Kỳ tích của Quảng Ninh trong cuộc chiến chống giặc Covid-19

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 02/04/2020 15:37 PM (GMT+7)
Những “lằn roi” của đại dịch Covid-19 đã bắt đầu in vết lên nền kinh tế “cường tráng” của Quảng Ninh. Nhưng bước qua quý I/2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn tăng 7,2%, thuộc mức cao trong cả nước.
Bình luận 0

Không để sản xuất đình trệ

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong thời điểm vô cùng khó khăn hiện nay, việc đạt con số tăng trưởng kinh tế 7,2% là một kỳ tích.

img

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: "Cùng với gói hỗ  trợ, vấn đề đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động chính là an sinh xã hội bền vững". Ảnh: Thu Chung

Giải thích điều này, ông Ký đưa ra những con số: Du lịch, dịch vụ - một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh (chiếm tỉ trọng tới 46% trong cơ cấu kinh tế năm 2019) - bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 7,2%, thuộc mức cao trong cả nước. Thu NSNN trên địa bàn ước đạt 13.067 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 9.801 tỷ đồng, bằng 26% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 3.255 tỷ đồng, bằng 29% dự toán.

“Ở một điều kiện khó khăn như thế, đa số người lao động ở Quảng Ninh vẫn đảm bảo được việc làm, mức thu ngân sách vẫn đạt theo kế hoạch. Điều này chứng tỏ sức sống của nền kinh tế tương đối ổn định” – ông Ký nói.

Ngày 31/3, kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Ninh biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết dành 1000 tỷ đồng để đầu tư các trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm Covid-19; công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị mất việc do dịch Covid-19… với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Như vậy cùng với các cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, cùng với TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh là địa phương thứ hai trong cả nước chính thức có cơ chế hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

img

Kỹ thuật Real Time RT-PCR chẩn đoán Covid-19 được tỉnh Quảng Ninh trang bị, sử dụng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, quy định: Trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6/2020), người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Tổng kinh phí 1000 tỷ đồng để sắm trang thiết bị y tế tốt nhất phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19; công tác phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người lao động trong các hộ cận nghèo, hộ nghèo, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, mất việc do dịch bệnh Covid-19 được trích từ chi ngân sách dự phòng các cấp, từ giảm kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, mua sắm tài sản, hội nghị, hội thảo… của tỉnh.

Nói về nghị quyết này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Con số 1000 tỷ dành cho công tác phòng chống dịch bệnh là điều cần phải làm ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, an sinh xã hội không chỉ bằng các gói cứu trợ, cứu tế. Làm sao để duy trì việc làm cho rất nhiều người, để họ có thu nhập ổn định, đấy mới là điều quan trọng!”.

img

Công nhân mỏ than Hà Lầm vẫn hăng say lao động, sản xuất. Ảnh: Nguyễn Quý. 

Cùng cả nước bước vào giai đoạn cam go của cuộc chiến chống giặc Covid-19, nhịp sống chậm lại ở vùng Mỏ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày”, nhưng nhịp sản xuất để đảm bảo kinh tế phát triển tiếp tục được thực hiện trong sự kiểm soát an toàn nhất. Mọi hoạt động sản xuất được đưa vào phương án chống dịch trong thời kỳ cao điểm, tất cả các phân xưởng, công trường, nhà máy sản xuất đều thực hiện gắt gao quy trình kiểm soát y tế đối với người, phương tiện ra/vào, nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho sản xuất được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, thông suốt.

Có mặt tại Công ty CP than Hà Lầm vào những ngày này, chúng tôi được trải nghiệm và cảm nhận rõ hơn khó khăn của những người đang ngày đêm khai thác “vàng đen” làm giàu cho đất nước. Dẫu vất vả, nhưng sự lạc quan, yêu nghề của họ vẫn luôn bừng sáng.

Dù rất lo về diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nhưng không vì thế mà hàng vạn thợ mỏ Quảng Ninh bỏ ca xuống lò, người công nhân vì sợ dịch mà không đến phân xưởng sản xuất. Họ vẫn ngày ngày đi trong lò, tiếp tục thi đua lao động sản xuất, khai thác nhiều than để bù đắp cho sự sụt giảm của các ngành kinh tế khác.

Sức khỏe của người dân là tối thượng

Ngay từ những ngày đầu chống dịch, Quảng Ninh đã chủ động đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại để thực hiện tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong đó, CDC Quảng Ninh là một trong những Trung tâm xét nghiệm bệnh tật đầu tiên trong cả nước thực hiện được xét nghiệm Covid-19 và được Bộ Y tế công nhận.

img

Sân bay Vân Đồn đón hàng chục chuyến bay chở Việt kiều, du học sinh từ các nước châu Âu về Việt Nam. Ảnh: Đỗ Phương.

Cùng với số lượng máy thở hiện có của các bệnh viện, mua sắm mới, tỉnh đã huy động được số lượng lớn máy thở của ngành Than để phục vụ cho công tác phòng chống dịch và. Đến thời điểm hiện nay, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có số lượng máy thở nhiều nhất cả nước (sau Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh), có 13 phòng áp lực âm được lắp đặt, đủ để điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân nặng trong cùng lúc. Hai bệnh viện cách ly đặc biệt với hệ thống trang thiết bị hiện đại, công suất 1.000 giường bệnh ngay lập tức được thành lập từ giai đoạn đầu chống dịch đã tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng của người dân vào sự quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Mạnh tay đầu tư cho y tế để trong cuộc chiến, mọi người dân đều được khám, chữa bệnh với điều kiện tốt nhất.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện đầu tiên việc khám sức khỏe toàn dân. 97% người dân trên toàn tỉnh đã được khám sàng lọc sức khỏe, có hồ sơ y tế theo dõi, những người trên 60 tuổi có bệnh nền được thăm khám, tư vấn sức khỏe tại nhà.

img

Sáng 16/3, 3 chuyến bay của hãng hàng không Viet Nam Airlines chở theo 159 hành khách từ châu Âu đã hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Sẵn sàng với tâm thế Quảng Ninh vì cả nước, trong thời gian qua, tỉnh đã đón 12.620 công dân Việt Nam về nước qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; đón 27 chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với 4.092 người, trong đó có 3.530 công dân Việt Nam, 562 người nước ngoài; thực hiện cách ly 650 trường hợp tại cơ sở y tế, 3.400 trường hợp tại cơ sở cách ly tập trung; giám sát, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho trên 3.000 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp dương tính, hoàn toàn là những trường hợp người nước ngoài và lưu học sinh từ Châu Âu nhập cảnh vào địa bàn.

Bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu càng cam go, quyết liệt thì truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của người vùng Mỏ càng được phát huy hơn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem