Kỷ luật Cục trưởng Đường thủy nội địa: Bộ GTVT "giơ cao đánh khẽ"?

Hà An Thứ năm, ngày 13/06/2019 16:25 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể ký Quyết định số 1047/QĐ-BGTVT thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam bằng hình thức “Khiển trách" do vi phạm quy định trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng khiến dư luận bởi nhiều người cho rằng, hình thức kỷ luật này quá nhẹ so với những vi phạm đã xảy ra.
Bình luận 0

Cụ thể, trong các năm 2015-2016, một số cá nhân từng làm việc tại Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa hoặc đang công tác tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đứng ra thu 5 - 20% giá trị một số gói thầu của hàng chục công ty trúng thầu để lập “quỹ đen”.

Ngày 30/10/2018, C01 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Văn Thông (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa - Cục Đường thủy nội địa) để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đầu tháng 3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 - Bộ Công an) đã bắt tạm giam Trần Đức Hải (nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

img

Ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc kỷ luật cán bộ đều có quy trình và thực hiện theo các quy định của pháp luật. Quan điểm của Bộ là ai sai, ai vi phạm thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong khi đó, phân tích về những sai phạm và hình thức kỷ luật của Bộ GTVT đối với ông  Hoàng Hồng Giang,  trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Vũ Văn Biên – Phó Giám đốc Công ty Luật Khoa tín nhìn nhận: “Hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Hoàng Hồng Giang có lẽ không phản ánh đúng bản chất của hành vi vi phạm. Đây là hình thức  kỷ luật rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe, thậm chí có thể đây là hình thức kỷ luật mang tính tượng trưng chứ không phản ánh đúng sự việc hết sức nghiêm trọng xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa”.

img

Phân tích kỹ vấn đề, luật sư Vũ Văn Biên cho hay: “Mọi người có thể thấy rõ, hậu quả của việc tham nhũng tại Cục Đường thuỷ nội địa là rất nặng nề. Các cán bộ công chức dưới quyền ông Hoàng Hồng Giang đã bị khởi tố, nhưng lãnh đạo lại chỉ bị hình thức kỷ luật nhẹ nhất trong các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức là khiển trách thì thật khó thuyết phục. Theo tôi, hình thức khiển trách là quá nhẹ so với trách nhiệm người đứng đầu. Bởi hậu quả xảy ra trong vụ việc tham nhũng này là đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền tham nhũng rất lớn”.

Luật sư Vũ Văn Biên cũng đánh giá thêm: “Vụ án tham nhũng vụ này có thể bị đặt dấu hỏi rất lớn nếu nhà thầu làm ăn gian trá, không đủ năng lực… mà phải cắt xén tiền công trình nộp cho cán bộ Cục Đường thủy (đòi hối lộ - lập quỹ đen). Lúc đó, thử hỏi chất lượng công trình thủy lợi sẽ ra sao? Nếu các công trình thủy lợi, đê điều bị rút ruột thì hậu quả có thể sẽ rất khủng khiếp, có thể là thảm họa".

"Đáng nói, số tiền tham nhũng trong vụ việc này là rất lớn, lại được sử dụng công khai cho Hội nghị, Hội thảo của Cục thì không thể nói người đứng đầu không biết hoặc không liên quan. Mặc dù Cơ quan điều tra không hoặc chưa khởi tố người đứng đầu thì cũng không thể loại bỏ trách nhiệm người đứng đầu đã buông lỏng quản lý, gây hậu quả rất lớn, trong đó hàng loạt cán bộ cấp dưới bị khởi tố. Không thể chỉ áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách mà theo tôi, Bộ GTVT cần áp dụng các tình tiết tăng nặng khi hậu quả của hành vi buông lỏng quản lý đã để xảy ra vụ việc nghiêm trọng”, luật sư Biên nêu.

Cũng theo ông Biên, Bộ GTVT nên cân nhắc, xem xét áp dụng hình thức kỷ luật tại Điểm d Khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức là giáng chức đối với ông Hoàng Hồng Giang.

Điều 12 Nghị định 34/2011/NĐ-CP có giải thích cụ thể về việc áp dụng hình thức giáng chức như sau: Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi; Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem