so với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Coteccons. Riêng ông Nguyễn Bá Dương không sở hữu bất cứ cổ phiếu Ricons nào. Vì vậy, việc vu cáo lãnh đạo Coteccons tập trung nguồn lực cho Ricons không có căn cứ".

Ông Công khẳng định, Coteccons "vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân hàng năm luôn trên 40%, vốn điều lệ hiện nay là 792,55 tỷ đồng, có hơn 30.000 lao động, là thương hiệu quốc gia"...

Kusto có nhiều "âm mưu"

Kusto đầu tư vào Coteccons 25 triệu USD năm 2012 - Thời cơm lành canh ngọt

Năm 2012, Kusto chính thức đầu tư vào Coteccons với số tiền ban đầu 25 triệu USD. Nay, mối quan hệ trên đã rạn nứt

Về đối tác chiến lược, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương cho rằng, Kusto đã và đang đi ngược lại những cam kết ban đầu trong việc phát triển Coteccons, chưa có đóng góp trực tiếp nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. 

Một số thành viên đại diện cho Kusto ở HĐQT ít khi tham dự cuộc họp HĐQT mà uỷ quyền cho những cá nhân tại Việt Nam. Nhóm Kusto nhiều lần phủ quyết những nghị quyết đã được thông qua trước đó như chính sách về ESOP cho cán bộ nhân viên vào năm 2017 và 2019 cũng như kế hoạch sáp nhập công ty Ricons như ông Công viết trong thông báo.

"Việc nhóm Kusto có những yêu cầu đại hội cổ đông bất thường, nhất là đơn phương ra thông cáo vào ngày 2/6/2020 với những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Coteccons, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Kusto phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này", ông Công cho biết.

Cũng trong thông cáo này, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương còn có ẩn ý cho rằng việc Kusto gây khó cho HĐQT và ban giám đốc là có "âm mưu" thôn tính thông qua hình thức mua bán. 

Thông cáo có đoạn viết: "…Vào ngày 30/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "phải ngăn chặn cho được một số việc như doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài thôn tính thông qua hình thức mua bán". Bằng thông cáo này, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những hành động cần thiết để bảo vệ thương hiệu Coteccons cũng như quyền lợi của tất cả cổ đông, công ăn việc làm của hơn 30.000 người lao động và gia đình họ".

Đối tác chiến lược Kusto đòi "phế truất" HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem