"Nông nghiệp chuẩn phải có quy trình chuẩn; nông dân chuẩn cũng phải tươm tất đường hoàng", ông Dũng hay bảo thế. Sáng nay, ông lại sơvin đóng thùng, mang giày Tây, dẫn chúng tôi bước qua cầu khỉ... để vào vườn ớt hữu cơ không thể bình dân hơn của mình. Mừng cho đơn hàng đầu tiên xuất khẩu, tôi mừng cho cả giấc mơ nông nghiệp hữu cơ giá rẻ vì nông dân nghèo của ông đã thành hình.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 2.

"Vùng đất chết" – đó là cách mà người ta hay định danh cho nông trường Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), vùng đất quanh năm nhiễm phèn nặng. Nhưng với ông Dũng, vùng đất này chưa bao giờ chết, chỉ là có tìm ra được con đường để cho nó sống hay không.

Từ trước năm 1975, vùng trũng phèn cực nặng này vốn đã thưa vắng bóng người dù cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 20 km. Đây cũng được xem là vùng oanh kích tự do cho các phi cơ chiến đấu xuất phát từ Tân Sơn Nhất và Biên Hòa.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 3.

Bước ra khỏi cuộc trường kỳ kháng chiến, những năm đầu thập niên 80, TP.HCM lại tiếp tục đối diện vô vàn gian khó từ chuyện hàn gắn vết thương chiến tranh, tới nỗi lo bát cơm manh áo của người dân. Mục tiêu khai thông sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện từng bước đời sống người dân được đặt ra cấp bách.

Ông Dũng kể, vùng đất nhiễm phèn nặng Phạm Văn Hai vốn là nông trường trồng lúa nhưng thất bại, đã phải giải thể. Năm 1979, TP.HCM mới thành lập mới Nông trường Quốc doanh Phạm Văn Hai. Đang là Phó trưởng ban Xây dựng kinh tế mới TP.HCM, năm 1979, ông Trương Tấn Sang (Nguyên Chủ tịch nước) được điều về làm Giám đốc nông trường này.

Về nông trường Phạm Văn Hai, việc đầu tiên ông giám đốc Sang làm là phải tìm cho ra loại cây trồng thích hợp với nông trường. Cuối cùng, sản phẩm chủ lực được chọn là trái khóm (trái thơm).

Lúc đó, ông Dũng đang là Đội trưởng Đội Trồng trọt số 3 của Nông trường Quốc doanh Thái Mỹ (huyện Củ Chi). Nhận nhiệm vụ về tăng cường cho nông trường Phạm Văn Hai, ông Dũng được bổ nhiệm làm Đội trưởng đội khai hoang lên liếp để trồng thơm. Nhiệm vụ cụ thể của ông là chỉ huy đào mương, lên liếp trồng thơm trên 1.000 ha vùng đất phèn trũng ngập.

Nhưng với một Ban chỉ huy bấy giờ chỉ gồm 1 đội trưởng, 2 đội phó và 6 kỹ thuật viên mà không có công nhân trực tiếp, ông Dũng đề đạt nguyện vọng, phải thuê người làm và trả công xứng đáng theo cơ chế thị trường. Được Giám đốc Sang chấp thuận, ông về các tỉnh miền Tây vận động nông dân lên nông trường hợp sức đào mương, lên liếp và trả công cho họ.

Đó là những năm tháng không bao giờ quên của một thế hệ thanh niên trai trẻ TP.HCM vì nhiệt huyết vực dậy một nông trường đang gặp nhiều khó khăn. Chính ông giám đốc nông trường cũng đầu trần chân đất, đội nắng gió suốt ngày lội ruộng. "Đôi lúc người ta còn không phân biệt được đâu là Giám đốc Trương Tấn Sang, đâu là anh em công nhân. Sức trẻ, trí thức và nhiệt huyết cách mạng đã giúp cả tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", ông Dũng kể.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 4.

Vậy từ lúc nào ông chọn con đường nông nghiệp hữu cơ (NNHC)?

Khó khăn vẫn chưa dừng lại trên mảnh đất nghèo khó Phạm Văn Hai này. Từ năm 1995, Nhà nước thực hiện chính sách giao khoán đất nông trường. Nhiều người mạnh dạn nhận đất, rồi đầu tư tiền tỷ vào đất này để trồng cây ăn trái. Nhưng cây lớn lên; rễ ăn sâu xuống đất, đụng phèn lại chết. Không biết bao nhiêu tiền của, công sức đã... đội nón ra đi.

Tôi học ngành canh nông rồi làm việc liên tục trong ngành nông nghiệp cho đến khi nghỉ hưu. Trong thời gian làm việc, tôi rất đam mê nông nghiệp hiện đại, nên luôn luôn cập nhật kỹ thuật mới trong và ngoài nước để nghiên cứu.

Trước khi thuật ngữ Cách mạng 4.0 ùa vào, tôi đã nhận thấy muốn phát triển cây rau quả an toàn và bền vững chỉ có con đường canh tác hữu cơ. Từ đó tôi chuyển từ nghệ nhân hoa lan, cây cảnh, bonsai sang nghiên cứu chuyên sâu về quy trình canh tác hữu cơ bằng công nghệ cao và ngâm ủ phân hữu cơ theo hướng công nghệ sinh học.

Nông dân mình còn nghèo khó. Nông dân nghèo thì làm gì có tiền tỷ mà đầu tư công nghệ cao. Năm 2010, tôi quay về xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) để thực hiện giấc mơ của mình.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 5.

Ông bắt đầu giấc mơ của mình như thế nào?

Vì quanh năm nước ngập, đất bị nhiễm phèn nặng, việc canh tác nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Nông dân trực tiếp trồng rau trên đất phèn thường không đem lại hiệu quả. Từ cái chòi lá giữa khu đất, những ý tưởng đầu tiên hình thành. Năm 2012, chúng tôi bắt đầu thực hiện mô hình canh tác rau sạch hữu cơ giá rẻ.

Đến năm 2016, tôi cùng anh em nông dân thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Trường Thịnh để phát triển mô hình trên khu đất thuê khoán của công ty Giống cây trồng thành phố (thuộc Nông trường Phạm văn Hai cũ).

Nhưng đã làm NNHC thì làm sao có chuyện giá rẻ được?

Mô hình của chúng tôi khi đó là trồng cây trên giá thể hữu cơ, canh tác trong nhà màng. Tất cả các nguyên vật liệu được tận dụng triệt để với chi phí thấp để có thể dễ dàng chuyển giao cho đa số nông dân. Trong đó, khó khăn nhất là phải tìm được nguồn hữu cơ giá rẻ để làm đất nhân tạo (giá thể).

Điểm nổi bật của phương pháp canh tác này là rau quả trồng trong nhà màng để phòng trừ sâu bệnh gây hại; tận dụng được hết các phế thải nông nghiệp như lục bình, cỏ dại, các loại rác thải hữu cơ từ chợ đầu mối nông sản. Vì không phải tốn công xử lý đất, làm cỏ, lại không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu nên mô hình này không những giảm được giá thành sản phẩm mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.

Mô hình này có thể áp dụng trên mọi loại đất, kể cả đất nghèo kiệt vẫn có thể sản xuất được rau cho năng suất cao. Khi đó, HTX trồng thí điểm trên diện tích 2.000m2. Tính tổng cộng chi phí lắp đặt nhà màng, nguồn đất nhân tạo, cây giống… chỉ khoảng 40-50 triệu/1.000 m2; thấp hơn giá đầu tư của các mô hình hiện đại từ 3-4 lần.

Sau khi phủ bạt nền, vun đất nhân tạo với cao độ 15cm thì bắt đầu trồng và thu hoạch. Không cần đầu tư cả trăm triệu, nông dân trên vùng đất nhiễn phèn có thể trồng cả ngàn mét vuông rau hữu cơ bằng mô hình giá thể.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 6.

Thế sao rau hữu cơ bị "đuổi" khỏi Chợ phiên?

Để kích cầu tiêu dùng nông sản sạch, thành phố tổ chức Chợ phiên nông sản mỗi cuối tuần. Thực ra lúc đó chưa có đơn vị chứng nhận hữu cơ. Tôi thuyết phục được Sở NNPTNT và rau của HTX Trường Thịnh tham gia được 10 phiên như thế với kết quả lấy mẫu kiểm định sạch 100%.

Ngặt nỗi, chúng tôi không có chứng nhận VietGap và cũng không tha thiết với chứng nhận ấy dù có nhiều đơn vị thuyết phục làm. Rau của Trường Thịnh tiêu thụ ở Chợ phiên rất tốt nhưng lời ra tiếng vào mãi... Thế là chúng tôi bị "đuổi".

Năm 2017, tôi được thành phố cử đi tham quan học tập nông nghiệp công nghệ cao tại Hàn Quốc. Cùng chuyến đi còn có ông giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp. Ông ấy hiểu và thương cho tâm huyết của Trường Thịnh nên rau của HTX lại vào Chợ phiên. Nhưng một mình ông giám đốc không đủ sức chống lại những lời ong tiếng ve. Dù là rau hữu cơ nhưng không có giấy chứng nhận VietGap, rau của HTX Trường Thịnh một lần nữa khăn gói... ra lề đường.

Trong thời gian đó, HTX sống sao?

Vì không có đầu ra ổn định, rau quả sạch cứ phải lê lết, nay bán chợ cóc này, mai bán chợ nhái kia. Mình mơ ước làm công nghệ để giúp nông dân, giúp người nghèo mà sản phẩm làm ra còn lay lất hơn rau thường. Đời sống của các xã viên khốn đốn. Tôi bị mang tiếng là nói phét, chỉ giỏi lý thuyết suông. Thương hiệu của HTX thì chìm lắng, thậm chí còn bị đồn thổi đã giải thể hoặc bỏ trốn rồi.

Đó là những ngày tháng miệt mài chịu trận và đầy những tủi hổ. Nhưng các thành viên vẫn quyết tâm bám trụ vì niềm tin vững chắc rằng, có một ngày, rau quả hữu cơ sẽ lại được thị trường tín nhiệm.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 7.

HTX trồng ớt từ cơ duyên nào?

Chúng tôi trước sau vẫn kiên định con đường NNHC đã chọn. Trong giai đoạn từ 2017-2019, HTX được một công ty xuất nhập khẩu nông sản để mắt đến. Họ tiếp xúc và đặt vấn hợp tác sản xuất ớt sạch xuất khẩu sang Nhật Bản, bằng chính cái cách mà chúng tôi đã làm.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 8.

Quá trình đàm phán 3 năm về chất lượng sản phẩm rất căng thẳng và nghiêm túc. Họ mang mẫu ớt đi test 2 lần theo tiêu chuẩn Châu Âu; xem xét về quy trình canh tác hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học; kiểm tra xuất xứ hàng hóa cho tới vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ môi trường.

Sau khi thỏa thuận các điều kiện về giá cả, các quy chuẩn khác theo quy định xuất khẩu nông sản; cuối cùng đối tác đã đồng ý ký hợp đồng để 2 bên cùng hợp tác sản xuất ớt sạch sang thị trường Nhật Bản.

Cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã giao 2 đợt. Ớt được nhập vào kho chế biến đạt tiêu chuẩn của đối tác. Chúng tôi đang tiếp tục thu hoạch để giao đủ theo đúng hợp đồng 10 tấn ớt sạch đến cuối tháng 10.

Vậy, đối tác có yêu cầu ông làm chứng nhận VietGAP không?

Nhật Bản là thị trường cực kỳ khó tính. Họ cũng có bộ tiêu chuẩn NNHC riêng. Nhưng làm chứng nhận sẽ tăng thêm giá thành trong khi họ cần cái thực chất là sản phẩm sạch sau khi kiểm tra qua các tiêu chuẩn khắt khe.

Tôi rất thích câu nói của ông Võ Quan Huy, người trồng chuối nổi tiếng dưới Long An: "Sạch hay không là do lương tâm người sản xuất". Các chứng nhận Gap đặt ra tiêu chuẩn cho mình hướng tới. Có chứng nhận là tốt nhưng không phải mục đích cuối cùng. Sở hữu cả chục chứng nhận mà sản phẩm không sạch cũng vô nghĩa.

Nhưng canh tác NNHC không hề đơn giản?

Nông dân ở các nước tiên tiến hiểu rất rõ về NNHC hiện đại nên quá trình canh tác của họ gọn nhẹ, đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn. Đa phần nông dân ở ta còn lúng túng về NNHC nên sản xuất luộm thuộm, tốn nhiều chi phí. Thậm chí, khâu xử lý phân bón hữu cơ chưa hợp lý; quy trình canh tác lỏng lẻo và mang hình bóng của nông nghiệp truyền thống; hiệu quả không cao nên dễ nản lòng.

Muốn NNHC tăng năng suất, giảm giá thành, đảm bảo chất lượng thì phải biết kết hợp công nghệ sinh học vào phân bón, đất trồng. Cùng với đó là cải tiến quy trình canh tác theo hướng hiện đại. Bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để chủ động chăm sóc, bảo vệ cây trồng và giảm chi phí nhân công.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 9.

Vậy mô hình của ông giúp được gì cho nông dân?

Làm NNHC không dễ. Bỏ tiền tỷ ra làm công nghệ cao, không phải ai cũng đủ sức đầu tư. Nhưng khi đã hiểu về công nghệ sinh học, nông dân nghèo cũng có thể làm được NNHC. Đó là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới. Ai muốn tìm hiểu, ứng dụng cứ đến HTX Trường Thịnh, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao công nghệ.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 10.

Thực tế, giá thành sản xuất của chúng tôi không cao. Một giá thể trồng ớt chỉ từ 5.000-10.000 đồng; đầu tư một hệ thống hoàn chỉnh từ phân, giống, hệ thống tự động chỉ 100 triệu đồng/1.000m2.

Sản phẩm hữu cơ của chúng tôi không xấu. Tiêu chuẩn kích thước đặt ra là trái ớt chỉ thiên dài 3-7cm. Ớt của chúng tôi trồng đồng bộ từ 4-8cm, thậm chí dài tới 10cm. Cuối cùng là chất lượng sản phẩm của chúng tôi được thị trường khó tính chấp nhận. Ớt xuất khẩu có giá trị gấp 3 lần trái ớt bình thường.

Quá trình sản xuất hữu cơ của HTX còn gặp khó khăn nào nữa không?

Con đường của NNHC gian truân thế nào thì cái HTX bé mọn này cũng bấy nhiêu bầm dập. Ngay khi HTX đã xuất khẩu thành công nông sản để thu ngoại tệ thì cơ chính sách vẫn còn nhiều vướng víu. Quy định cấm xây dựng trên đất nông nghiệp không cho phép chúng tôi chắp vá lại viên đá trên con đường đất gồ ghề đầy hố voi, ổ chuột dẫn vào HTX. Khổ nhất là bảng hiệu đề tên HTX cũng bị người ta phá dỡ, dễ gây hiểu lầm cho đối tác là HTX lừa đảo, dựng mô hình lên rồi bỏ trốn.

Hiện nay vấn đề ô nhiễm đã đến độ báo động. Trong khi nông trường Phạm Văn Hai gần 2.000ha có hệ thống đê điều cống mương đã được nhà nước đầu tư đầy đủ. 2.000ha này nếu đẩy mạnh được hoạt động nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao có thể phát triển thành một "lá phổi xanh" thứ hai, chứ không xa như "lá phổi" Cần Giờ.

Mô hình của HTX Trường Thịnh mới nhen nhúm ngọn lửa ban đầu nhưng nó chứng minh rằng vùng đất này có khả năng phát triển thành một vùng chuyên canh rau củ quả cung ứng cho nội địa lẫn xuất khẩu.

Hiện nay UBND huyện Bình Chánh, các ban ngành thành phố cũng rất ủng hộ mô hình. Chúng tôi mong các ban ngành thành phố sớm tìm cách hỗ trợ, gỡ vướng chính sách cho các HTX để đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao và các chương trình phát triển kinh tế tập thể.

Kỹ sư Võ Thành Dũng: 10 năm đi tìm giấc mơ hữu cơ giá rẻ cho dân nghèo - Ảnh 11.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem