Kỷ niệm ngày 1/5: Lao động toàn cầu đối mặt với thách thức giữ "việc làm bền vững"

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 30/04/2023 09:35 AM (GMT+7)
Thị trường lao động trong nước và quốc tế đứng trước những cuộc khủng hoảng lớn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine. Không riêng gì Việt Nam, lao động toàn cầu cũng đối mặt với tình trạng thất nghiệp, mất việc làm tăng cao, việc tạo ra và giữ việc làm bền vững trở thành thách thức lớn.
Bình luận 0

Thị trường lao động có chỉ báo xấu đi

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 10/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, lãi suất tăng và lạm phát là các yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng việc làm trên toàn cầu trong năm 2023.

Mặc dù báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại 6/7 nền kinh tế thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang ở mức gần như thấp nhất trong gần một thế kỷ qua, thế nhưng các chuyên gia kinh tế - lao động thì cho rằng dịch Covid-19 trong những năm qua và gần đây là chiến tranh Nga - Ukraine đã làm thay đổi thị trường lao động theo chiều hướng xấu đi cũng như làm thay đổi các điều kiện của thị trường việc làm.

Nam Phi được dự báo là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới trong năm nay 2023, lên tới 35,6%. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc và luật lao động hà khắc đã khiến các công ty không muốn tuyển dụng thêm lao động. Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này dao động quanh mức 20%.

thất nghiệp

Nam Phi được dự báo là nơi có tỷ lệ lao động thất nghiệp cao nhất thế giới. Ảnh: ILO

Ở châu Âu, Bosnia và Herzegovina được dự báo có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, trên 17%. Theo sau là Bắc Macedonia (15%) và Tây Ban Nha (12,7%). Tỷ lệ này cao gấp hơn hai lần so với mức dự báo của các nền kinh tế phát triển tại châu  u. Nước Mỹ cũng được dự báo có tỷ lệ thất nghiệp 4,6% trong năm 2023, cao hơn khoảng 1,2 điểm phần trăm so với mức hiện tại.

Tại châu Á, phần lớn các nền kinh tế được dự báo có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trong đó, tỷ lệ dự báo ở Trung Quốc là 4,1%, Hàn Quốc 3,4%, Nhật Bản 2,4%. Tỷ lệ thất nghiệp dự báo năm nay tại Việt Nam là 2,3%, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng (trừ Thái Lan).

Thái Lan là nền kinh tế được dự báo có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới năm nay, chỉ 1%. Tuy nhiên, khoảng 50% lực lượng lao động của nước này không được đưa vào dữ liệu thống kê thất nghiệp do làm việc trong khu vực phi chính thức.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020 tại 19 quốc gia Châu  u (thuộc Eurozone) tỷ lệ thất nghiệp lao động đã tăng lên 8,1% trong tháng 8, tăng từ mức tương ứng 7,9% của tháng 7, còn lạm phát đã giảm xuống -0,3% trong tháng 9. Điều này đã khiến khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp và số người mất việc làm tăng 251 nghìn người.

Còn tại Châu Á, quốc gia hàng xóm của chúng ta là Trung Quốc cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng. Theo số liệu thống kê, năm 2023 tỷ lệ thất nghiệp đối với người ở độ tuổi từ 16 - 24 tuổi trong tháng 2 vừa qua là 13,1%, vượt xa tỉ lệ thất nghiệp ở đô thị trên toàn quốc là 5,5%. Tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên nêu trên không thay đổi so với quý 1 năm 2020, thời điểm Covid-19 đạt đỉnh tại Trung Quốc.

Báo cáo nhanh số 9 của ILO về "Thế giới Việc làm" cho thấy những cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu khiến công cuộc phục hồi thị trường lao động toàn cầu suy giảm rõ rệt, đi kèm với đó là sự gia tăng bất bình đẳng trong nội tại và giữa các quốc gia. Sau khi đạt được những thành tựu đáng kể trong quý IV năm 2021, số giờ làm việc trên toàn cầu của quý I năm 2022 đã giảm xuống, thấp hơn 3,8% so với mức trước khủng hoảng (quý IV năm 2019). Con số này tương đương với mức thâm hụt 112 triệu việc làm toàn thời gian. Dù có những tín hiệu khởi sắc nhưng thị trường lao động thế giới vẫn tìm ẩn nhiều rủi ro trong năm 2023 .

Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, ông Gilbert F. Houngbo - Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho  rằng cần vinh danh đóng góp của người lao động toàn cầu. Giám đốc ILO cũng nhấn mạnh việc thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức như dịch Covid-19, chiến tranh xung đột... làm gia tăng tình trạng mất việc làm, tiền lương giảm, gia tăng tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói.

Tổng giám đốc ILO cho rằng tình hình có thể khả quan hơn nếu người lao động có thể làm chủ số phận của mình. Để làm được điều này cần phải ưu tiên cho công bằng xã hội và tạo việc làm bền vững cho người lao động.

"Để làm được điều này, ngoài  việc chú trọng tới tốc độ tăng trưởng, các quốc gia cần phải giải quyết các nhu cầu và nguyện vọng của con người. Điều này có nghĩa là tập trung vào giải quyết tình trạng bất bình đẳng, xóa nghèo và an sinh xã hội cốt lõi. Cách hiệu quả nhất để làm điều này là tạo việc làm có chất lượng để mọi người có thể tự nuôi sống bản thân và xây dựng tương lai của chính họ – ‘Việc làm bền vững cho tất cả mọi người’, đúng như tiêu đề của Mục tiêu Phát triển Bền vững 8", ông Gilbert F. Houngbo - Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nói.

... Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng

Không riêng gì thế giới, tại Việt Nam, thị trường lao động cũng chịu nhiều tác động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm (năm 2021) cả nước có tới hơn 30 triệu lao động (trên tổng số 51 triệu lao động) bị ảnh hưởng, ngừng việc, giãn việc, mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

Những tác động bất lợi của dịch Covid-19, và tình hình chiến trang Nga - Ukraine đã khiến cho số lượng đơn hàng giảm mạnh, điều này khiến các doanh nghiệp ngừng hoặc giảm sản xuất điều này dẫn tới phải cắt giảm lao động.

Ông Tào Bằng Huy - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết thị trường lao động đã bước đầu khởi sắc, số việc làm mới cũng bắt đầu tăng. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn tìm ẩn nhiều nguy cơ.

Cụ thể, theo báo cáo của cục này, trong năm 2022 cả nước có hơn 983.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp Trong đó có hơn 975.000 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Kỷ niệm ngày 1/5: Lao động toàn cầu đối mặt với thách thức giữ "việc làm bền vững" - Ảnh 3.

Việc duy trì việc làm bền vững là thách thức với nhiều quốc gia. Ảnh: Lao động tham gia chuỗi sản xuất, chế biến cà phê ở Kon Tum Việt Nam. Ảnh: ILO

Riêng 3 tháng đầu năm 2023 đã có 146.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các đơn vị đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 128.460 người. Tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 31.000 lao động và có quyết định hỗ trợ học nghề cho hơn 4.237 người.

Để tiếp tục phát triển thị trường lao động theo hướng bền vững, chủ động, linh hoạt thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản nhằm chỉ đạo, định hướng để tạo việc làm bền vững cho lao động.

Ngay từ năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Trong đó nêu rõ, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động. So với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Qua đó, tập trung đưa ra nhiều giải pháp như: Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; tăng cường kết nối cung - cầu qua việc tư vấn giới thiệu việc là; tăng cường công tác thống kê dữ liệu thị trường lao động... qua đó phát triển thị trường lao động, duy trì việc làm bền vững.

Không những vậy, liên tiếp trong những năm vừa qua, Bộ LĐTBXH và Tổ chức Quốc tế lao động (ILO) cũng đã ký kết các chương trình hợp tác trong việc duy trì việc làm bền vững, Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định, năm 2023 nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động sẽ là xây dựng và phát triển thị trường lao động, ưu tiên phát triển mở rộng và duy trì việc làm bền vững cho người lao động.                                                             




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem