Kỷ niệm ngày 20/10: Làm doanh nhân nữ, sướng hay khổ?

Nhóm PV Thứ năm, ngày 20/10/2022 07:27 AM (GMT+7)
"Làm doanh nhân, nhất là nữ doanh nhân sướng hay khổ là tùy quan điểm của từng người, nhưng với tôi, được làm cái mình thích, cái mình giỏi nhất và đem lại cho mình và cộng đồng nhiều giá trị thì đó là hạnh phúc...". Dân Việt đã ghi lại ý kiến của nhiều doanh nhân nữ nhân ngày 20/10.
Bình luận 0

Doanh nhân Nguyễn Mến: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn GBM

Làm doanh nhân, nhất là nữ doanh nhân sướng hay khổ là tùy quan điểm của từng người, nhưng với tôi, được làm cái mình thích, cái mình giỏi nhất và đem lại cho mình và cộng đồng nhiều giá trị thì đó là hạnh phúc. Tôi và các cộng sự đều đang cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày.

Thực tế, là một nữ doanh nhân vừa có lợi thế nhưng cũng có những khó khăn nhất định. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy khó khăn hay thiệt thòi hơn nam giới. Mọi thứ đến với mình là do cách mình nghĩ và cách mình làm. Trong kinh doanh thì kết quả là quan trọng nhất, chứ không phải là nam hay nữ.

 Kỷ niệm ngày 20/10: Làm doanh nhân nữ, sướng hay khổ? - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Mến: "Tôi và các cộng sự đều đang cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày".

Tôi quan niệm rằng muốn kinh doanh thành công thì một trong những yếu tố quan trong nhất phải là thật sự hiểu khách hàng, phải giúp khách hàng giải quyết được các vấn đề của họ. Tôi thành công như ngày hôm nay là do được làm đúng cái mình thích nhất, mình làm tốt nhất, và xã hội đang cần. Bên cạnh đó, tôi may mắn có được các cộng sự, đối tác phù hợp với triết lý kinh doanh của mình.

Kinh doanh là một nghề rất khó. Muốn kinh doanh thành công cần nhiều yếu tố. Nhiều khi mình thích nhưng không phải là sở trường của mình thì cũng không thành công. Trước khi khởi nghiệp hay làm bất kỳ việc gì thì cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo, và một trong những sự chuẩn bị đó là phải đi học, đi làm để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm…

 Kỷ niệm ngày 20/10: Làm doanh nhân nữ, sướng hay khổ? - Ảnh 2.

Doanh nhân Nguyễn Mến: "Tôi thành công như ngày hôm nay là do được làm đúng cái mình thích nhất, mình làm tốt nhất, và xã hội đang cần".

Thị trường thời trang bây giờ giống như một "đại dương đỏ", nghĩa là có quá nhiều người tham gia lĩnh vực này. Nhưng chúng tôi thường không còn quan tâm nhiều đến các đối thủ đang làm gì, mà chúng tôi luôn quan tâm đến khách hàng của mình để đem đến cho họ những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi có tham vọng biến khách hàng thành "fan trung thành" của mình. Nếu có khách hàng, doanh nghiệp sẽ có tất cả.

Hòa chung với dòng chảy của thế giới, tôi cho rằng ngành thời trang của Việt Nam cũng sẽ vẫn phát triển mạnh trong tương lai. Doanh nghiệp của chúng tôi đang trong kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2025 và trở thành công ty đại chúng về thời trang hàng đầu của Việt Nam vào năm 2030.

Doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh: CEO & Founder của Học viện Flona

Trong những năm gần đây, vai trò của phụ nữ ngày càng trở nên quan trọng và có nhiều người đã nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước hay nền kinh tế.

Không những vậy, những người phụ nữ trẻ tuổi, nhiệt huyết còn luôn nung nấu khát khao trở thành những doanh nhân thành đạt. Cầu nối để họ đạt được điều đó chính là những Startup để khởi nghiệp.

Nếu thành công, họ sẽ khẳng định được vị trí của mình, nhưng ngược lại cũng là những bài học lớn. 

Từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã luôn ấp ủ dự định khởi nghiệp với đam mê cái đẹp mà cụ thể ở đây là hoa tươi. Điều đó đã thôi thúc tôi học nghề cắm hoa nghệ thuật song song với đại học và khi ra trường đã không đi làm nhân viên văn phòng như bao người bạn đồng trang lứa mà quyết định gắn bó với công việc này từ năm 2015. Sau 3 năm, đến năm 2018, khi đã có đủ kinh nghiệm, tôi quyết định Startup với học viện Flona - chuyên đào tạo cắm hoa nghệ thuật và đến đã có nhiều lớp học viên ra trường cũng có những thành công nhất định.

 Kỷ niệm ngày 20/10: Làm doanh nhân nữ, sướng hay khổ? - Ảnh 3.

Doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh: CEO & Founder của Học viện Flona.

Là phái mạnh khởi nghiệp đã vất vả, phụ nữ còn vất vả gấp nhiều lần, nhưng tôi quyết liệt với việc mình làm và tin mình chắc chắn sẽ được đền đáp.

Tôi cũng chứng kiến nhiều thất bại của bạn bè khi khởi nghiệp, con trai có, phụ nữ cũng có. Với bản thân tôi, phụ nữ khó nhất khi thiếu quyết liệt. Còn khi đã đủ quyết liệt với việc mình làm, chắc chắn sẽ được đền đáp, nếu vấp ngã, đó cũng là bài học cho mình nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, phụ nữ cũng có lợi thế khi khởi nghiệp là dễ tiếp cận các đối tác hơn nên theo tôi, dù vất vả, nhưng chỉ cần có thuận lợi, chắc chắn tôi sẽ làm khi đã quyết tâm với dự định của mình.

Không chỉ thuận lợi, từ khi khởi nghiệp, tôi cũng đã phải vượt qua nhiều thử thách. Trong đó, lớn nhất là dịch Covid-19 diễn ra vào năm ngoái khi xã hội giãn cách, học viên không thể đi học. 

Với cắm hoa nghệ thuật, học online là phương án không hiệu quả nên tôi không áp dụng. Do đó, mấy tháng Hà Nội giãn cách vì dịch Covid-19, tôi đã phải rất khó khăn để duy trì học viện của mình để vượt qua giai đoạn đó và dần phục hồi trong năm 2022.

Tính đến ngay, tôi đã có khoảng 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình và tính riêng thời gian làm chủ với dự án khởi nghiệp cũng đã 4 năm. 

Rủi ro khi khởi nghiệp là rất lớn bởi bạn sẽ phải lo từ A-Z cho công ty của mình. Rủi ro lớn nhất với tôi là không có học viên, đó sẽ là thất bại. Còn lời khuyên dành cho các bạn trẻ hiện nay, hãy làm những gì mình đam mê bằng tất cả những gì mình có, mình đã học được và có đủ quyết tâm.

Nếu khởi nghiệp mà nhanh nản thời gian đầu, sẽ không có vinh quang về sau. Với tôi, “một là làm, không có hai”.

Doanh nhân Vũ Như Quỳnh: Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân - Nghệ nhân Bát Tràng

Tôi hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH MTV Gốm sứ Vạn An Lộc tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm gốm, nhưng ban đầu tôi đã chọn học ngành thiết kế thời trang ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Sau khi ra trường, tôi vẫn làm nghề mình đã theo học và mở thêm một cửa hàng về gốm sứ. Trong quá trình kinh doanh, mọi người chỉ làm ra những sản phẩm gốm 3D đơn giản như đắp hoa hồng lên trên bình. Song, về các mặt hàng đồ gốm phục vụ tâm linh thì chưa từng có ai ứng dụng kỹ thuật này. Chủ yếu các doanh nghiệp đều nhập từ nước ngoài, những mặt hàng mang đậm nét văn hóa Việt là rất ít. Từ đó, tôi quyết định sẽ theo đuổi nghề gốm của gia đình.

 Kỷ niệm ngày 20/10: Làm doanh nhân nữ, sướng hay khổ? - Ảnh 4.

Doanh nhân Vũ Như Quỳnh: Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân - Nghệ nhân Bát Tràng.

Lúc đó tôi đã bắt đầu bằng ý tưởng phục hồi lại các họa tiết hoa văn cổ như chim công, rồng chầu mặt nguyệt,… bảo tồn nước men rạn ở các bình gốm cổ xưa nhưng mang hơi thở đương đại. Bằng cách đó, tôi vừa có thể giữ gìn được văn hóa, bản sắc gốm Việt mà vẫn đáp ứng được sự khó tính vốn có của thị trường ngày nay.

Thế nhưng, sau ba năm âm thầm thử nghiệm đắp nổi hoa văn cổ trên bình gốm cũng là từng ấy thời gian tôi phải đập bỏ hàng nghìn sản phẩm.

Ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi khi làm đắp nổi 3D đòi hỏi kỹ thuật đắp phải tỉ mỉ, khéo léo; phương đất khi kết hợp với họa tiết đắp ở trên sản phẩm lọ, bình phải làm sao để không bị nứt, vỡ; làm thế nào để đạt hiệu quả thẩm mỹ… là những khó khăn mà tôi cần phải nghiên cứu rất kỹ. Lúc đầu hỏng rất nhiều, nhưng từ đó tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm để có thể chỉnh lý sản phẩm sao cho đẹp, đạt giá trị thẩm mỹ cũng như phù hợp với những tính chất đặc trưng của đồ tâm linh.

Sau muôn vàn khó khăn, Vạn An Lộc khi mới khởi điểm chỉ có 3 người thì đến nay đã có 150 công nhân. Hiện nay, công ty đang có 20 đại lý lớn trên cả nước chuyên cung cấp, phân phối dòng hàng tâm linh mang thương hiệu Vạn An Lộc.

Công ty càng phát triển thì thời gian, công sức phải dành cho xưởng gốm càng nhiều, tôi phải cân bằng giữa công việc với cuộc sống thường ngày để hoàn thành trọng trách của một người mẹ, người vợ, điều này không hề dễ dàng.

Trước kia tôi đã không ít lần ăn ngủ tại xưởng để có thể chuyên tâm nghiên cứu, thực hiện những dòng sản phẩm mới. Nhưng từ khi có con, tôi luôn tự nhủ với bản thân dù bận rộn đến đâu cũng phải dành thời gian chăm sóc, trò chuyện cùng các con.

Cũng giống như những bà mẹ sinh ra từ làng gốm, tôi luôn mong các con có thể tiếp tục giữ lửa nghề, tiếp nối cha ông để giúp Bát Tràng ngày càng phát triển hơn. Tuy nhiên, do các bé vẫn còn nhỏ nên tôi không đặt quá nặng vấn đề nghề nghiệp mà sẽ sẵn sàng lắng nghe, cùng con phát triển sở thích của riêng mình.

Mong ước trong tương lai nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi chỉ tâm niệm sẽ cố gắng đưa sản phẩm gốm Vạn An Lộc xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.

Nhưng điều trước mắt tôi vẫn luôn suy nghĩ là làm thế nào để sản phẩm gốm của mình ngày càng có những sản phẩm không những đẹp, chất lượng đến tay người tiêu dùng mà mỗi sản phẩm lại là một câu chuyện, một nét văn hóa mang đậm bản sắc Việt. Để thế hệ trẻ hôm nay và các du khách quốc tế có thể hiểu rõ hơn về đặc trưng văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem